Điều trị tật khúc xạ ở trẻ em

Triệu chứng của tật khúc xạ là gì?

Thông thường, trẻ em thường không tự phát hiện mắt có vấn đề, vì vậy việc khám mắt thường xuyên có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các tật khúc xạ. Một số triệu chứng thường xuất hiện khi mắt trẻ hoạt động nhiều như đọc sách, xem tivi, sử dụng điện thoại..:

  • Lác mắt.
  • Hoa mắt.
  • Thấy vầng sáng quanh bóng đèn.
  • Nhìn một vật thành hai (song thị).
  • Mờ mắt.
  • Đau đầu và căng tức mắt.

Điều trị tật khúc xạ ở trẻ em

Các loại tật khúc xạ ở trẻ em phổ biến hiện nay

Sau đây là một số tật khúc xạ ở trẻ em phổ biến hiện nay:

Cận thị

Cận thị là một loại tật khúc xạ ở mắt, nguyên nhân là do ánh sáng truyền vào hội tụ ở phía trước võng mạc do cầu mắt quá dài hoặc ánh sáng hội tụ quá mạnh. Vật thể ở xa sẽ bị mờ và không nhìn thấy rõ. Cận thị thường tiến triển ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì, ổn định từ khoảng 20 tuổi. Ở trẻ em, cận thị thường được điều chỉnh bằng kính.

Cận thị có thể có nguồn gốc từ di truyền hoặc do thói quen nhìn quá gần. Theo nghiên cứu, dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời có khả năng làm giảm tốc độ tiến triển của cận thị. Ngoài ra, sử dụng thuốc nhỏ mắt (atropine) và kính mắt cũng có thể làm cận thị chậm tiến triển.

Cận thị độ cao

Bệnh nhân bị cận thị độ cao có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm như glaucoma, đục thủy tinh thể sớm, bong võng mạc và thoái hóa điểm vàng do cận thị. Các phương pháp giúp bệnh nhân điều chỉnh thị lực là điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, các phương pháp này KHÔNG làm giảm nguy cơ bị biến chứng.

Viễn thị

Viễn thị là tình trạng ánh sáng truyền vào mắt hội tụ phía sau võng mạc do cầu mắt quá ngắn hoặc ánh sáng hội tụ yếu. Vật thể ở gần và ở xa sẽ bị mờ nhưng vật thể ở gần bị mờ hơn.

Một số trẻ em bị viễn thị khi còn nhỏ, tuy nhiên không cần dùng kính điều chỉnh thị lực vì trẻ em có khả năng tự điều tiết ánh sáng hội tụ để nhìn rõ hơn. Nhiều bệnh nhân bị viễn thị có thể bị lác trong, suy giảm thị lực, nhược thị và cần được điều chỉnh bằng kính thuốc. Viễn thị sẽ suy giảm dần từ tuổi tiền dậy thì đến những năm đầu của tuổi dậy thì.

Loạn thị

Loạn thị là tình trạng giác mạc có hình dạng bất thường hoặc bề mặt không phẳng. Ở người loạn thị, giác mạc không tròn đều các hướng (hình dáng giống quả trứng) làm cho ánh sáng không hội tụ đúng vị trí trên võng mạc, làm mắt mờ và hình bị méo.

Thông thường, người bị loạn thị có xu hướng do di truyền. Một số ít trường hợp khác trẻ bị loạn thị nhẹ, tuy nhiên thị lực không bị thay đổi nhiều,  nguyên nhân có thể liên quan tới tình trạng giác mạc bị mỏng, như giác mạc hình chóp, làm biến dạng giác mạc. Mặc khác, tổn thương và sẹo ở giác mạc có thể gây loạn thị.

Loạn thị nặng không được điều chỉnh kịp thời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực ở trẻ nhỏ, gây giảm thị lực và nhược thị.

Phát hiện tật khúc xạ ở trẻ em

Tùy vào độ tuổi khác nhau sẽ có nhiều phương pháp phát hiện tật khúc xạ phù hợp. Cụ thể:

  • Dùng bảng thị lực đối với trẻ biết đọc.
  • Trẻ nhỏ hơn chưa biết nói hoặc đọc có thể dùng phương pháp gián tiếp như thử xem trẻ thích nhìn vật gì hơn hoặc soi võng mạc.
  • Khi khám mắt, trẻ thường được nhỏ thuốc giãn đồng tử để loại trừ các nguyên nhân khác của tật khúc xạ.

Điều trị tật khúc xạ ở trẻ em

Các tật khúc xạ thường làm 2 mắt không cân đối, thị lực 2 mắt không đều nhau, bị mờ và nhược thị.

Một số phương pháp điều trị tật khúc xạ ở trẻ em như  dùng thuốc thích hợp để cải thiện thị lực, một số trường hợp khác điều trị bằng các loại kính mắt phù hợp.

Xem thêm

Trung tâm Mắt Raffles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *