Những thông tin cần biết về phẫu thuật cắt lách

 

 

Lách là cơ quan nằm dưới khung sườn trái, có chức năng chống nhiễm khuẩn và lọc bỏ các tế bào máu chết và bệnh trong máu.

1/ Khi nào cần phẫu thuật cắt lách?

Phẫu thuật cắt lách được chỉ định điều trị nhiều tình trạng bệnh khác nhau như:

–       Vỡ lách: Do lách to (phì đại) hoặc chấn thương ổ bụng dẫn đến chảy máu trong, có nguy cơ tử vong cao.

–       Tình trạng rối loạn máu: Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát, đa hồng cầu vô căn hoặc bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh (thalassemia) … trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.

–       Ung thư: Lơ-xê-mi (ung thư bạch cầu) tăng lympho bào, lơ-xê-mi tế bào tóc, u lympho (ung thư hạch bạch huyết) Hodgkin và u lympho không Hodgkin

–       Nhiễm trùng: Nhiễm trùng lách nặng hoặc áp xe lách khi bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.

–       Nang hoặc u: Nang & u lách lành tính khi phát triển quá lớn.

–       Chẩn đoán: Trong một số trường hợp lách to không rõ nguyên nhân, bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật cắt lách để chẩn đoán nguyên nhân.

2/ Phẫu thuật cắt lách

Căn cứ vào tình hình của từng bệnh nhân, bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng ca bệnh, bao gồm:

–       Áp lạnh: Điều trị khối u nhỏ di căn từ các cơ quan bị ung thư khác (như thận, phổi…) đặc biệt là cho những bệnh nhân có tình trạng không phù hợp để phẫu thuật.

–       Phẫu thuật mở: Bác sỹ rạch một đường dài qua ổ bụng và thao tác phẫu thuật qua vết rạch này. Bệnh nhân bị vỡ lách có chỉ định mổ mở, phương pháp này cho phép bác sỹ thao tác linh hoạt và dễ dàng. Tuy nhiên, do vết mổ lớn và thời gian mổ dài, bệnh nhân bị chảy máu nhiều hơn và có thời gian hồi phục sau mổ lâu hơn.

–       Phẫu thuật nội soi: Bác sỹ thực hiện vài nốt rạch nhỏ để đưa camera và dụng cụ phẫu thuật vào trong ổ bụng. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, bệnh nhân ít chảy máu và hồi phục sau mổ sớm hơn. Ở phương pháp này, phạm vi cử động của dụng cụ bị hạn chế khiến cho bác sỹ không thao tác được ở những góc hẹp.

–       Phẫu thuật robot: Là phương pháp xâm lấn tối thiểu giống như nội soi, phẫu thuật robot được thực hiện qua các vết rạch nhỏ để đưa camera và dụng cụ vào ổ bụng. Tuy nhiên bác sỹ, thay vì dùng tay điều khiển dụng cụ, sẽ ngồi tại bàn và dùng nút điều khiển cánh tay robot để thao tác mổ. Bàn điều khiển giúp bác sỹ quan sát được hình ảnh 3 chiều trong ổ bụng, có thể phóng đại hình ảnh làm tăng khả năng quan sát các cơ quan bên trong cơ thể. So với phương pháp phẫu thuật truyền thống, cánh tay robot cho phép bác sỹ thao tác linh hoạt và chính xác ở phạm vi rộng hơn tới các góc hẹp, hạn chế tình trạng chảy máu & đau sau phẫu thuật giúp cho bệnh nhân phục hồi và trở lại sinh hoạt làm việc sớm hơn. Hơn thế nữa, do vết mổ nhỏ, các vết sẹo cũng nhỏ đến mức khó nhận biết, thậm chí một số ca mổ không để lại sẹo.

3/ Nguy cơ của phẫu thuật cắt lách

Ngoài các nguy cơ trong khi phẫu thuật giống bất kể bệnh nào khác, bệnh nhân sau cắt lách có thể gặp nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. Bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng vắc-xin phòng các bệnh viêm phổi, influenza, Haemophilus influenzae type b (Hib) và viêm màng não.

4/ Chuẩn bị trước ca phẫu thuật cắt lách

Để giúp cho ca mổ được thực hiện an toàn và thuận lợi, bệnh nhân cần khai báo trung thực với bác sỹ hoặc nhân viên y tế các thông tin về:

–       Tiền sử bệnh & dị ứng

–       Các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng

–       Uống rượu hoặc hút thuốc

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên thực hiện lối sống tích cực để duy trì thể lực tốt: tập thể dục đều đặn, chế độ ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng, bỏ rượu và thuốc lá…

5/ Phục hồi sau phẫu thuật cắt lách

Bệnh nhân phẫu thuật cắt lách thường nằm viện từ 3-5 ngày sau mổ. Bác sỹ và nhân viên y tế sẽ chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp để có thể hồi phục và quay lại công việc trong thời gian sớm nhất. Phần lớn bệnh nhân có thể quay lại cường độ sinh hoạt và làm việc bình thường 2 tuần sau phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (mổ nội soi & robot) và 6 tuần sau ca mổ mở.

Sau khi cắt lách, các cơ quan khác sẽ làm bù phần lớn chức năng của lách. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng đặc biệt là ngay sau phẫu thuật. Bệnh nhân sau cắt lách nếu gặp các triệu chứng sau đây cần thông báo ngay cho bác sỹ/nhân viên y tế về tiền sử cắt lách:

–       Sốt cao > 38oC.

–       Đốm, vết cứng đỏ xuất hiện bất kể ở vùng nào của cơ thể.

–       Đau họng.

–       Rét run

–       Cảm lạnh lâu khỏi.

Nguồn: mayoclinic.org

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *