Yếu tố nguy cơ, triệu chứng và phương pháp điều trị Ung thư Thanh quản, hạ họng

 

 

Thanh quản là cơ quan hình ống nằm trong cổ, phía trên khí quản. Thành trước thanh quản uốn cong tạo ở cổ tạo thành hình yết hầu.

Thanh quản có vai trò quan trọng đối với việc thở, nói và nuốt. Các dây thanh quản khi rung sẽ tạo nên âm thanh (tiếng nói). Thanh quản có vai trò như 1 van điều tiết, mở ra đế bơm không khí vào phổi. Khi nuốt, các dây thanh quản cùng rung đồng thời đóng nắp thanh môn ngăn không cho thức ăn rơi vào đường thở và phổi.

Thanh quản gồm 3 đoạn:

  • Thanh môn: Đoạn giữa, các dây thanh âm nằm ở đoạn này.
  • Trên thanh môn. Đoạn phía trên dây thanh âm.
  • Dưới (hạ) thanh môn. Đoạn dưới dây thanh âm, nối thanh quản với khí quản.

Hạ họng là đoạn dưới của cổ họng, bao quanh thanh quản. Cổ họng là 1 ống dài khoảng 10-12cm từ dưới mũi đến ngang thanh quản, nối từ khoang miệng đến thực quản (ống đưa thức ăn vào dạ dày)

Tổng quan về ung thư thanh quản, hạ họng

Ung thư có thể bắt đầu từ bất kể đoạn nào của thanh quản, hạ họng. Khoảng 95% ung thư thanh quản, hạ họng là tế bào vảy – là loại tế bào mỏng, phẳng tạo nên lớp niêm mạc của các cơ quan này.

I. Yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh bệnh Ung thư Thanh quản và Hạ họng

Hai yếu tố dưới đây làm tăng cao nguy cơ mắc ung thư thanh quản, hạ họng:

  • Thuốc lá. Hút thuốc, bao gồm thuốc lá, xì gà,tẩu, thuốc lá nha… là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư ở vùng đầu cổ. 85% (tám mươi lăm phần trăm) các ca ung thư đầu cổ có liên quan đến hút thuốc. Hút thuốc bị động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Rượu. Uống rượu nhiều và thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản và hạ họng. Nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao ở những người vừa hút thuốc vừa uống rượu.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản, hạ họng:

  • Giới tính. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4-5 lần so với nữ giới.
  • Tuổi tác. Người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh, nhưng những người trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn.
  • Chủng tộc. Người da trắng & da đen có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người châu Á & người Mỹ gốc Latin.
  • Phơi nhiễm do nghề nghiệp. Tiếp xúc với a-mi-ăng, bụi gỗ, sơn và một số hóa chất khác có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản, hạ họng.
  • Nghèo dinh dưỡng. Chế độ ăn nghèo vitamin A & E cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản, hạ họng. Thực phẩm giàu vitamin A & E có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Hội chứng Trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược mạn tính axit từ dạ dày vào thanh quản và họng có thể liên quan tới ung thư thanh quản, hạ họng. Tuy nhiên chưa có mối liên quan cụ thể nào được chứng minh.
  • Hội chứng Plummer-Vinson. Hội chứng hiếm gặp này liên quan đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt và khó nuốt, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng.
  • Kém vệ sinh răng miệng. Vệ sinh răng miệng kém (không đánh răng/ dùng chỉ nha khoa thường xuyên) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vùng đầu cổ. Những người có các yếu tố nguy cơ nói trên được khuyến cáo nên khám răng định kỳ 2 lần mỗi năm.

II. Dấu hiệu & triệu chứng bệnh Ung thư Thanh quản và Hạ họng

Bệnh nhân ung thư thanh quản, hạ họng thường gặp những triệu chứng dưới đây mặc dù có một số bệnh nhân không hề có bất kể triệu chứng nào. Ngược lại, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác không phải là ung thư.

  • Khản tiếng hoặc đổi giọng kéo dài trong 2 tuần. Đây thường là dấu hiệu sớm của ung thư thanh quản hạ họng.
  • Nốt u, hạch lớn ở cổ.
  • Khó thở, hơi thở có tiếng ồn, tắc nghẽn đường thở.
  • Đau họng, hoặc cảm thấy vướng họng, kéo dài
  • Khó nuốt kéo dài .
  • Đau tai
  • Hơi thở hôi kéo dài
  • Nghẹn
  • Sút cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng trên, nên khám bác sỹ để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị phù hợp.

Nếu chẩn đoán là ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định các liệu pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng  cùng với các liệu pháp điều trị ung thư. Khi được chẩn đoán sớm, ung thư thanh quản hạ họng thường có hiệu quả điều trị cao mà vẫn bải tồn được chức năng của thanh quản/hạ họng

III. Chẩn đoán bệnh Ung thư Thanh quản và Hạ họng

Bác sỹ sẽ chỉ định nhiều kỹ thuật xét nghiệm và thăm dò khác nhau để chẩn đoán ung thư thanh quản hạ họng, đánh giá tình trạng di căn và quyết định liệu pháp điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Bác sỹ sẽ căn cứ vào các yếu tố:

  • Tuổi tác, tình trạng bệnh tật & sức khỏe của bệnh nhân
  • Loại ung thư có thể mắc phải
  • Các dấu hiệu & triệu chứng
  • Kết quả của các xét nghiệm đã có

để chỉ định một hoặc kết hợp các kỹ thuật dưới đây:

  • Khám lâm sàng
  • Soi thanh quản
  • Nội soi video nhấp nháy (Videostroboscopy)
  • Sinh thiết
  • Xét nghiệm sinh học phân tử. Nhận diện gene, các protein & các yếu tố khác đặc thù đối với loại tế bào ung thư. Kết quả của xét nghiệm này giúp bác sỹ quyết định bệnh nhân có phù hợp với điều trị đích không.
  • Chụp X-quang uống thuốc cản quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), có hoặc không thuốc cản quang
  • Chụp cộng hưởng từ , có hoặc không thuốc cản quang
  • Siêu âm
  • Xạ hình xương
  • Chụp PET/CT 

IV. Đánh giá giai đoạn bệnh ung thư Thanh quản và Hạ họng

  

Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ, chưa di căn hạch hoặc các cơ quan lân cận

Giai đoạn I: Kích thước khối u nhỏ, chưa di căn hạch hoặc các cơ quan lân cận

Giai đoạn II: Khối u lan ra khu vực xung quanh nhưng chưa di căn hạch hoặc các cơ quan lân cận

Giai đoạn III: Kích thước khối u lớn, chưa di căn hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận. Hoặc kích thước khối u nhỏ hơn nhưng đã di căn hạch bạch huyết, chưa di căn đến các cơ quan lân cận.

Giai đoạn IVA: Khối u xâm lấn, di căn hạch gần nhưng chưa di căn đến đến các cơ quan lân cận.

Giai đoạn IVB: Di căn hạch nhưng chưa di căn đến các cơ quan lân cận. Riêng đối với ung thư thanh quản, đối với những khối u khu trú có kích thước lớn chưa di căn hạch hoặc di căn đến các cơ quan lân cận cũng được xếp vào Giai đoạn IVB.

Giai đoạn IVC: Tình trạng di căn xa, bao gồm di căn hạch hoặc các cơ quan khác.

Tái phát.

Đánh giá mức độ

Bác sỹ cũng đánh giá mức độ bệnh theo mức độ ác tính của tế bào u để tiên lượng tiến triển bệnh & hiệu quả điều trị. Mức độ đánh giá càng thấp, tế bào ung thư trông càng giống với tế bào khỏe mạnh, cơ hội điều trị khỏi bệnh càng cao. 

Độ X (GX): Không đánh giá được mức độ

Độ 1 (G1): Tế bào u trông gần giống tế bào khỏe mạnh (biệt hóa cao).

Độ 2 (G2): Tế bào u biệt hóa vừa.

Độ 3 (G3): Tế bào u không giống tế bào khỏe mạnh (kém biệt hóa).

V. Phương pháp Điều trị bệnh Ung thư Thanh quản và Hạ họng

Ung thư thanh quản hạ họng thường có tỷ lệ điều trị thành công cao, đặc biệt khi được phát hiện & chẩn đoán sớm. Các liệu pháp điều trị ung thư thanh quản hạ họng có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng như ăn, nói, thở….Bác sỹ khi lập kế hoạch điều trị, bên cạnh việc loại bỏ khối u, cũng đặc biệt quan tâm đến bảo tồn chức năng này cũng như diện mạo và cảm giác của bệnh nhân để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Có 3 liệu pháp chính điều trị ung thư thanh quản, hạ họng; trong đó phẫu thuật & xạ trị là 2 liệu pháp phổ biến. Hóa trị có thể được chỉ định kết hợp với xạ trị để tăng cường tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra bác sỹ cũng có thể sử dụng liệu pháp điều trị nhắm trúng đích nếu kết quả xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy khả năng đáp ứng liệu pháp này.

Tác dụng phụ

Điều trị ung thư thường gây tác dụng phụ. Mỗi bệnh nhân có thể gặp những tác dụng phụ ở các mức độ khác nhau. Trong quá trình điều trị, bên cạnh việc loại bỏ, tiêu diệt tế bào ung thư, bác sỹ đồng thời sử dụng thuốc làm giảm nhẹ tác dụng phụ, duy trì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Lui bệnh và nguy cơ tái phát

Lui bệnh là tình trạng không phát hiện được ung thư trong cơ thể và bệnh nhân không gặp triệu chứng nào, còn được gọi là “không có bằng chứng về bệnh”(NED- No Evidence of Disease). 

Tình trạng lui bệnh có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sỹ về khả năng tái phát bệnh, cách thức theo dõi tái phát và các phương án điều trị. Khi bị tái phát, bệnh nhân sẽ  thực hiện 1 chu trình chẩn đoán và điều trị như ban đầu.

 

 

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *