Ung thư nội mạc tử cung và phác đồ điều trị

Tổng quan về ung thư nội mạc tử cung

Hình minh họa: Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung bắt nguồn từ tử cung, là túi rỗng hình quả lê ở trong khung chậu và là nơi bào thai hình thành. Ung thư nội mạc tử cung khởi phát từ lớp niêm mạc bên trong tử cung (nội mạc), thường được gọi là ung thư tử cung. Ngoài ra, một số thể ung thư khác cũng khởi phát từ tử cung nhưng ít gặp hơn như sarcoma tử cung. Ung thư tử cung thường được phát hiện ở giai đoạn sớm do dễ gây chảy máu âm đạo bất thường. Khi được phát hiện sớm, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có khả năng điều trị dứt điểm ung thư tử cung.

Triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung

Dấu hiệu & triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung gồm:

  • Chảy máu âm đạo sau mãn kinh
  • Chảy máu giữa 2 kỳ kinh
  • Đau bụng dưới (vùng tiểu khung)

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu một trong những triệu chứng trên xuất hiện kéo dài hoặc khiến cho bạn lo lắng.

Nguyên nhân của ung thư nội mạc tử cung

Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh ngoài đột biến DNA ở tế bào nội mạc tử cung khiến cho tế bào khỏe mạnh chuyển thành bất thường.

Tế bào bình thường sinh trưởng theo tỷ lệ cố định & chết đi theo thời gian định sẵn. Tế bào bất thường sinh sôi ngoài tầm kiểm soát & không chết đi theo thời gian đã định. Việc tích lũy các tế bào bất thường hình thành khối u. Từ khối u ban đầu, tế bào ung thư xâm lấn các mô xung quanh & lan đến các vị trí khác (còn gọi là di căn).

Yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư nội mạc tử cung

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung gồm:

Mất cân bằng nội tiết tố nữ (hormone): Buồng trứng sản sinh 2 hormone là estrogen & progesterone. Khi các hormone này mất cân bằng sẽ làm thay đổi nội mạc. Tăng estrogen nhưng không tăng progesterone sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, như ở người có chu kỳ rụng trứng không đều (như hội chứng buồng trứng đa nang), béo phì và tiểu đường. Bổ sung hormone sau mãn kinh chỉ có estrogen không có progesterone cũng làm tăng nguy cơ ung thư tử cung.

Tuổi kinh kéo dài: Có kinh sớm trước tuổi 12 hoặc mãn kinh muộn làm tăng nguy cơ ung thư tử cung do tuổi kinh càng dài (nhiều chu kỳ kinh), nội mạc càng tiếp xúc nhiều với estrogen.

Không mang thai: Người không bao giờ mang thai có nguy cơ ung thư tử cung cao hơn người mang thai ít nhất một lần.

Người lớn tuổi: Tuổi càng lớn nguy cơ ung thư tử cung càng cao. Ung thư tử cung phần lớn xảy ra ở người cao tuổi.

Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, do tích mỡ làm thay đổi cân bằng hormone.

Bệnh nhân ung thư vú dùng liệu pháp hormone: Dùng thuốc hormone tamoxifen điều trị ung thư vú có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Tuy nhiên lợi ích của tamoxifen cao hơn nhiều so với nguy cơ thấp của ung thư tử cung. Bệnh nhân dùng tamoxifen nên tư vấn bác sĩ về nguy cơ này.

Hội chứng ung thư đại tràng di truyền: Hội chứng Lynch, còn được gọi là ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp (HNPCC), là hội chứng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và các ung thư khác bao gồm ung thư tử cung. Hội chứng Lynch có nguyên nhân đột biến gene di truyền từ cha mẹ. Nếu trong gia đình có người bị hội chứng Lynch, nên tư vấn bác sĩ về nguy cơ di truyền. Nếu bản thân mắc hội chứng Lynch, nên trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư.

Các biện pháp phòng tránh ung thư nội mạc tử cung

Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

– Trao đổi kỹ với bác sĩ về liệu pháp hormone sau mãn kinh, đánh giá lợi ích & nguy cơ để lựa chọn liệu pháp phù hợp.

– Cân nhắc việc dùng thuốc tránh thai. Uống viên tránh thai ít nhất trong một năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư tử cung trong thời gian vài năm sau khi dừng thuốc. Tuy nhiên, thuốc tránh thai cũng có những tác dụng phụ nên bạn cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc.

– Duy trì cân nặng ở mức bình thường. Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, vì vậy bạn nên cố gắng đạt được và duy trì cân nặng ở mức bình thường. Nếu bạn cần phải giảm cân, hãy tăng các hoạt động thể chất & giảm nạp năng lượng qua thức ăn mỗi ngày.

Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung 

Bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật sau để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung:

  • Thăm khám tiểu khung (khung chậu)
  • Siêu âm
  • Soi buồng tử cung thăm khám nội mạc tử cung
  • Sinh thiết
  • Tiểu phẫu lấy mô tử cung. Nếu kết quả sinh thiết không xác định, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nong nạo tử cung (D&C) để lấy lớp niêm mạc ra xét nghiệm.

Đánh giá giai đoạn ung thư

Khi đã có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá giai đoạn ung thư. Các kỹ thuật để đánh giá giai đoạn ung thư gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp PET và xét nghiệm máu… Bác sĩ có thể không đưa ra kết luận cuối cùng về giai đoạn ung thư cho đến khi bệnh nhân đã phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ tập hợp kết quả của các kỹ thuật thăm khám để xác định giai đoạn của ung thư tử cung. Các giai đoạn ung thư được thể hiện bằng số La mã từ I đến IV, trong đó số nhỏ nhất là giai đoạn sớm khi ung thư chưa ra ngoài tử cung. Ở giai đoạn IV, ung thư đã di căn đến các cơ quan xung quanh như bàng quang, hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Các phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung

 

Phẫu thuật

Phương pháp thông thường là phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng & vòi trứng. Bệnh nhân không thể mang thai sau cắt tử cung. Nếu phải cắt buồng trứng, bệnh nhân sẽ bị mãn kinh dù chưa đến tuổi.

Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm dò khu vực quanh tử cung để tìm kiếm dấu hiệu di căn & lấy hạch để xét nghiệm. Kết quả thăm dò hỗ trợ bác sĩ xác định giai đoạn ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao như tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị để làm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật; hoặc thực hiện xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u.

Bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật cũng có thể thay thế bằng xạ trị.

Xạ trị gồm 2 kỹ thuật:

  • Xạ trị liều chiếu ngoài: Trong lúc chiếu xạ, bệnh nhân nằm trên bàn điều trị, máy xạ trị sẽ chiếu tia từ ngoài vào khối u.
  • Xạ trị áp sát (còn gọi là xạ trị liều chiếu trong): Bác sĩ sẽ cấy các nguồn phát xạ nhỏ (dạng hạt, dây hoặc xy lanh….) trong âm đạo trong thời gian ngắn.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị đơn lẻ hoặc kết hợp các loại hóa chất khác nhau, dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch. Hóa chất sẽ theo mạch máu đến khắp cơ thể & tiêu diệt tế bào ung thư.

Hóa trị có thể được chỉ định sau khi phẫu thuật nếu bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao; hoặc trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u.

Hóa trị thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn, hoặc bệnh nhân bị tái phát, khi ung thư đã di căn ra ngoài tử cung.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone là dùng thuốc để giảm lượng hormone trong cơ thể bệnh nhân, làm chết các tế bào ung thư phụ thuộc hormone. Liệu pháp hormone thường được chỉ định cho giai đoạn muộn khi ung thư đã di căn ngoài tử cung.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích tập trung vào điểm yếu của tế bào ung thư. Bằng cách khóa chặn các yếu điểm, thuốc nhắm trúng đích làm tế bào ung thư tự chết. Thuốc nhắm trúng đích thường được dùng kết hợp với hóa chất điều trị bệnh nhân ung thư tử cung giai đoạn muộn.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư. Hệ miễn dịch của cơ thể có thể không tiêu diệt được ung thư do nó sản sinh ra một số protein che dấu tế bào ung thư không cho hệ miễn dịch tìm thấy. Liệu pháp miễn dịch can thiệp vào quá trình sinh protein. Đối với ung thư tử cung, liệu pháp miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân giai đoạn muộn không đáp ứng các liệu pháp khác.

Điều trị giảm nhẹ

Điều trị giảm nhẹ là liệu pháp đặc thù làm giảm đau & giảm nhẹ triệu chứng ở những bệnh nhân nặng, và là liệu pháp bổ trợ cho các liệu pháp khác. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị giảm nhẹ đồng thời với liệu pháp tấn công như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và để nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *