Phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Tùy thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Cùng các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Raffles Singapore tìm hiểu những thông tin về bệnh ung thư dạ dày qua bài viết dưới đây.

Các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày:

  • Tuổi tác: Ung thư dạ dày thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần nữ giới.
  • Vi khuẩn H. pylori gây viêm loét dạ dày. Nếu gia đình có người bị ung thư dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn H. pylori, bệnh nhân nên làm xét nghiệm tìm vi khuẩn và điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Yếu tố gia đình: Gia đình có người thân bị ung thư dạ dày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, một số rối loạn gene như ung thư dạ dày lan tỏa, hội chứng Lynch và polyp tuyến (FAP) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Chủng tộc: Người gốc Tây Ban Nha, người da đen và người châu Á dễ mắc ung thư dạ dày hơn các chủng tộc khác.
  • Chế độ ăn: Thường xuyên ăn mặn và loại thực phẩm được bảo quản (sấy khô, hun khói, muối…) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Mặc khác, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Những người đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc mắc một trong những bệnh sau có nguy cơ cao: thiếu máu ác tính, giảm axit dịch vị dạ dày.
  • Bệnh nghề nghiệp: Tiếp xúc thường xuyên với một số loại bụi và khói có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Hút thuốc lá và uống quá nhiều bia rượu.
  • Béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ dạ dày ở nam giới.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày ít khi được phát hiện ở giai đoạn sớm vì bệnh ít có những dấu hiệu cụ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện một cách mơ hồ, có thể là một số dấu hiệu dưới đây. Cần nhớ rằng những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác như cúm hoặc viêm loét dạ dày.

  • Khó tiêu, ợ nóng, đầy bụng.
  • Cơn đau xuất hiện từng đợt hoặc cảm giác khó chịu ở vùng bụng.
  • Khó chịu, buồn nôn, đặc biệt là nôn ra thức ăn chưa tiêu hóa ngay sau ăn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Cảm giác nghẹn ở họng khi ăn, ăn không ngon miệng.

Các triệu chứng bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn có thể bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
  • Nôn hoặc đi ngoài ra máu.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nếu bạn đang lo lắng khi gặp những triệu chứng trên, hãy đến thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh và tìm ra nguyên nhân của những triệu chứng trên. Bạn nên thường xuyên báo cáo với bác sĩ về các triệu chứng bao gồm cả triệu chứng mới xuất hiện và các triệu chứng đã có nhưng thay đổi.

Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Bác sĩ sẽ chỉ định nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh và đánh giá tình trạng bệnh đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể chưa. Ví dụ: kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ cho biết tế bào ung thư đã di căn hay chưa do kỹ thuật này cho thấy hình ảnh bên trong cơ thể.

Phần lớn các ca bệnh ung thư thì sinh thiết là cách duy nhất để bác sĩ đánh giá xem khối u có phải là ung thư hay không. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ tế bào ở khối u đem đến phòng thí nghiệm phân tích. Trường hợp không thể sinh thiết được, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật khác để chẩn đoán.

Không phải bệnh nhân nào cũng sử dụng các kỹ thuật giống nhau. Bác sĩ sẽ cân nhắc các tình trạng dưới đây của bệnh nhân và chỉ định các kỹ thuật xét nghiệm phù hợp:

  • Loại ung thư có thể mắc phải.
  • Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
  • Tuổi tác của bệnh nhân và tình trạng sức khỏe.
  • Kết quả của những lần thăm khám trước.

Các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và kỹ thuật sau:

  • Nội soi: Dùng ống soi mềm để đánh giá tổn thương ở thực quản, dạ dày và một phần ruột non. Trong khi nội soi bác sĩ có thể kết hợp lấy sinh thiết tế bào.
  • Sinh thiết tế bào: Là xét nghiệm duy nhất có giá trị xác định chẩn đoán ung thư dạ dày, các xét nghiệm khác chỉ mang tính gợi ý.
  • Nội soi siêu âm: giúp bác sĩ đánh giá được các tổn thương lân cận như di căn hạch, mô, tuyến thượng thận….
  • Chụp X-quang: Cho thấy các hình ảnh bên trong cơ thể.
  • Chụp dạ dày cản quang: Bệnh nhân uống thuốc Barit và được chụp 1 loạt phim x-quang trước và sau khi ngấm thuốc để đánh giá tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày & ruột.
  • Chụp cắt lớp vi tính: CT cung cấp hình ảnh X-quang 3 chiều, đánh giá từ nhiều hướng khác nhau và đo kích thước khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Tương tự chụp cắt lớp vi tính nhưng không sử dụng tia X quang.
  • Chụp PET hoặc PET/CT: PET có thể chụp riêng hoặc kết hợp với CT (gọi là PET/CT) nhằm giúp đánh giá được các hình ảnh tổn thương ác tính trong cơ thể do tế bào ác tính tăng hấp thụ phóng xạ.
  • Nội soi ổ bụng: Bác sĩ sẽ dùng ống soi xuyên thành bụng để đánh giá ung thư dạ dày đã lan tỏa đến niêm mạc ổ bụng hay gan chưa.

Các giai đoạn Ung thư dạ dày

Đánh giá các giai đoạn chính xác của ung thư giúp bác sĩ tiên lượng và quyết định phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Mỗi loại ung thư có cách đánh giá giai đoạn khác nhau. Dưới đây là cách đánh giá giai đoạn của ung thư dạ dày:

Đánh giá giai đoạn TNM, cụ thể:

  • T (Tumor): Khối u ăn sâu vào thành dạ dày bao nhiêu mm?
  • N (Node): Khối u có lan đến hạch bạch huyết hay chưa? Nếu có, bao nhiêu hạch?
  • M (Metastasis): Ung thư đã di căn đến các cơ quan khác hay không?

Giai đoạn ung thư dạ dày đã được đánh giá thông qua kết hợp các chỉ số trên. Chúng bao gồm 5 giai đoạn từ 0 đến IV:

Giai đoạn 0

Các tế bào ung thư tại chỗ, tổn thương nông ở niêm mạc dạ dày.

Giai đoạn IA

Ung thư xâm lấn lớp trong thành dạ dày nhưng chưa di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.

Giai đoạn IB

1 trong 2 trường hợp sau:

  • Ung thư xâm lấn lớp trong thành dạ dày, 1 đến 2 hạch bạch huyết.
  • Ung thư xâm lấn lớp cơ ngoài thành dạ dày nhưng chưa lan đến hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.

Giai đoạn IIA

1 trong các trường hợp sau:

  • Ung thư xâm lấn lớp trong thành dạ dày, 3-6 hạch bạch huyết.
  • Ung thư xâm lấn lớp cơ ngoài thành dạ dày, 1-2 hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, chưa xâm lấn màng phúc mạc hoặc hạch bạch huyết của các cơ quan lân cận.

Giai đoạn IIB

1 trong các trường hợp sau:

  • Ung thư xâm lấn lớp trong thành dạ dày, 7 hoặc nhiều hơn hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn lớp ngoài cơ thành dạ dày, 3-6 hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, chưa xâm lấn màng phúc mạc hoặc hạch bạch huyết của các cơ quan lân cận. 1-2 hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, màng bụng và cơ trơn nhưng không có hạch bạch huyết & chưa xâm lấn các cơ quan khác.

Giai đoạn IIIA

1 trong các trường hợp sau:

  • Ung thư xâm lấn đến lớp cơ ngoài thành dạ dày, nhiều hơn 7 hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, chưa xâm lấn màng phúc mạc hoặc hạch bạch huyết của các cơ quan lân cận. 3-6 hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, màng bụng và cơ trơn, 1-2 hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.

Giai đoạn IIIB

Bất kỳ trường hợp nào dưới đây:

  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, chưa xâm lấn màng phúc mạc hoặc hạch bạch huyết của các cơ quan lân cận. 7 hoặc nhiều hơn hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, màng bụng và cơ trơn, 3-6 hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn các cơ quan khác.
  • Ung thư xâm lấn toàn bộ các lớp cơ đến các mô nối ngoài dạ dày, màng bụng, cơ trơn và các tạng hoặc tổ chức lân cận. Có thể chưa hoặc có 1-2 hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các cơ quan ở).

Giai đoạn IV

Tế bào ung thư đã xâm lấn đến bất kỳ cơ quan nào ở ngoài ổ bụng.

Ung thư tái phát

Ung thư tái phát là tình trạng tế bào ung thư sau khi được điều trị có thể tái phát tại chỗ hoặc tái phát di căn xa. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật  và xét nghiệm giống như chẩn đoán ban đầu.

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiện nay

Bệnh nhân ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị bệnh thường kém do ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, bác sĩ có thể sử dụng 1 hoặc kết hợp các phương án sau.

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u bằng cách cắt dạ dày toàn phần hoặc bán phần và các hạch bạch huyết lân cận. Đây là phẫu thuật lớn và có thể có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Đối với ung thư dạ dày Giai đoạn IV, phẫu thuật thường không được coi là phương pháp điều trị chính.

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp xạ trị

Chiếu tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị cũng có nhiều tác dụng phụ nhưng sẽ kết thúc khi kết thúc liệu trình xạ trị.

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp hóa trị

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp Hóa trị là sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư (qua đường uống hoặc truyền) còn sót lại sau phẫu thuật. Hóa trị thường được kết hợp bởi các hóa chất khác nhau, thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Bệnh nhân có thể gặp những tác dụng phụ khác nhau, phần lớn các tác dụng phụ sẽ hết khi kết thúc liệu trình hóa trị.

Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp điều trị nhắm trúng đích

Điều trị nhắm trúng đích là phương pháp điều trị tập trung vào các gen gây ung thư, proteins hoặc môi trường nuôi dưỡng ung thư. Phương pháp này giúp ngăn chặn sự phát triển và di căn của tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác.

Các phương pháp điều trị đích khác nhau sẽ được chỉ định cho các loại ung thư khác nhau. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm đột biến gen hoặc proteins, bác sĩ  sẽ chỉ định liệu pháp điều trị đích phù hợp với bệnh nhân.

Điều trị ung thư dạ dày bằng liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch phương pháp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại ung thư. Chế phẩm miễn dịch có thể là sinh học hoặc tổng hợp, được dùng để phục hồi và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *