Xạ trị điều trị Ung thư Đại trực tràng

 

 

Xạ trị là liệu pháp dùng tia bức xạ năng lượng cao (như tia X) hoặc các hạt phóng xạ để phá hủy tế bào ung thư. Xạ trị được dùng để điều trị ung thư ở trực tràng nhiều hơn đại tràng. Hóa trị kết hợp với xạ trị có thể mang lại hiệu quả tốt hơn cho một số bệnh nhân ung thư đại tràng hoặc trực tràng. Phương pháp điều trị này được gọi là hóa xạ trị.

Xạ trị điều trị ung thư đại tràng

Mặc dù không phổ biến cho bệnh nhân ung thư đại tràng, xạ trị vẫn được chỉ định để điều trị trong một số trường hợp dưới đây:

– Trước khi phẫu thuật (có thể kết hợp cùng hóa trị) để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật.

– Sau khi phẫu thuật, nếu khối u đã lan tới nội tạng khác trong ổ bụng hoặc màng bụng. Trong trường hợp này, bác sỹ khó có thể đảm bảo cắt bỏ hết toàn bộ khối u. Xạ trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại sau phẫu thuật.

– Trong khi phẫu thuật, xạ trị vào đúng vị trí khối u vừa được cắt bỏ để tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại. Phương pháp xạ trị này được gọi là xạ trị trong phẫu thuật IORT.

– Xạ trị đồng thời với hóa trị nếu tình trạng bệnh nhân không phù hợp để phẫu thuật.

– Giảm nhẹ triệu chứng khi ung thư đại tràng giai đoạn muộn gây tắc ruột, chảy máu hoặc đau.

– Điều trị ung thư đại tràng di căn đến các cơ quan khác như xương, phổi hoặc não.

Xạ trị điều trị ung thư trực tràng

Xạ trị điều trị ung thư trực tràng phổ biến hơn và được dùng để:

– Trước/hoặc sau phẫu thuật, hoặc cùng với hóa trị, để phòng ung thư tái phát. Ngày càng nhiều bác sỹ chỉ định xạ trị trước phẫu thuật để tạo điều kiện phẫu thuật dễ dàng hơn, đặc biệt là khi kích thước khối u to hoặc vị trí khối u khó tiếp cận. Phương pháp này được gọi là điều trị tân bổ trợ. Điều trị hóa xạ trị trước phẫu thuật có thể làm giảm tổn hại đến cơ thắt trực tràng trong lúc phẫu thuật. Các hạch bạch huyết quanh khối u thường được xạ trị cùng lúc với điều trị khối u.

– Trong khi phẫu thuật, xạ trị vào đúng vị trí khối u vừa được cắt bỏ để tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại. Phương pháp xạ trị này được gọi là Xạ trị trong phẫu thuật IORT.

– Đối với bệnh nhân không phù hợp để phẫu thuật, xạ trị được chỉ định cùng hoặc không cùng với hóa trị để giảm nhẹ triệu chứng khi ung thư trực tràng giai đoạn muộn gây tắc, chảy máu hoặc đau.

– Điều trị các khối u trực tràng tái phát ở tiểu khung sau khi bệnh nhân đã được xạ trị.

– Điều trị ung thư trực tràng di căn đến các cơ quan khác như xương, phổi hoặc não.

Các phương pháp xạ trị

Xạ trị liều chiếu ngoài

Xạ trị liều chiếu ngoài là phương pháp xạ trị phổ biến nhất cho bệnh nhân ung thư đại tràng hoặc trực tràng. Máy xạ trị đặt bên ngoài cơ thể chiếu tia bức xạ vào khối u, tương tự như khi chụp x-quang nhưng tia bức xạ có năng lượng cao hơn nhiều. Kế hoạch xạ trị bao gồm cường độ & thời gian được xây dựng tùy vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân. Liệu trình xạ trị có thể diễn ra trong vài ngày cho tới vài tuần.

Các kỹ thuật xạ trị mới như xạ trị không gian 3 chiều (3D-CRT), xạ trị điều biến cường độ (IMRT) và xạ phẫu đa chiều không đồng phẳng điều trị ung thư đại trực tràng di căn phổi hoặc gan đã chứng tỏ ưu thế vượt trội với khả năng nhắm chính xác tới khối u đồng thời giảm liều bức xạ làm tổn hại mô lành xung quanh. Các kỹ thuật này thường dùng để điều trị một số ít khối u là nguyên nhân gây triệu chứng khi phẫu thuật không phải là phương pháp phù hợp.

Xạ trị liều chiếu trong (xạ trị áp sát)

Xạ trị áp sát có thể được chỉ định điều trị một số trường hợp ung thư trực tràng nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ cách dùng tối ưu.

Ở lần điều trị đầu tiên, nguồn phóng xạ được đưa vào trong khối u hoặc cạnh khối u trực tràng. Tia bức xạ sẽ được chiếu thẳng vào khối u mà không cần đi qua da & các mô ở ổ bụng, vì vậy tránh làm tổn hại các mô lành quanh khối u.

Xạ trị trong khoang

Đối với kỹ thuật này, một dụng cụ nhỏ hình quả bóng được đưa vào trong trực tràng và chiếu tia bức xạ năng lượng cao trong vài phút. Liệu trình thông thường bao gồm 4 lần chiếu xạ (hoặc ít hơn) cách nhau 2 tuần. Phương pháp này giúp bệnh nhân không phải thực hiện đại phẫu và đặt hậu môn nhân tạo, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi. Phương pháp này cũng được chỉ định để điều trị bệnh nhân có khối u trực tràng nhỏ hoặc bệnh nhân đã xạ trị vùng tiểu khung bị tái phát. Xạ trị trong khoang đôi khi cũng được chỉ định kết hợp cùng xạ trị liều chiếu ngoài.

Xạ trị áp sát kẽ

Ở kỹ thuật này, dụng cụ hình ống chứa các hạt phóng xạ được đưa vào đúng khối u trực tràng trong thời gian vài phút. Tia bức xạ có bước sóng ngắn, chỉ tác động ở khoảng cách gần ít gây tổn hại các mô lành quanh khối u. Kỹ thuật được chỉ định để điều trị bệnh nhân ung thư trực tràng không đủ điều kiện phẫu thuật, hoặc ung thư tái phát trực tràng. Liệu trình điều trị thông thường bao gồm một số lần chiếu xạ trong thời gian vài tuần, tuy nhiên một số bệnh nhân chỉ điều trị một lần duy nhất.

Nút mạch phóng xạ (Tắc mạch phóng xạ)

Chiếu xạ có thể được thực hiện trong khi làm thủ thuật can thiệp nút mạch.

Tác dụng phụ của xạ trị

Bệnh nhân có chỉ định xạ trị cần trao đổi với bác sỹ về các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn để có thể chuẩn bị tốt nhất cho xạ trị. Các tác dụng phụ của xạ trị điều trị ung thư đại tràng và trực tràng có thể bao gồm:

  • Ngứa, tổn thương dạ tại vùng chiếu xạ, mức độ từ đỏ đến phồng rộp và bong tróc da

  • Khó lành vết thương đối với những bệnh nhân xạ trị trước mổ

  • Buồn nôn

  • Kích ứng trực tràng, gây tiêu chảy, đau khi đại tiện hoặc có máu trong phân

  • Đại tiện không tự chủ

  • Kích ứng bàng quang gây tiểu tiện thường xuyên, tiểu buốt hoặc có máu trong nước tiểu

  • Mệt mỏi

  • Suy giảm ham muốn tình dục (như giảm cương cứng ở nam giới và kích ứng âm đạo ở nữ giới)

  • Sẹo, xơ hoặc dính mô

Phần lớn tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi kết thúc xạ trị nhưng cũng có thể số ít triệu chứng kéo dài hoặc không chấm dứt. Bệnh nhân cần trao đổi ngay với bác sỹ nếu gặp bất kể tác dụng phụ nào để được xử lý, điều trị kịp thời.

Nguồn: Cancer.Org

 

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *