Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống có thể về nhà, điều trị ngoại trú sau thủ thuật Disc-Fx, theo bác sĩ David Wong Him Choon, bệnh viện Raffles Singapore.
– Phẫu thuật cố định lai (Hybrid Fusion) và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (Disc-FX) là kỹ thuật gì và có tác dụng ra sao với bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm?
– Disc-FX là kỹ thuật giải áp đĩa đệm qua da bằng Disc-Fx. Đây là thủ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu, sử dụng công nghệ hiện đại, đang được nhiều bệnh viện trên thế giới ứng dụng. Bác sĩ sẽ rạch một vết mổ rất nhỏ, khoảng 3-4 mm, dùng tia X đánh dấu chính xác phần cần thực hiện và đưa Disc-Fx vào để loại bỏ đĩa đệm.
Phương thức này thường áp dụng khi muốn loại bỏ một phần đĩa đệm chèn ép dây thần kinh cột sống. Đồng thời, Disc-Fx còn giúp tái tạo dây chằng bị rách bằng sóng cao tần (RF Annuloplasty). Bệnh nhân có thể ra về trong ngày.
Phương pháp cố định lai Hybrid Fusion là kỹ thuật nẹp định vị đốt sống, thường áp dụng cho các trường hợp phức tạp, cần nẹp định vị đốt sống và không thể dùng giải áp đĩa đệm qua da Disc-Fx. Bác sĩ dùng kỹ thuật cố định linh hoạt phần đốt sống bên trên với phần cần nối lại bằng hệ thống nẹp vít lai, bán cứng. Cách này giúp giảm thiểu tác động gây bệnh lý lên phần đốt sống liền kề.
Với phương pháp phẫu thuật nối xương sống truyền thống, dù mổ nội soi hay mổ hở, đều có rủi ro ảnh hưởng đốt sống liền kề, dẫn đến nguy cơ tái phẫu thuật (khoảng 10-30%) trong 4-5 năm. Trong khi Hybrid Fusion cho phép bệnh nhân phục hồi chức năng vận động nhanh chóng, mang lại hiệu quả lâu dài, hạn chế nguy cơ tái phẫu thuật khoảng 1-4%.
– Phẫu thuật Hybrid Fusion và Disc-Fx cần cấy ghép gì và bệnh nhân cần lưu ý những gì?
– Với Disc-FX (thủ thuật xâm lấn tối thiểu), bệnh nhân không cần cấy ghép thiết bị. Hybrid Fusion (cố định lai) cần yêu cầu cấy ghép ốc vít và thanh nẹp bằng chất liệu titan. Thông thường, bệnh nhân không cần tháo gỡ dụng cụ đã cấy ghép này trừ trường hợp thỉnh thoảng bị bung nứt. Tỷ lệ xảy ra rủi ro rất hiếm, khoảng dưới một ca trong tổng số 200-300 trường hợp.
– Sau phẫu thuật, khoảng bao lâu bệnh nhân hết đau và hoạt động lại bình thường?
– Hầu hết bệnh nhân sẽ không thấy đau sau điều trị bằng hai phương pháp này. Với thủ thuật Disc-Fx, hầu hết sẽ không còn đau ngay sau ca mổ. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong hai tuần. Cần lưu ý phương pháp phải áp dụng đúng trường hợp bệnh. Disc-Fx chỉ hợp với những thoát vị nhỏ, vừa phải, ở cột sống cổ và cột sống lưng. Các đĩa đệm ở cổ và lưng lần lượt là C3/C4 đến C6/C7, và từ L2/L3 đến L5/S1.
Trong khi đó, Hybrid Fusion áp dụng mổ hở cho các ca thoát vị đĩa đệm nặng hơn. Thời gian hết đau khoảng 2-3 tuần, hồi phục hoàn toàn có thể lên đến 6 tuần sau khi mổ. Nhiều bệnh nhân mổ Hybrid Fusion có thể chơi tennis, đánh golf bình thường sau 3 tháng. Mới đây, một bệnh nhân khoảng hơn 60 tuổi, trước đó hầu như không đứng được. Sau khi xuất viện từ ca mổ Hybrid Fusion đúng một ngày, bà ấy đã đi lại bình thường và không còn đau đớn.
– So với thủ thuật giải phóng áp đĩa qua da bằng tia plasma (Plasma Nucleoplasty), Disc-Fx cho hiệu quả giải phóng chèn ép đĩa đệm cột sống thắt lưng cao hơn, có thể điều trị rách dây chằng vòng đĩa đệm. Tuy nhiên, thủ thuật này không hiệu quả với trường hợp thoát vị đĩa đệm lồi nhiều ra ngoài, thay vào đó cần can thiệp bằng phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm truyền thống.
– Những nhóm bệnh nhân nào phù hợp áp dụng phẫu thuật cố định lai (Hybrid Fusion)?
– Tất cả bệnh nhân thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống đều có thể điều trị bằng kỹ thuật này, kể cả người trên 70 tuổi. Nếu bệnh nhân muốn khôi phục toàn bộ chức năng vận động, họ có thể cân nhắc phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo.
Kỹ thuật Hybrid Fusion không thể khôi phục hoàn toàn chức năng vận động. Một số ít chức năng sẽ bị hạn chế, xương sống ít nhiều bị cứng. Tuy nhiên đây là phương pháp an toàn hơn nhiều so với cách điều trị thông thường khác.
Theo kinh nghiệm điều trị bệnh lý cột sống lâu năm của tôi, bệnh nhân phẫu thuật Hybrid Fusion khôi phục chức năng vận động nhiều hơn so với nối xương sống truyền thống. Phương thức này giúp bảo tồn các đốt xương liền kề, giúp họ ít đau hơn, dễ dàng phục hồi chức năng.
– Bác sĩ có lời khuyên gì cho những bệnh nhân quyết định phẫu thuật đĩa đệm cột sống để mau hồi phục?
– Hãy luôn nghe theo lời khuyên của bác sĩ, đó là điều quan trọng nhất. Tùy từng trường hợp, chúng tôi sẽ có lời khuyên và dặn dò khác nhau. Nhưng nhìn chung, bệnh nhân thoái hóa cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm không nên mang vác nặng, kể cả khi đã điều trị khỏi.
Mọi người cũng nên tránh ngồi yên một chỗ quá lâu. Nhất là khi cột sống sau phẫu thuật vẫn đang trong quá trình hồi phục. Việc ngồi lâu có thể ảnh hưởng đến chức năng liền lại của bộ phận này, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
Bệnh nhân sau mổ cần đeo đai cố định cột sống trong 6 tuần, không nên tháo gỡ đai sớm quá. Họ cũng nên thực hiện một số bài tập thể dục kéo giãn cột sống, kết hợp vật lý trị liệu từ tuần thứ sáu đến tháng thứ ba trở đi để làm săn chắc cơ lõi.
Bác sĩ David Wong là chuyên gia tư vấn về cột sống và phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Raffles, chuyên thủ thuật thay đĩa đệm nhân tạo cho các đốt sống ở cổ và thắt lưng. Ông thường thực hiện các ca phẫu thuật xâm lấn điều trị gãy xương, biến dạng cột sống ở người già (Vertebroplasty và Kyphoplasty).
Ông là bác sĩ tư vấn không thường trực tại SGH (từ 2005) và Dubai Hospital (từ 2006). Tốt nghiệp đại học NUS năm 1995, BS. David Wong nhận học bổng Queens Medical Centre ở Nottingham (Anh) 3 năm sau đó với chuyên môn về chấn thương cột sống (vẹo cột sống, u xương và viêm xương, nứt xương cột sống và thoát hóa cột sống). BS. David Wong còn là chuyên gia thay đĩa đệm nhân tạo cho bệnh đau cổ mãn tính và lưng dưới. Hiện bác sĩ là thành viên của Spine Section (Hiệp hội Chấn thương Chỉnh hình châu Á Thái Bình Dương) chuyên về các kỹ thuật Nucleoplasty, Hybrid Fusion.
Ông từng được đào tạo điều trị các tình trạng khác nhau của cột sống, như chứng vẹo xương sống, u cột sống, nhiễm trùng chấn thương, thoái hóa đốt sống cổ và đau lưng. Bác sĩ là một trong những người tiên phong phẫu thuật hạn chế can thiệp điều trị biến dạng cột sống tại Singapore.
Raffles Medical Group thành lập tại Singapore năm 1976, là một trong những tập đoàn y tế hàng đầu khu vực. Đơn vị cung cấp dịch chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám đa khoa Raffles Medical và các bệnh viện tuyến đầu, có mặt tại 14 thành phố châu Á ở 5 quốc gia (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Việt Nam).
Tháng 10/2023, Raffles Medical Group tại Singapore thông báo trở thành đối tác chiến lược với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Mỹ Mỹ, Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tại TP HCM. Đơn vị cam kết thúc đẩy, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Việt và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Nguồn VNExpress