‘Giảm cân giúp chữa bệnh tiểu đường’

Chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh giúp tránh béo phì, giảm tỷ lệ mắc và hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường, theo bác sĩ Kaushal Amit Sanghvi, Bệnh viện Raffles Singapore.

Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Kaushal Amit Sanghvi, Chuyên khoa Phẫu thuật Tổng quát Bệnh viện Raffles Singapore cho biết thừa cân, béo phì có thể phòng ngừa nhờ lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Song song đó, ông cũng chỉ ra những lợi ích từ việc giảm cân, phẫu thuật chữa béo phì để cải thiện sức khỏe.

Bác sĩ Kaushal Amit Sanghvi, Chuyên khoa Phẫu thuật Tổng quát Bệnh viện Raffles Singapore

tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa Toàn quốc lần 29, ngày 2/12. 

– Bác sĩ đánh giá thế nào về tỷ lệ béo phì hiện nay?

– Hiện nay tình trạng béo phì khá phổ biến ở lứa tuổi trẻ em. Riêng tại Việt Nam, theo một báo cáo công bố vào tháng 10, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì khá cao, gần 25%, tương đương cứ mỗi 4 học sinh có ít nhất một trẻ thuộc trong nhóm này. Trong tương lai, các cháu có nguy cơ tiếp tục béo phì nếu không nâng cao nhận thức, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Một số biện pháp giúp hạn chế tỷ lệ béo phì các trường học có thể áp dụng là loại bỏ đồ uống có đường và thực phẩm không lành mạnh trong thực đơn của trẻ. Bữa ăn ở trường và tại nhà là hai nguồn thực phẩm tác động trực tiếp lên sức khỏe tiêu hóa và chế độ ăn uống của trẻ. Ngoài nhà trường, phụ huynh cũng cần lưu ý hướng trẻ theo lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động hoặc luyện tập thể dục, thể thao từ nhỏ nếu có thể.

Tương tự với người lớn, nhận thức, lối sống và chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc duy trì cân nặng và giảm cân. Những thói quen không tốt như vừa ăn vừa xem TV, lạm dụng thức ăn nhanh… là nguyên nhân khiến tỷ lệ béo phì, thừa cân ở người lớn tăng mạnh. Khi ngồi ăn trước TV hoặc vừa ăn vừa làm việc khác, chúng ta sẽ không nhận ra mình đã ăn bao nhiêu. Thức ăn nhanh ngoài tiện lợi, nhanh chóng còn dễ mua và giá thành không cao khiến nhiều người quên rằng các món này thường không đủ chất, nhiều dầu mỡ.

Để gia tăng nhận thức, việc tổ chức những hội nghị thảo luận khoa học về đề tài này là rất hữu ích. Ngoài ra một số chính sách được Bộ Y tế thực hiện tại Việt Nam theo tôi đánh giá khá hiệu quả. Chẳng hạn như việc khuyến khích ăn uống lành mạnh, thúc đẩy thực phẩm hữu cơ, hạn chế thức uống, ăn vặt nhiều đường…

Singapore đang gặp tình trạng tương tự với tỷ lệ béo phì hiện nay là 10,9% và sẽ tăng lên 12% vào cuối năm nay. Tỷ lệ thừa cân chung cũng chạm mức 40%, đồng nghĩa với việc 40% người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và béo phì. Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ… đều là những quốc gia có tỷ lệ béo phì ở ngưỡng đáng quan tâm và báo động.

– Trong trường hợp đã bị béo phì, người bệnh cần làm gì để cải thiện và ổn định cân nặng ở mức an toàn?

– Hiện nay có rất nhiều lựa chọn về phương pháp giảm cân khoa học. Chẳng hạn như các chế độ ăn kiêng như keto, nhịn ăn gián đoạn, lowcarbs (giảm tinh bộ)…Tất cả đều tốt nếu áp dụng đúng cách và phù hợp với thể trạng từng người. Dù chọn hướng giảm cân nào đều quy về một yếu tố cốt lõi, đó là kiểm soát khẩu phần ăn. Thậm chí khi kết hợp tập luyện thể dục, chơi thể thao ở mức vận động bình thường hay cường độ cao, bạn cũng không thể ăn uống thoải mái.

Một trong những quan niệm nhiều người lầm tưởng là vận động để ăn nhiều hơn. Tuy nhiên bạn sẽ không thể kiểm soát cân nặng nếu chỉ tập thể dục mà không điều chỉnh chế độ ăn uống. Việc điều chỉnh bản thân vô khuôn khổ ở cả việc vận động và ăn có thể khó khăn nhưng sức khỏe bạn sẽ cải thiện rõ rệt nếu nhận thức được đâu là lối sống khỏe và lành mạnh.

Một gợi ý cho những ai đang cần giảm cân hoặc ổn định cân nặng ở mọi độ tuổi là uống nhiều nước lọc và trà xanh thay vì nước ngọt có gas và các thức uống có đường. Hoặc nếu không thể kiêng hoàn toàn, nước ngọt không đường vẫn tốt hơn loại thông thường, nhưng cũng không nên lạm dụng. Café không đường, không sữa cũng là một lựa chọn lý tưởng nếu bạn không dị ứng với caffeine. Thức uống này có thể kích thích nhịp tim và quá trình trao đổi chất.

Ngoài ra, nếu không thích thể thao, bạn cũng nên duy trì vận động nhẹ. Thường xuyên đi lại trong nhà, lên – xuống cầu thang, tản bộ… cũng là những thói quen tốt. Thay vì giảm khẩu phần ăn đột ngột, bạn có thể giảm mỗi ngày một ít để cơ thể dần quen với chế độ mới. Sau đó kết hợp thêm vận động nhẹ sẽ hiệu quả và đỡ khiến cơ thể “bị sốc”. Lúc ăn cũng nên nhai chậm, kỹ. Nhai nhiều cũng giúp tăng cảm giác no.

Bác sĩ Kaushal A. Sanghvi báo cáo tại Hội nghị Tiêu hóa về 

“Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật giảm cân ở bệnh nhân béo phì kèm tiểu đường”.

– Ngoài luyện tập, ăn uống, có những phương pháp điều trị béo phì, thừa cân theo hướng khoa học, công nghệ nào khác và hiệu quả ra sao?

– Hiện nay có rất nhiều giải pháp công nghệ và khoa học giúp ích cho quá trình giảm và ổn định cân nặng. Đơn cử như các dòng đồng hồ và điện thoại thông minh. Chúng giúp đo các chỉ số cơ thể, ghi nhận và phân tích kết quả tập luyện. Bạn có thể dựa và đó để kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, một trong những yếu tố quan trọng quyết định hành trình giảm cân có thành công hay không.

Ngoài ra, những ứng dụng bây giờ cũng thường nhắc nhở uống nước, đứng dậy đi lại mỗi giờ một lần… Uống đủ nước mỗi ngày và một ly nước lọc trước mỗi bữa ăn cũng giúp ích cho quá trình giảm cân.

– Nếu tiến hành phẫu thuật giảm béo phì, tỷ lệ thành công là bao nhiêu và có những rủi ro nào đi kèm?

– Phẫu thuật dù tỷ lệ thành công cao đến đâu cũng không thể hoàn toàn tránh khỏi rủi ro. Với phẫu thuật béo phì, tỷ lệ rủi ro chỉ ở mức 1-2%. Đến nay, 98-99% bệnh nhân trải qua phẫu thuật này tại bệnh viện Raffles Singapore đều thành công và có kết quả tốt. Bệnh nhân sẽ giảm cân ngay sau phẫu thuật nhưng vóc dáng và cân nặng này duy trì được trong bao lâu còn phụ thuộc vào lối sống và ý thức của bệnh nhân sau đó.

Phương pháp can thiệp này chỉ giúp bạn ở một mức độ nhất định. Nhưng nếu không thay đổi lối sống và tiếp tục ăn thực phẩm có đường, dầu mỡ nhiều, cân nặng có nguy cơ tăng trở lại và hình thành mỡ như trước đây.

Bác sĩ Kaushal A. Sanghvi khẳng định dù chọn phương án phẫu thuật, điều trị nào, thói quen sống lành mạnh

và kỷ luật trong chế độ ăn uống mới là yếu tố quyết định hiệu quả cuối cùng. 

– Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước và sau phẫu thuật?

– Trước khi quyết định phẫu thuật bệnh nhân nên thử áp dụng các chế độ ăn kiêng và một số phương pháp khác trước. Ngoài ra tinh thần cũng cần kiên định, đảm bảo sau khi phẫu thuật bạn sẽ theo đuổi lối sống lành mạnh. Những gì bác sĩ có thể làm là cho bạn cơ hội thứ hai để lấy lại vóc dáng và bắt đầu một cuộc sống lành mạnh, khoa học hơn.

– Sự khác biệt và giống nhau giữa hai phương pháp phẫu thuật chuyển hóa (Metabolic Surgery) và truyền thống?

– Phẫu thuật truyền thống chỉ dành cho người thừa cân. Quá trình này nghĩa là bạn thừa cân, và quyết định phẫu thuật, sau đó cân giảm và vóc dáng, sức khỏe trở nên tốt hơn.

Hiện bệnh viện Raffles Singapore đang cung cấp các phương án điều trị, phẫu thuật chuyển hóa cho bệnh nhân béo phì và bệnh nhân béo phì có bị bệnh tiểu đường. Đó cũng là điểm mạnh của cách điều trị này. Nếu giảm cân, bạn sẽ có tỷ lệ cao chữa khỏi bệnh tiểu đường.

Khi cơ thể không còn mỡ, bất cứ loại insulin nào bệnh nhân đang sử dụng đều sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh lần nữa, rằng nếu không duy trì lối sống lành mạnh, bạn vẫn có thể bị béo phì và mắc bệnh tiểu đường lần nữa. Một điểm cộng khác nữa là khi giảm cân, những vấn đề về cơ xương khớp cũng sẽ giảm đáng kể. Trọng lượng cơ thể giảm sẽ giúp giảm áp lực lên các bộ phận như cột sống, đầu gối…

Lời khuyên là bệnh nhân tiểu đường lẫn béo phì nên tiến hành phẫu thuật chuyển hóa càng sớm càng tốt vì càng để lâu cơ thể sẽ càng tổn hại nhiều. Hiệu quả sau phẫu thuật cũng không tối ưu.

Bác sĩ Kaushal Amit Sanghvi chuyên khoa phẫu thuật tổng quát hiện công tác tại bệnh viện Raffles Singapore. Ông tốt nghiệp cử nhân Y khoa năm 1996 và Thạc sĩ Y khoa (chuyên ngành Phẫu thuật) tại Đại học Quốc gia Singapore năm 2008. Bác sĩ đã vượt qua các kỳ thi, được công nhận là thành viên của Trường Ngoại khoa Hoàng gia Glasglow (Vương quốc Anh) năm 2006 và Trường Ngoại khoa Hoàng Gia Edinburgh năm 2012.

Trước khi gia nhập Trung tâm Phẫu thuật tại Bệnh viện Raffles, bác sĩ Kaushal đảm nhiệm các chức vụ: bác sĩ cấp cao tại khoa Ngoại Bệnh viện Tan Tock Seng; Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa trên và Béo phì; Giám đốc Chương trình Phẫu thuật Béo phì từ năm 2018 đến 2022.

Là chuyên gia có ảnh hưởng trong ngành tại Singapore, ông có những đóng góp quan trọng tới các chính sách của một số Ủy ban chuyên môn thuộc Bộ Y tế như Chương trình quốc gia về điều trị thoát vị. Ông cũng được bầu giữ chức vụ Quản lý ngân sách của Hội Phẫu thuật Béo phì và Chuyển hóa Singapore từ năm 2017-2019. Đến nay, ông có nhiều đóng góp tích cực về chuyên môn cho hoạt động của các hội.

Bên cạnh công tác điều trị, bác sĩ Kaushal còn là Phó Giáo sư, Giảng viên chính và Trợ lý Hiệu trưởng của Trường Y khoa Lee Kong Chian thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, nơi ông chịu trách nhiệm về đào tạo sinh viên y khoa năm thứ 5 và đào tạo sau đại học. Ngoài phẫu thuật tổng quát, bác sĩ Kaushal có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu trong các lĩnh vực: phẫu thuật ung thư thực quản và ung thư dạ dày; phẫu thuật giảm cân, điều trị béo phì; nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

                                                                                                                                                                  Nguồn: VnExpress

                                                                                                                                                           

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *