Tìm hiểu về Ung thư Tuyến giáp – Phần 3: Điều trị Ung thư Tuyến giáp và Liệu pháp Iode Phóng xạ

 

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Bác sỹ đánh giá giai đoạn ung thư tuyến giáp để có thể xây dựng kế hoạch điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến giáp được điều trị bằng phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân và kích thước khối u. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp có kích thước nhỏ có thể được điều trị khỏi bệnh chỉ bằng phẫu thuật.

  • Cắt tuyến giáp bán phần, hay còn gọi là cắt thùy giáp, là phẫu thuật cắt bỏ phần tuyến giáp bị ung thư như cắt bên (thùy) trái hoặc thùy phải.
     
  • Cắt tuyến giáp toàn phần là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật theo mô tả tóm tắt dưới đây có thể không được bác sỹ chỉ định điều trị cho toàn bộ bệnh nhân.

Liệu pháp iode phóng xạ

Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể cần điều trị toàn thân bằng liệu pháp iode phóng xạ để phá hủy hoàn toàn các mô tuyến giáp tồn dư mà phẫu thuật có thể không cắt bỏ hết được. Bệnh nhân có thể được tiêm Thyrogen® trước khi thực hiện liệu pháp iode phóng xạ. Đội ngũ y tế điều trị ung thư tuyến giáp gồm bác sỹ chuyên khoa y học hạt nhân và bác sỹ nội tiết. Bệnh nhân sẽ được uống viên iode phóng xạ, iode theo mạch máu đến phá hủy tế bào ung thư và các mô tuyến giáp còn tồn dư sau phẫu thuật. Các tế bào tuyến giáp là nơi hấp thu phần lớn iode trong cơ thể nên iode phóng xạ không ảnh hưởng đến các tế bào khác.

Xạ trị

Xạ trị liều chiếu ngoài là phương pháp xạ trị phổ biến nhất và là điều trị ngoại trú. Mục đích của xạ trị là để tiêu diệt tế bào ung thư, thu nhỏ kích thước khối u và giảm nhẹ triệu chứng thông qua việc dùng tia bức xạ năng lượng cao. Tuy nhiên, xạ trị liều chiếu ngoài hiếm khi được chỉ định để điều trị ung thư tuyến giáp.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp dùng hóa chất (thuốc) để tiêu diệt tế bào ung thư. Không may là khi tiêu diệt tế bào ung thư hóa chất cũng ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Hóa trị là liệu pháp điều trị toàn thân dùng thuốc dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch. Liệu pháp này được gọi là điều trị hệ thống (toàn thân) vì thuốc sẽ theo mạch máu tuần hoàn đến toàn bộ cơ thể. Đôi khi hóa trị cũng được kết hợp với xạ trị liều chiếu ngoài. Hóa trị hiếm khi được chỉ định để điều trị ung thư tuyến giáp ngoại trừ những bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp có độ ác tính cao như ung thư tuyến giáp không biệt hóa.

Xạ hình tuyến giáp

Tùy thuộc vào thể ung thư tuyến giáp và liệu pháp điều trị được chỉ định, bệnh nhân có thể được Xạ hình tuyến giáp để đánh giá tiến triển & hiệu quả điều trị. Xạ hình tuyến giáp có thể hỗ trợ tìm xem ung thư đã di căn chưa. 

Các liệu pháp bổ trợ & thay thế

Bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp có thể cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thậm chí trầm cảm trong quá trình điều trị. Các liệu pháp bổ trợ & thay thế có thể giúp bệnh nhân thay đổi sự chú ý, tâm tình & diện mạo tích cực hơn. Tham gia các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật biểu hiện bản thân hay ghi chép nhật ký…mang lại lợi ích tích cực cho các bệnh nhân. Thiền, hoặc và các bộ môn rèn luyện tâm – thể khác như thái cực quyền, yoga…có thể hỗ trợ bệnh nhân trải qua quá trình điều trị một cách dễ dàng hơn.

LIỆU PHÁP IODE PHÓNG XẠ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ NHÚ & THỂ NANG

Liệu pháp iode phóng xạ (RAI), còn gọi là Liệu pháp iode phóng xạ loại trừ tàn dư (RRA), là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, mục đích để phá hủy hết các tế bào tuyến giáp còn tồn dư trong cơ thể sau phẫu thuật. Phương pháp trị liệu này có hiệu quả trên những bệnh nhân phù hợp với chỉ định vì tế bào tuyến giáp tồn dư trong cơ thể hấp thu iode, khi tế bào tuyến giáp hấp thu iode phóng xạ, các tế bào này sẽ bị phá hủy (loại trừ).

Trước khi điều trị, bác sỹ sẽ thảo luận với bệnh nhân về các lựa chọn kết hợp hoặc không kết hợp với Thyrogen®. Mục đích của cả 2 phương án đều là phá hủy các tế bào tuyến giáp còn tồn dư sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc để chẩn đoán ung thư tuyến giáp tái phát. Dưới đây là các thông tin về 2 phương án điều trị giúp bệnh nhân có thêm thông tin đưa ra lựa chọn của mình.

Iode phóng xạ kết hợp Thyrogen®

Thyrogen ® là thuốc dùng trước khi điều trị iode phóng xạ để phá hủy các tế bào tuyến giáp còn tồn dư sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Thyrogen là tổ hợp (nhân bản phân tử) của hormon kích thích tuyến giáp TSH ở người. Ngoài ra, Thyrogen cũng được dùng để chẩn đoán tái phát ung thư tuyến giáp biệt hóa cao, kết hợp với liệu pháp iode phóng xạ.

Với Thyrogen, bệnh nhân có thể tiếp tục dùng thuốc hormon tuyến giáp (như levothyroxine) trước, trong và sau khi điều trị iode phóng xạ. Nhờ đó, bệnh nhân có thể tránh được các triệu chứng của nhược giáp & duy trì chất lượng sống.

  • Thyrogen được dùng dưới dạng tiêm cơ mông trong 2 ngày liên tiếp. Ngày thứ 3 là ngày điều trị iode phóng xạ.

Khi Thyrogen được dùng để chẩn đoán tái phát ung thư tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc vào ngày 1 & ngày 2, ngày 3 dùng iode phóng xạ và ngày thứ 5 làm xét nghiệm máu cùng với/hoặc không chụp xạ hình toàn thân. Tương tự các xét nghiệm y khoa khác, liệu pháp này cũng có nguy cơ chẩn đoán bị sai sót.

Bệnh nhân có thể bị các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi & chóng mặt.

Liệu pháp iode phóng xạ truyền thống

Liệu pháp iode phóng xạ truyền thống được dùng để loại bỏ tế bào tuyến giáp tồn dư sau phẫu thuật hoặc/và để chẩn đoán ung thư tuyến giáp tái phát. Bệnh nhân dùng liệu pháp iode phóng xạ truyền thống cần dừng hormon tuyến giáp thay thế (như levothyroxine) trong khoảng 4-6 tuần.

Khi dừng hormon thay thế, bệnh nhân bị nhược giáp và có thể sẽ gặp phải những triệu chứng như mệt mỏi, mau quên, khó tập trung, trầm cảm, khô da & tóc, táo bón, tăng cân, kinh nguyệt không đều, đi bộ khó, các bệnh tim mạch nặng hơn. Những triệu chứng này có thể xuất hiện ở mức độ từ nhẹ đến nặng. 

Tại sao cần tạm dừng hormon thay thế? Mục đích dừng hormon thay thế là để tăng lượng hormon kích thích tuyến giáp TSH trong máu. Bệnh nhân có thể phải tạm dừng thuốc và ăn kiêng chế độ nghèo iode trong vài tuần trước khi sử dụng liệu pháp iode phóng xạ. Chế độ ăn nghèo iode làm cho các tế bào tuyến giáp đói iode và hấp thu tối đa lượng iode phóng xạ. Các thực phẩm cần tránh trong giai đoạn này gồm muối (& các thực phẩm khác) bổ sung iode, cá biển/hải sản, các sản phẩm từ đậu nành & các thực phẩm có chất nhuộm màu đỏ.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân & điều kiện của bệnh viện, bác sỹ sẽ quyết định bệnh nhân sử dụng iode phóng xạ nội hay ngoại trú. Iode phóng xạ được dùng sau phẫu thuật từ 4 tuần. Bệnh nhân dùng hoạt chất iode 131 (I-131) dưới dạng viên uống. Liều lượng I-131 sẽ do bác sỹ quyết định căn cứ vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Hiện nay phần lớn bệnh nhân dùng iode phóng xạ như một thủ thuật ngoại trú & ra viện ngay trong ngày. Tuy nhiên, do đây là liệu pháp phóng xạ, bệnh nhân cần được hướng dẫn kỹ về việc cách ly cho đến khi I-131 bất hoạt.

Bệnh nhân có thể bị các tác dụng phụ như: buồn nôn, sưng/đau ở cổ nơi tế bào tuyến giáp còn lại, khô miệng, mất mùi/vị. Các tác dụng phụ hiếm gặp gồm vô sinh ở phụ nữ sử dụng I-131 liều cao và mắc ung thư khác nhiều năm sau khi dùng iode phóng xạ.

Nguồn: Endocrineweb


 

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *