Xạ trị điều trị Ung thư Tử cung

 


Xạ trị là kỹ thuật dùng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư tử cung, xạ trị có thể được chỉ định để:

  • Bổ trợ cho phương pháp điều trị chính. Ở một số giai đoạn ung thư tử cung, bệnh nhân có thể điều trị duy nhất bằng xạ trị, hoặc xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật. Ở các giai đoạn khác, xạ trị có thể được chỉ định kết hợp với hóa trị.

  • Điều trị ung thư tử cung di căn hoặc tái phát. Xạ trị có thể được chỉ định để điều trị ung thư tử cung di căn sang các mô hoặc cơ quan khác.

Xạ trị điều trị ung thư tử cung gồm 2 kỹ thuật:

  • Xạ trị liều chiếu ngoài

  • Xạ trị liều chiếu trong (còn gọi là Xạ trị áp sát)

1. Xạ trị liều chiếu ngoài (EBRT)

Xạ trị liều chiếu ngoài chiếu tia X vào khối u từ thiết bị đặt bên ngoài cơ thể, tương tự như chụp X-quang nhưng hoạt độ bức xạ cao hơn nhiều.

Mỗi lần chiếu xạ điều trị chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng cố định bệnh nhân vào đúng vị trí thường mất nhiều thời gian hơn. Xạ trị là phương pháp điều trị không gây đau.

Khi sử dụng xạ trị liều chiếu ngoài là trị liệu chính cho bệnh nhân ung thư tử cung, thông thường sẽ kết hợp với hóa trị (được gọi là hóa xạ trị kết hợp). Hóa chất thường được kết hợp với xạ trị là cisplatin liều thấp, hoặc hóa chất khác. Liệu trình xạ trị thường diễn ra trong 5 tuần, mỗi tuần 5 ngày. Hóa trị được dùng cùng với thời gian xạ trị và được quyết định tùy thuộc vào loại hóa chất. Nếu ung thư chưa di căn xa, bệnh nhân có thể được chỉ định xạ trị áp sát sau khi hoàn tất liệu trình hóa xạ trị kết hợp.

Xạ trị liều chiếu ngoài cũng được dùng như trị liệu chính cho bệnh nhân ung thư tử cung không dung nạp hóa xạ trị, không thể phẫu thuật hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật. Xạ trị cũng được dùng đơn lẻ để điều trị các khối di căn.

Tác dụng phụ của xạ trị liều chiếu ngoài

Các tác dụng phụ ngắn hạn của xạ trị liều chiếu ngoài điều trị ung thư tử cung gồm:

  • Mệt mỏi

  • Khó chịu dạ dày

  • Tiêu chảy hoặc phân lỏng (nếu xạ trị ở ổ bụng hoặc tiểu khung)

  • Nôn & buồn nôn

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

  • Thiếu máu, giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu (giảm công thức máu)

Các tác dụng phụ thường sẽ được cải thiện trong vài tuần sau khi kết thúc xạ trị.  

2. Xạ trị liều chiếu trong (còn gọi là Xạ trị áp sát)

Xạ trị áp sát, hay còn gọi là Xạ trị liều chiếu trong, là phương pháp đặt nguồn bức xạ vào khối u hoặc cạnh khối u. Tia bức xạ loại này có bước sóng ngắn. Loại xạ trị áp sát thường dùng để điều trị ung thư tử cung là xạ trị áp sát trong khoang. Nguồn bức xạ nằm trong 1 dụng cụ nhỏ đặt vào trong âm đạo (hoặc tử cung). Xạ trị áp sát chủ yếu được dùng bổ trợ cho xạ trị liều chiếu ngoài là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư tử cung; hiếm khi được dùng đơn lẻ để điều trị ung thư tử cung ở giai đoạn sớm.

Có 2 loại xạ trị áp sát:

  • Xạ trị áp sát liều thấp (LDR) với liệu trình diễn ra trong vài ngày. Trong lúc điều trị, bệnh nhân nằm trên giường ở phòng đơn, dụng cụ chứa nguồn chiếu xạ sẽ được đặt vào trong cơ thể.

  • Xạ trị áp sát liều cao (HDR) gồm vài liệu trình ngoại trú cách nhau ít nhất một tuần. Ở mỗi liệu trình, nguồn bức xạ sẽ được đặt vào trong cơ thể vài phút rồi lấy ra. Ưu điểm của xạ trị áp sát liều cao là bệnh nhân không cần nằm viện nội trú hoặc nằm yên trong thời gian dài (như với xạ trị liều chiếu ngoài)

Đối với bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung, nguồn bức xạ được đặt trong âm đạo.

Đối với bệnh nhân còn tử cung, nguồn bức xạ được đặt trong ống kim loại nhỏ (còn gọi là tandem) vào trong tử cung cùng với đầu tròn (ovoid) ở gần tử cung. Vì vậy kỹ thuật này đôi khi còn được gọi là điều trị tandem & ovoid.

Tác dụng phụ ngắn hạn của xạ trị áp sát

Do xạ trị áp sát có bước sóng ngắn, chủ yếu chỉ tác động đến tử cung & thành âm đạo nên tác dụng phụ phổ biến là ngứa âm đạo. Triệu chứng có thể là tấy đỏ, rát và nhiều khí hư và ngứa âm hộ.

Xạ trị áp sát cũng có những tác dụng phụ khác giống xạ trị liều chiếu ngoài như mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, giảm công thức máu. Xạ trị áp sát thường được dùng ngay sau xạ trị liều chiếu ngoài (trước khi tác dụng phụ chấm dứt) nên khó có thể phân biệt được phương pháp nào gây nên tác dụng phụ.

Tác dụng phụ dài hạn của xạ trị nói chung

Bệnh nhân có thể bị tác dụng phụ của xạ trị khoảng vài tháng sau khi hoàn tất liệu trình điều trị. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm:

– Khô, hẹp âm đạo
– Hẹp trực tràng
– Các vấn đề về tiết niệu
– Yếu xương
– Sưng chân

Bệnh nhân gặp các tác dụng phụ của xạ trị cần tư vấn ngay với nhân viên chuyên môn và bác sỹ để được can thiệp điều trị kịp thời. 

 

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *