Các phương pháp mổ và lợi ích, thời gian nằm viện như thế nào, bao lâu… là những câu hỏi thường gặp khi bệnh nhân cột sống mong muốn điều trị tại Singapore.
Bác sĩ David Wong Him Choon, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Raffles (Singapore) trả lời bạn đọc báo VNExpress 9 câu hỏi được nhiều bệnh nhân Việt Nam quan tâm trong quá trình điều trị.
– Theo kinh nghiệm của bác sĩ, bệnh nhân Việt Nam thường mắc loại bệnh cột sống nào?
Tôi thường gặp người có vấn đề đĩa đệm và gai cột sống. Đa số bị thoái hóa, có cơn đau ở lưng và cổ, có thể lan xuống cánh tay, chân. Họ bị bệnh gần một năm, thử nhiều phương pháp điều trị không phẫu thuật nhưng không hiệu quả.
– Các bệnh nói trên có liên quan tới yếu tố đời sống nào, ví dụ như tuổi tác, nghề nghiệp…?
Gần đây chúng tôi tiếp nhận số ít bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên. Đôi khi bệnh nhân chỉ 20, 30 tuổi nhưng tình trạng bệnh không nghiêm trọng như nhóm 40 tuổi. Chúng tôi cố gắng can thiệp xâm lấn tối thiểu cho người bệnh trẻ, còn nhóm từ 40 tuổi, 50 tuổi thường cần phẫu thuật lớn và phức tạp hơn.
– Thoái hóa cột sống ảnh hưởng người bệnh ra sao?
Bệnh ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống, ví dụ bệnh nhân không thể ngồi, đứng lâu, không thể tham gia các hoạt động thể thao. Đôi khi, họ bị ảnh hưởng đến nghề nghiệp nếu đang phải làm công việc cần mang vác nặng. Vấn đề cột sống rất nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn điều trị để bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, không chỉ loại bỏ cơn đau.
– Nhiều người bệnh lo lắng phải đại phẫu để điều trị vấn đề cột sống và chậm hồi phục. Bác sĩ có chia sẻ gì?
Vấn đề quan trọng nhất trong điều trị thoái hóa cột sống là kỹ thuật mổ. Phẫu thuật viên cần được đào tạo bài bản để có kỹ thuật tốt. Như vậy, dù ca mổ phức tạp nhất cũng trở nên an toàn. Ví dụ bệnh nhân cần thay đĩa đệm cột sống, nhưng phẫu thuật viên không được đào tạo bài bản, độ phức tạp sẽ tăng cao.
Tôi gặp rất nhiều bệnh nhân ở nước ngoài có nỗi lo nói trên, tìm kiếm các phẫu thuật viên lành nghề. Chính phủ Singapore cử bác sĩ đi nước ngoài, đào tạo tại các trung tâm chuyên ngành rồi họ sử dụng các kiến thức, kỹ thuật đã học được để làm việc khi trở về.
– Lợi ích và hiệu quả của các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống tại Bệnh viện Raffles Singapore là gì?
Chúng tôi có cả phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và đại phẫu. Việc điều trị theo phương án nào phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh. Với những người trẻ, chúng tôi sẽ can thiệp tối thiểu để tránh khiến bệnh nhân quá lo lắng và có thể quay lại làm việc sớm. Đôi khi, bác sĩ sẽ phải điều trị chuyên biệt hơn để người bệnh có thể chơi thể thao hoặc làm công việc đặc thù như chơi golf, làm việc trong ngành cảnh sát hoặc quân đội.
Tôi muốn nhắc lại, mục đích điều trị là giúp bệnh nhân sinh hoạt bình thường, thậm chí vận động tốt hơn trước khi phẫu thuật, không chỉ là giảm đau. Khi được điều trị đúng, người bệnh còn tránh được nguy cơ phải phẫu thuật lại trong vòng 5-10 năm, duy trì sức khỏe lâu dài.
– Để đạt được mục đích bác sĩ vừa nêu, bệnh nhân nên ở lại Singapore bao lâu?
Thời gian nằm viện trung bình sẽ dao động từ một ngày đến năm ngày, phụ thuộc vào loại phẫu thuật và tình trạng của người bệnh. Người phải điều trị rất phức tạp như phẫu thuật chữa vẹo cột sống, có thể cần nằm viện khoảng một tuần. Nhưng phần lớn các trường hợp chỉ cần ba đến năm ngày. Như vậy, họ cần ở lại Singapore tối đa hai tuần.
– Sau bao lâu, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu, có thể vật lý trị liệu tại Việt Nam hay không? Cần bao nhiêu thời gian để bệnh nhân hoàn toàn hồi phục?
Phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu có mặt ở mọi nơi, do đó chúng tôi cũng muốn bệnh nhân có thể tiếp cận càng sớm càng tốt. Thông thường, thời gian tập từ 6 tuần tới 3 tháng. Về thời gian hồi phục, chúng tôi kỳ vọng mọi người có thể phục hồi khỏe mạnh sau ba tháng.
Nhưng một số bệnh nhân cho rằng bản thân đã phục hồi rất tốt, nên lao vào tập thể dục chỉ sau 6 tuần hoặc tập gym chỉ một tháng sau ca mổ. Có người sau khi mổ ba tháng chưa thể chơi golf và quần vợt song họ vẫn làm.
Do đó, tôi không có mốc chính xác về thời gian hồi phục hoàn toàn. Một số bệnh nhân cảm thấy có biểu hiện hồi phục đáng kể, không còn cảm thấy đau nữa, họ sẽ không lắng nghe chỉ định của bác sĩ và quay lại làm việc ngay.
Việc không nghe lời bác sĩ sẽ có hậu quả gì? Tôi xin được dẫn một ví dụ về bệnh nhân đã được tư vấn không nên ngồi quá lâu. Nhưng sau khi phẫu thuật và đã cảm thấy dễ chịu hơn, người đó ngồi chơi mạt chược từ ba đến sáu tiếng một ngày rồi tái phát vấn đề ở lưng, các đinh vít cố định xương đã trở nên lỏng lẻo. Tôi phải khuyến cáo bệnh nhân không được ngồi lâu quá một tiếng một ngày nữa, áp dụng trong vòng 6 tuần.
– Để việc điều trị được hiệu quả hơn, bệnh nhân có cần chuẩn bị các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như X quang, MRI hay không?
Để chúng tôi có thể chẩn đoán tốt hơn, người bệnh cần phim chụp X quang và MRI (cộng hưởng từ). Có rất nhiều người chỉ phụ thuộc vào kết quả MRI, đôi khi chất lượng phim không tốt. Có những vấn đề phim MRI không hiển thị nhưng trên X quang có và ngược lại, nên cả hai đều rất quan trọng. Mọi người nên có tối thiểu cả hai loại để bác sĩ có thể đánh giá.
Một số loại xét nghiệm khác sẽ được yêu cầu, phụ thuộc vào tình trạng, triệu chứng của từng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị đau xuống cánh tay, bàn tay không có cảm giác, MRI không cho kết quả chắc chắn, sẽ cần thêm các thăm khám về thần kinh trước khi sang khám như kiểm tra hội chứng ống cổ tay. Có người sẽ gặp nhiều vấn đề xảy ra cùng một lúc, do đó cần thêm xét nghiệm.
– Bác sĩ có lời khuyên nào trong phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống sớm?
Cách điều trị tốt nhất là phòng bệnh. Để ngăn ngừa tổn thương cột sống, người dân nên tránh các hoạt động khiến cơ thể phải cúi xuống trong thời gian dài, ngồi quá lâu trong tư thế còng lưng. Tư thế ngồi đúng là thẳng lưng và nhìn về phía trước.
Thi thoảng, mọi người nên đứng lên, tập các bài giãn cơ, thể dục nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn ở lưng. Nếu ngồi quá lâu, hệ tuần hoàn sẽ bị hư hại, gây thoái hóa nhanh hơn. Tôi có rất nhiều bệnh nhân phải làm việc văn phòng, ngồi từ 8 đến 10 tiếng. Đôi khi, họ làm việc tới 12 tiếng, dẫn tới phát sinh vấn đề cột sống.
Tiếp theo, người dân cần tập tăng cường cho cơ cổ và cơ cốt lõi. Bài tập này rất quan trọng do cơ cốt lõi có thể yếu đi, dễ gây ra chấn thương hơn khi không tập thể dục. Khi mang vác vật nặng, mọi người không nên cố gắng tự làm, hãy nhờ người khác giúp đỡ và tránh tư thể cúi xuống nhấc vật đó lên. Trong văn phòng, mọi người nên ngồi thẳng, nhìn màn hình ngang tầm mắt.
Chi Lê- VNExpress