Xạ trị điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Xạ trị là phương pháp điều trị có hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư tiền liệt tuyến bằng các tia hoặc hạt bức xạ có năng lượng cao. Xạ trị bao gồm nhiều phương thức khác nhau, bao gồm xạ trị liều chiếu trong (cấy hạt phóng xạ vào trong cơ thể, còn gọi là xạ trị áp sát) và xạ trị liều chiếu ngoài (chiếu tia xạ từ bên ngoài qua da). Xạ trị điều trị ung thư tiền liệt tuyến do các bác sĩ xạ ung thư thực hiện tại các trung tâm chuyên khoa.

Xạ trị được chỉ định để:

  • Điều trị ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm, hoặc giai đoạn muộn khi khối u đã di căn ra khỏi tuyến tiền liệt;
  • Là phương pháp điều trị duy nhất, hoặc kết hợp với các phương pháp khác như liệu pháp hormone;
  • Điều trị ung thư tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt;
  • Điều trị ung thư tiền liệt tuyến tái phát di căn để thu nhỏ kích thước khối u, cải thiện thời gian và chất lượng sống của bệnh nhân;
  • Làm chậm tiến triển của ung thư hoặc giảm nguy cơ gãy xương.

Các phương pháp Xạ trị điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Bác sĩ Shaun Ho – Chuyên khoa xạ trị ung thư tại Bệnh viện Raffles Singapore cho biết, hiện nay Bệnh viện Raffles đang thực hiện các kỹ thuật xạ trị dưới đây cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến.

Xạ trị liều chiếu ngoài (EBRT)
Là phương pháp xạ trị phổ biến nhất và không gây đau. Trước khi tiến hành điều trị, đội ngũ chuyên môn sẽ chụp cắt lớp vi tính (còn gọi là chụp CT) hoặc cộng hưởng từ (còn gọi là chụp MRI) để đánh dấu các điểm chiếu xạ ở tuyến tiền liệt và các tế bào u.

 

Trong lúc điều trị, tia X sẽ được chiếu nhắm vào khối u. Bác sĩ xạ trị ung thư có thể thay đổi hoạt độ bức xạ (liều chiếu xạ) hoặc hướng của tia xạ để các tia bức xạ năng lượng cao nhắm trúng khối u trong khi các tế bào lành xung quanh khối u chỉ nhận các tia năng lượng thấp.

Xạ trị điều biến cường độ (IMRT)
Là phương pháp xạ trị liều chiếu ngoài có mức độ tinh vi cao thực hiện trên máy gia tốc tuyến tính (LINACS). Bác sĩ có thể thay đổi cường độ và hình thái của tia bức xạ để tia xạ nhắm chính xác tới tuyến tiền liệt mà ít ảnh hưởng tới bàng quang & trực tràng. Nhờ vào việc lập kế hoạch xạ trị bằng kỹ thuật này, bác sĩ có thể thực hiện xạ trị cho bệnh nhân chính xác hơn, hiệu quả hơn và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến mô lành xung quanh khối u.

Xạ trị proton
Xạ trị proton là phương pháp xạ trị liều chiếu ngoài và ngày càng phổ biến hơn do có nhiều trung tâm đầu tư thiết bị này.

Ưu điểm chính của phương pháp này là hạn chế ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh (như bàng quang và trực tràng) nhờ vào tính chất vật lý của tia proton chỉ dừng lại ở bờ khối u, không tác động đến các mô lành phía sau khối u.

Xạ phẫu định vị thân (SBRT hoặc SABR)
Dưới hướng dẫn hình ảnh, xạ phẫu định vị thân chiếu chùm tia bức xạ liều cao trong thời gian ngắn chính xác tới một vị trí. Xạ phẫu định vị thân điều trị bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt tuyến tại chỗ với ưu điểm rút ngắn số lần xạ trị mà vẫn duy trì hiệu quả điều trị. Xạ phẫu định vị thân cũng được dùng để điều trị di căn ở một số bệnh nhân để làm giảm kích thước khối u & có khả năng tăng thời gian sống của bệnh nhân.

Xạ trị hướng dẫn hình ảnh (IGRT)
Xạ trị hướng dẫn hình ảnh là sử dụng các kỹ thuật hình ảnh để kiểm tra vị trí đích của khối u, phổ biến nhất là chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp (CT-Scan) liều thấp. Một số bệnh nhân có thể có định vị mốc chuẩn bằng vàng hoặc bạch kim ở tuyến tiền liệt trước khi điều trị. Các mốc định vị này hiển thị trên hình ảnh, giúp bác sĩ nhìn thấy vị trí khối u khi tiến hành điều trị.

Xạ trị áp sát
Xạ trị áp sát còn được gọi là cấy hạt phóng xạ, xạ trị kẽ hoặc xạ trị liều chiếu trong.

Đối với xạ trị liều thấp, bác sĩ dùng kim đưa các hạt phóng xạ nhỏ (dài khoảng 4.5mm, dày khoảng 0.8mm) vào tuyến tiền liệt qua da phía sau bìu. Các hạt nhỏ này phát tia bức xạ tiêu diệt các tế bào ung thư trong thời gian vài tháng cho đến khi bức xạ được phân hủy hoàn toàn. Các hạt phóng xạ được chế tạo bằng titan, an toàn khi cấy vào cơ thể. Bác sĩ có thể siêu âm, chụp CT hoặc MRI để kiểm tra đảm bảo hạt được cấy vào đúng vị trí khối u.

 

Ở những bệnh nhân có chỉ định xạ trị áp sát liều cao, bác sĩ dùng các ống thông (catheter) đưa bức xạ năng lượng cao hơn vào tuyến tiền liệt trong thời gian ngắn. Thuật ngữ “liều cao” nói đến thời gian chiếu xạ, không phải liều bức xạ.

Xạ trị Radium-223

Radium-223 là một hoạt chất phóng xạ được dùng để điều trị bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn không đáp ứng liệu pháp hormone. Do đặc tính có thể “bắt chước” can xi, radium sẽ thẩm thấu vào khu vực di căn trong xương. Liệu pháp mang tính cách mạng này đã được chứng minh có hiệu quả tăng cường thời gian sống ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn vào xương và làm giảm nguy cơ đau hoặc gãy xương.

Tác dụng phụ của xạ trị điều trị ung thư tiền liệt tuyến

So với trước đây, các phương pháp xạ trị tiên tiến nêu trên làm giảm đáng kể các tác dụng phụ ở ruột & hệ tiết niệu.

Bác sĩ sẽ cân nhắc và trao đổi với bệnh nhân về kỹ thuật và kế hoạch xạ trị phù hợp cho từng bệnh nhân đồng thời giảm thiểu nguy cơ tác động đến mô lành xung quanh.

Vì vậy, việc chọn đúng bác sĩ xạ trị ung thư có kinh nghiệm về ung thư tiền liệt tuyến có vai trò quan trọng. Tại Bệnh viện Raffles Singapore, người bệnh sẽ được xạ trị bởi các bác sĩ kinh nghiệm nên bệnh nhân có thể đạt hiệu quả điều trị cao và ít tác dụng phụ hơn. Phần lớn bệnh nhân xạ trị điều trị ung thư tiền liệt tuyến không bị tác dụng phụ ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của ruột & hệ tiết niệu. Bệnh nhân bị rối loạn cương dương sau khi xạ trị có thể điều trị được bằng thuốc như sildenafil hay tadalafil.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *