Phần 1 – Các phương án điều trị Ung thư Phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn bệnh

Lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ NSCLC (Non Small Cell Lung Cancer) (kể từ đây được gọi tắt là ung thư phổi trong khuôn khổ bài viết này) được quyết định chủ yếu căn cứ vào giai đoạn ung thư. Tuy nhiên, các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, chức năng phổi cũng như các đặc điểm riêng của loại ung thư…cũng là các yếu tố quan trọng để bác sỹ đưa ra lựa chọn về phác đồ điều trị.

Nếu bệnh nhân hút thuốc, một trong những việc quan trọng bệnh nhân cần chuẩn bị trước điều trị là bỏ thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bỏ thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư phổi có xu hướng tiếp nhận điều trị thành công hơn những bệnh nhân không bỏ thuốc.

Điều trị ung thư phổi ẩn
Ở bệnh nhân ung thư phổi ẩn, tế bào ác tính (ung thư) được tìm thấy trong xét nghiệm đờm nhưng không thấy khối u nào trên nội soi phế quản hoặc chẩn đoán hình ảnh, thường là ung thư ở giai đoạn rất sớm. Bệnh nhân nên làm nội soi phế quản và các xét nghiệm/thăm khám khác sau vài tháng để xem có khối u không. Nếu thấy có khối u, phác đồ điều trị sẽ được xây dựng dựa vào giai đoạn ung thư.

Điều trị ung thư phổi giai đoạn 0
Do ung thư phổi giai đoạn 0 chỉ giới hạn ở nội mạc đường thở, chưa xâm lấn vào mô phổi và các cơ quan khác, thông thường bệnh nhân có thể được điều trị khỏi chỉ bằng phẫu thuật, không cần điều trị bổ trợ như hóa trị hoặc xạ trị.

Nếu thể trạng phù hợp để phẫu thuật, bệnh nhân thường được phẫu thuật cắt nêm hoặc cắt đoạn (cắt bỏ một phần thùy phổi). Ung thư tại một số vị trí (như khí quản chia nhánh vào phế quản) có thể được phẫu thuật tạo hình phế quản; một số trường hợp phẫu thuật không thể loại bỏ được hoàn toàn khối u mà không cắt thùy hoặc thậm chí toàn bộ lá phổi.

Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 0 cũng có thể được điều trị bằng các phác đồ khác như liệu pháp quang động (PDT), laser trị liệu hoặc xạ trị áp sát thay thế cho phẫu thuật. Nếu chẩn đoán chính xác là giai đoạn 0, bệnh nhân có thể được điều trị khỏi bệnh bằng các phương pháp này.

Điều trị ung thư phổi giai đoạn I
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn I có thể chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi, cắt đoạn, cắt nêm hoặc tạo hình phế quản. Phẫu thuật cũng cắt bỏ ít nhất vài hạch ở phổi hoặc khoang giữa 2 phổi để xét nghiệm xem có phải hạch di căn không.

Bác sỹ thường lựa chọn phẫu thuật cắt đoạn hoặc cắt nêm để điều trị ung thư phổi giai đoạn I ở những bệnh nhân có khối u nhỏ và tình trạng sức khỏe chung không phù hợp để cắt thùy. Tuy nhiên, nếu điều kiện sức khỏe của bệnh nhân cho phép, phần lớn bác sỹ sẽ lựa chọn phẫu thuật cắt thùy phổi vì phương án này có khả năng điều trị khỏi bệnh cao hơn.

Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn I có nguy cơ tái phát cao hơn (do kích thước, vị trí trí khối u hoặc các yếu tố khác), hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật có khả năng làm giảm nguy cơ tái phát. Bác sỹ có thể chỉ định một số xét nghiệm gene để đánh giá nguy cơ ung thư tái phát và quyết định bệnh nhân có cần hóa trị bổ trợ không.

Sau khi phẫu thuật, phần mô phổi bị cắt bỏ sẽ được xét nghiệm để xem có tế bào ung thư ở diện cắt không (gọi là bờ phẫu thuật dương tính). Bờ phẫu thuật dương tính nghĩa là tế bào ung thư có thể còn sót lại, bác sỹ có thể cần tái phẫu thuật để đảm bảo toàn bộ khối u đã được cắt bỏ. Bác sỹ cũng có thể lựa chọn hóa trị bổ trợ hoặc xạ trị sau phẫu thuật cho những trường hợp này.

Bệnh nhân có tình trạng sức khỏe không phù hợp phẫu thuật có thể sử dụng xạ phẫu định vị thân SBRT (hoặc các phương pháp xạ trị khác) là phương pháp điều trị chính. Đốt sóng cao tần có thể được chỉ định để điều trị khối u nhỏ ở vị trí rìa phổi.

Điều trị ung thư phổi giai đoạn II
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II và đủ sức khỏe để phẫu thuật thường sẽ được phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc tạo hình phế quản, một số trường hợp cần phải cắt cả lá phổi.

Các hạch bạch huyết nghi ngờ bị ung thư cũng được lấy bỏ trong quá trình phẫu thuật. Cắt bỏ các hạch bạch huyết lân cận có vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch điều trị bổ trợ kể cả khi diện cắt khối u có hoặc không có tế bào ung thư.

Sau khi phẫu thuật, phần mô phổi bị cắt bỏ sẽ được xét nghiệm xem có tế bào ung thư ở diện cắt không. Diện cắt có tế bào ung thư nghĩa là tế bào ung thư có thể còn sót lại, bác sỹ có thể cần tái phẫu thuật để lấy bỏ toàn bộ tế bào ung thư tồn dư. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể cần hóa trị bổ trợ & duy trì bằng liệu pháp miễn dịch với thuốc Atezolimumab trong 1 năm. Lựa chọn điều trị bổ trợ khác có thể là xạ trị, có hoặc không kết hợp với hóa trị.

Kể cả khi diện cắt không còn tế bào ung thư, sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn nên được dùng hóa trị bổ trợ để phá hủy hết các tế bào ung thư tồn dư. Với ung thư phổi giai đoạn I, các xét nghiệm mới có thể hỗ trợ bác sỹ đánh giá bệnh nhân nào cần hay bệnh nhân nào ít phù hợp với điều trị bổ trợ.

Bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gene EGFR có thể được điều trị bổ trợ với thuốc nhắm trúng đích Osimertinib vào thời điểm thích hợp.

Bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật có thể sử dụng xạ trị là liệu pháp điều trị chính.

Nguồn: Cancer.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *