U tuyến yên – Chẩn đoán và Phương pháp điều trị

Tuyến yên là một tuyến nhỏ nằm cạnh não, có vai trò là tuyến nội tiết chính sản sinh nhiều loại hormones tác động đến các chức năng khác nhau của cơ thể. Phần lớn u tuyến yên là dạng lành tính, được gọi là u tế bào tuyến (adenoma). Tuy nhiên, đôi khi u tuyến cũng có thể phát triển giống như u các tính khi phát triển xâm lấn các mô & cơ quan bên cạnh, hoặc hiếm gặp hơn là lan tỏa đến các cơ quan khác trong cơ thể. U tuyến yên không phải là u não mà là u tuyến nội tiết và khá nguy hiểm; kể cả u lành cũng có thể ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể. Nếu u phát triển chèn ép các cơ quan liền kề, ví dụ như dây thần kinh thị giác, thì sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Yếu tố nguy cơ

Không có bằng chứng về yếu tố môi trường có thể gây u tuyến yên. Nguy cơ duy nhất được nhận biết là di truyền bao gồm 3 triệu chứng dưới đây:
– Rối loạn tân sinh đa tuyến nội tiết type 1 (MEN1): Gia đình có người có MEN1 có nguy cơ cao bị u tuyến yên.
– Carney complex: Là rối loạn gene có khả năng tăng nguy cơ mắc u tuyến yên.
– Bệnh to cực (Familial acromegaly): To đầu chi và phì đại các cơ quan ngoại biên (mũi, tai, hàm…) do dư thừa hormone tăng trưởng.

Triệu chứng và dấu hiệu của u tuyến yên

U tuyến yên thường có những biểu hiện sau đây. Tuy nhiên, một số người bị u tuyến yên mà không có dấu hiệu nào và ngược lại, những người có những dấu hiệu này nhưng lại không bị u tuyến yên mà là triệu chứng của những bệnh khác.

  • Đau đầu
  • Bất thường về thị lực
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới
  • Rối loạn cường dương ở nam giới do nội tiết tố
  • Vô sinh
  • Tiết sữa bất thường
  • Hội chứng Cushing: tăng cân kết hợp với tăng huyết áp và đường máu, dễ bi thâm tím cơ thể
  • Bệnh to cực: to đầu chi hoặc dày xương sọ và xương hàm do thừa hormone tăng trưởng
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Tâm lý thay đổi thất thường
  • Dễ nổi cáu

U tuyến yên gây các triệu chứng sau:

  • Dư thừa 1 hoặc nhiều hơn các loại hormones:
    • Hormone tăng trưởng GH
    • Hormone tuyến giáp TSH
    • Prolactin
    • Hormone tuyến thượng thận ACHT
    • Hormone điều hòa tuyến sinh dục Gonadotropins (FSH and LH)
  • Nếu u chèn ép lên tuyến yên sẽ bị thiếu hụt các hormone sau:
  • Hormone tăng trưởng GH
  • Hormone tuyến giáp TSH
  • Prolactin
  • Hormone tuyến thượng thận ACHT
  • Hormone điều hòa tuyến sinh dục Gonadotropins (FSH and LH)
  • Nếu u chèn ép lên dây thần kinh thị giác hoặc dây thần kinh điều khiển vận động của mắt (hiếm gặp) sẽ tạo nên các triệu chứng giảm- mất thị lực hoặc song thị.

Chẩn đoán & đánh giá giai đoạn u tuyến yên

Bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật thăm khám dưới đây để chẩn đoán u tuyến yên. Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ chỉ định các kỹ thuật khác nhau và không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ kỹ thuật liệt kê dưới đây:

  • Khám chuyên khoa thần kinh
  • Xét nghiệm máu, nước bọt hoặc nước tiểu để đo lượng hormone. Các xét nghiệm này có thể được làm nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau, một số bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc hoặc hormone trước khi xét nghiệm.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI.
  • Chụp Xquang cắt lớp vi tính CT hoặc CAT
  • Khám trường thị lực
  • Sinh thiết.
  • Chọc dò tủy sống (hiếm dùng để chẩn đoán u tuyến yên)

Sau khi có kết quả xét nghiệm & chụp phim, bác sĩ đưa ra kết luận về chẩn đoán và đánh giá giai đoạn. Việc đánh giá giai đoạn cho biết vị trí khối u, đã lan đến nơi khác chưa và có ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể không.

Kết quả đánh giá giai đoạn u giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp và tiên lượng hiệu quả điều trị. Phân loại khối u tuyến yên thường được dựa vào kết quả chụp cộng hưởng từ, bao gồm:

  • U tuyến nhỏ (microadenoma) có kích thước <10mm.
  • U tuyến lớn (macroadenoma) có kích thước lớn nhất >10mm và có thể phát triển ra ngoài hoành tuyến yên (sella turcica).

Các yếu tố phân loại u tuyến yên khác bao gồm bất thường của (1 hoặc nhiều) hormone và có lan đến các cơ quan khác không (nhất là xoang hang).

Bác sĩ bệnh viện Raffles Singapore thăm khám cho bệnh nhân

Các phương pháp xử lý & điều trị u tuyến yên

Bệnh nhân u tuyến yên thường được khám và hội chẩn với nhiều chuyên khoa khác nhau về phương án xử lý và điều trị. Đầu tiên là chuyên khoa nội tiết, sau đó bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ hội chẩn với chuyên khoa thần kinh. Nếu có vấn đề về thị lực, bệnh nhân cần được hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa mắt.

Các phương pháp xử trí và điều trị gồm:

Theo dõi

Bệnh nhân có u tuyến yên nhưng không có các triệu chứng hoặc bất thường về nội tiết tố có thể được theo dõi định kỳ xem khối u có tiến triển không hoặc có gây các triệu chứng bất thường nào không. Bác sỹ sẽ tiến hành điều trị khi khối u gây ra các triệu chứng bất thường.

Phẫu thuật

Cắt bỏ u và (có thể) một phần nhỏ các mô lành xung quanh u.

Khoảng 95% các ca phẫu thuật u tuyến yên được thực hiện qua đường xuyên xoang bướm sử dụng kính hiển vi hoặc ống nội soi. Cả 2 phương pháp đều mang lại hiệu quả tương đương. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sỹ để hiểu rõ hơn về phương pháp phù hợp trước khi tiến hành phẫu thuật.

Xạ trị

Phương pháp xạ trị thường dùng là xạ trị nguồn chiếu ngoài. Trước khi tiến hành xạ trị, bác sĩ chuyên khoa sẽ lập kế hoạch xạ trị bao gồm liều chiếu và thời gian chiếu.

Đối với một số bệnh nhân có khối u chưa được cắt bỏ hết sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể sử dụng xạ phẫu trúng đích, sử dụng tia bức xạ liều cao để chiếu trực tiếp vào khối u. Nhưng không phải bệnh nhân nào chưa cắt bỏ hết u cũng cần sử dụng phương pháp xạ phẫu này.

Tác dụng phụ thường gặp của xạ trị gồm: mệt mỏi, kích ứng da, khó chịu dạ dày, mất nhu động ruột. Phần lớn các tác dụng phụ này sẽ chấm dứt sau khi hoàn thành xạ trị.

Tùy vào hướng chiếu xạ, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng về thị lực hoặc suy giảm trí nhớ và trí lực tạm thời. Các tác dụng phụ này hiếm gặp & thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ ảnh hưởng cũng như tác dụng phụ của xạ trị trước khi tiến hành điều trị.

Xạ trị có thể làm tuyến yên giảm khả năng tiết hormone. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế hormone (HRT).

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)

Liệu pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân u tuyến yên khi tuyến yên không tiết đủ các hormone sau:

  • Hormone tuyến giáp
  • Hormone tuyến thượng thận
  • Hormone tăng trưởng
  • Testosterone ở nam giới
  • Estrogen ở nữ giới

Điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc)

Nếu u tuyến yên làm tăng hormone, bác sỹ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc để điều trị. Thuốc bromocriptine (Parlodel) và cabergoline (Dostinex) dùng điều trị những trường hợp tăng prolactin. Octreotide (Sandostatin) hoặc pegvisomant (Somavert) điều trị tăng hormone tăng trưởng. Octreotide cũng được dùng để điều trị các bệnh nhân u tuyến yên tăng hormone tuyến giáp.

Thuốc điều trị u tuyến yên cần được điều chỉnh liều thường xuyên. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tác dụng điều trị, tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác.

Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp điều trị u cùng với giảm triệu chứng và tác dụng phụ.

Suy giảm và nguy cơ tái phát

Bệnh được coi là suy giảm khi không phát hiện thấy khối  u và bệnh nhân không còn triệu chứng. Bệnh có thể giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn. Kể cả khi bệnh suy giảm vĩnh viễn, bệnh nhân cũng cần tham vấn bác sĩ về khả năng tái phát và các phương án điều trị khi bệnh tái phát.

Khối u có thể tái phát tại chỗ, ở các cơ quan lân cận hoặc ở xa (hiếm gặp). Khi phát hiện thấy tái phát, bệnh nhân cần được đánh giá lại giai đoạn trước khi điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *