Xạ trị điều trị bệnh U não

Phác đồ điều trị u não được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như loại tế bào u, kích thước & vị trí khối u, triệu chứng, tình trạng sức khỏe nền & ý muốn của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể được chỉ định một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị u não dưới đây:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Điều trị nhắm trúng đích
  • Liệu pháp điện xung (Tumour Treating Field hay TTF)
  • Điều trị giảm nhẹ & phục hồi chức năng

Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về xạ trị, là một trong các liệu pháp điều trị u não phổ biến nhất.

Xạ trị là kỹ thuật dùng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư não và ngăn chặn, kiểm soát một số loại u não. Xạ trị thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa chất để điều trị u não:

  • Sau khi phẫu thuật (có thể cùng với hóa chất) để tiêu diệt tế bào u còn tồn dư trong não
  • Là phác đồ chính (đầu tiên) nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật
  • Giảm nhẹ triệu chứng do khối u gây ra

Các phương pháp xạ trị u não

Có 2 phương pháp xạ trị chính, bệnh nhân có thể dùng 1 hoặc cả 2 phương pháp này:

  • Xạ trị liều chiếu ngoài. Máy chiếu xạ bên ngoài cơ thể sẽ chiếu tia bức xạ vào tiêu diệt khối u, trị liệu thường diễn ra trong vài tuần.
  • Xạ trị liều chiếu trong (Xạ trị áp sát), còn được gọi là liệu pháp kẽ. Các hạt phóng xạ sẽ được cấy vào khối u hoặc cạnh khối u để tiêu diệt tế bào u.

Xạ trị liều chiếu ngoài

Xạ trị liều chiếu ngoài gồm một số phương pháp. Mục đích của xạ trị là nhắm tới khối u đồng thời giảm thiểu tổn hại mô não lành xung quanh. Để hạn chế ảnh hưởng tới vùng quanh khối u, bác sĩ chuyên khoa xạ trị có thể chỉ định các phương pháp chiếu xạ đặc thù sau:

  • Xạ trị không gian 3 chiều (3D RT) Bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ để định vị tia xạ nhắm đúng vào hình dạng khối u từ các hướng khác nhau.
  • Xạ trị điều biến cường độ (IMRT). Tương tự như xạ trị 3 chiều, cường độ tia xạ được điều chỉnh phù hợp với các vùng khác nhau trong khối u.
  • Xạ phẫu định vị lập thể (SRS). Phương pháp này được chỉ định điều trị những khối u nhỏ. Mặc dù được gọi là “phẫu thuật” nhưng bác sĩ sẽ không cắt bỏ khối u mà dùng tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào khối u từ nhiều góc độ khác nhau trong 1 lần điều trị duy nhất hoặc trong vài ngày. Có 2 loại xạ phẫu chính là:
  • Dao Gamma sử dụng tia bức xạ gamma. Tia xạ được chiếu vào khối u, hội tụ cùng lúc từ hàng trăm góc chiếu khác nhau. Xạ phẫu dao Gamma thường được thực hiện trong một lần duy nhất.
  • Xạ phẫu gia tốc tuyến tính. Thay vì chiếu tia đồng thời từ nhiều góc khác nhau, máy xạ trị quay xung quanh đầu bệnh nhân để chiếu tia bức xạ vào khối u từ các góc khác nhau. Xạ phẫu gia tốc tuyến tính thường bao gồm 1 đến 5 lần điều trị.

Bác sĩ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá xem ung thư có di căn đến vị trí khác ở não hoặc tủy sống không. Nếu ung thư đã di căn, bệnh nhân có thể được xạ trị toàn bộ não & tủy sống.

Hình minh họa: Xạ trị u não

Xạ trị áp sát

Nguồn bức xạ (thường là các hạt có kích thước nhỏ) được đặt trong khối u hoặc cạnh khối u trong khi phẫu thuật, phát tia ở khoảng cách rất ngắn tiêu diệt khối u và hạn chế ảnh hưởng đến mô lành xung quanh.

Nhìn chung tác dụng phụ của xạ trị não được chia thành 2 nhóm:

  • Tác dụng phụ ngắn hạn xảy ra trong 6 tuần điều trị
  • Tác dụng phụ dài hạn, hiếm gặp hơn tác dụng phụ ngắn hạn & xảy ra sau vài tháng hoặc vài năm kể từ khi điều trị.

Tác dụng phụ ngắn hạn gồm:

  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Rụng tóc
  • Đau đầu
  • Buồn nôn

Nguy cơ gặp các tác dụng phụ tùy thuộc vào tuổi tác, liều bức xạ, vị trí và kích thước khối u. Một số khối u có thể điều trị với xạ trị hội tụ, nhắm tới vùng nhỏ hơn xạ trị toàn bộ não. Kích thước của vùng điều trị càng lớn, nguy cơ gặp tác dụng phụ dài hạn sẽ cao hơn.

Nguồn: Hopkinmedicine

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *