Niềm hy vọng cho bệnh nhân Ung thư Tụy: Vắc-xin mRNA điều trị Ung thư Tụy

Tóm tắt

–  Vắc xin mRNA cá thể hóa chống lại ung thư tụy tạo ra phản ứng miễn dịch kháng u ở một nửa số người tham gia thử nghiệm quy mô nhỏ.

– Thử nghiệm ở quy mô lớn hơn sẽ sớm được triển khai; đồng thời tiếp cận tiềm năng điều trị các bệnh ung thư khác có tỷ lệ tử vong cao.

Hình minh họa: Ung thư tụy

Ung thư biểu mô tụy (PDAC) là loại ung thư tụy phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bất chấp các phương pháp trị liệu hiện đại, chỉ khoảng 12% bệnh nhân ung thư tụy có thời gian sống trên 5 năm sau điều trị.

Liệu pháp miễn dịch – là phương pháp dùng thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch kháng lại khối u – đã & đang là cuộc cách mạng về trị liệu đối với nhiều loại khối u. Nhưng cho đến nay, liệu pháp này vẫn không có hiêu quả đối với ung thư biểu mô tụy. Và liệu tế bào ung thư tụy có sản sinh các neoantigens – protein mà hệ miễn dịch có thể nhắm trúng – là câu hỏi chưa thể xác định được.

Đội ngũ nghiên cứu do Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa kỳ tài trợ dẫn đầu bởi BS Vinod Balachandran tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering đã phát triển một loại vắc xin mRNA được cá thể hóa để điều trị ung thư. Vắc xin này được thiết kế để hỗ trợ hệ miễn dịch nhận diện các neoantigen đặc thù có ở tế bào ung thư tụy. Kết quả của cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ đã được xuất bản ở tạp chí Nature ngày 10/5/2023.

Bệnh phẩm từ khối u tụy bị cắt bỏ từ 19 bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã được gửi đến BioNTech (công ty sản xuất vắc xin mRNA cho COVID-19). BioNTech xét nghiệm giải trình tự gene trên khối u để tìm ra các protein có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch và sử dụng các thông tin này để tạo ra một vắc xin mRNA riêng biệt cho bệnh nhân đó. Mỗi vắc xin nhắm tới 20 neoantigen.

Vắc xin được chế tạo thành công cho 18 trong số 19 bệnh nhân tham gia thử nghiệm. Quy trình chế tạo vắc xin cá thể hóa này diễn ra tròn khoảng 9 tuần kể từ khi phẫu thuật.

Tất cả bệnh nhân đều được dùng thuốc atezolizumab trước khi tiêm vắc xin. Thuốc này, được gọi là thuốc ức chế điểm miễn dịch, ngăn không cho tế bào ung thư ẩn nấp khỏi hệ miễn dịch. Sau đó bệnh nhân được tiêm 9 liều vắc xin trong khoảng thời gian vài tháng. Sau 8 liều vắc xin, bệnh nhân được điều trị hóa chất phác đồ tiêu chuẩn cho ung thư biểu mô tụy trước khi tiêm liều 9 nhắc lại.

16 bệnh nhân duy trì sức khỏe ổn định đủ để nhận vài liều vắc xin. Ở một nửa số bệnh nhân này vắc xin đã kích hoạt tế bào miễn dịch mạnh, được gọi là tế bào T, có khả năng nhận diện tế bào ung thư tụy ở bệnh nhân. Đội ngũ nghiên cứu cùng với phòng thí nghiệm của BS Benjamin Greenbaum thuộc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering đã phát triển một phần mềm mới để theo dõi các tế bào T sinh ra sau khi tiêm vắc xin. Kết quả phân tích cho thấy tế bào T có khả năng nhận diện các neoantigen không có trong máu trước khi tiêm vắc xin. Một nửa trong số 8 bệnh nhân với phản ứng miễn dịch mạnh có tế  bào T nhắm tới hơn một neoantigen.

Một năm rưỡi sau khi điều trị, chưa thấy dấu hiệu ung thư tái phát ở bất kỳ bệnh nhân nào có phản ứng tế bào T mạnh. Ngược lại, ở những bệnh nhân hệ miễn dịch không đáp ứng vắc xin bệnh tái phát trong thời gian trung bình hơn 1 năm. Ở một bệnh nhân với phản ứng mạnh, tế bào T loại bỏ khối u nhỏ di căn tới gan. Kết quả này gợi ý tế bào T do vắc xin tạo ra có thể kiểm soát ung thư tụy.

BS Balachandran cho biết” “Chúng tôi rất phấn khởi khi nhận thấy vắc xin cá thể hóa có thể hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư tụy – là bệnh ung thư đang cấp thiết cần có các phương pháp trị liệu tốt hơn so với hiện tại. Kết quả này cũng khuyến khích chúng tôi nghiên cứu thêm về sử dụng vắc xin cá thể hóa để điều trị các bệnh ung thư gây tử vong cao khác”.

Còn rất nhiều việc phải làm để hiểu được lý do nửa số người tham gia thử nghiệm không có đáp ứng miễn dịch mạnh đối với vắc xin được bào chế riêng cho họ. Các nhà nghiên cứ hiện đang lên kế hoạch cho một cuộc thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn hơn.

Nguồn: NIH.GOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *