Nhiễm trùng đường tiết niệu

Có tới 40% nữ giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) tại thời điểm nào đó trong đời

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng tại bất kỳ bộ phận nào thuộc đường tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu quản & niệu đạo. Bệnh có nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập vào & sinh sôi trong đường tiết niệu. Đa phần việc nhiễm trùng sẽ xảy ra ở bàng quang & niệu đạo.

Người thuộc các nhóm dưới đây có nguy cơ mắc bệnh UTI cao hơn:

  • Phụ nữ, đặc biệt là sau mãn kinh
  • Người bị sỏi thận
  • Người hoạt động tình dục mạnh
  • Người đặt ống thông niệu quản
  • Người có bệnh nền có thể gây biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, như tiểu đường…
  • Người đã phẫu thuật đường tiết niệu

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu

Không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng bị bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Buồn tiểu, cảm giác khó nhịn tiểu
  • Tiểu rát, tiểu buốt
  • Tiểu thường xuyên nhưng chỉ có ít nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu đỏ hồng- dấu hiệu của máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi gắt
  • Đau vùng bụng dưới (ở phụ nữ), đặc biệt là ở giữa khung chậu & gần xương mu
  • Sốt

Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm nước tiểu tìm vi khuẩn.

  • Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm để tìm tế bào hồng cầu, bạch cầu & vi khuẩn trong nước tiểu.
  • Cấy nước tiểu: Xét nghiệm để tìm ra loại vi khuẩn có trong nước tiểu để bác sỹ kê đơn kháng sinh phù hợp.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như siêu âm, soi bàng quang hoặc chụp cắt lớp CT-Scan để loại trừ các nguyên nhân khác gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu lặp lại nhiều lần có thể cần thực hiện các thăm khám khác để bác sĩ có thêm thông tin chẩn đoán và điều trị

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị. Bệnh nhân cần dùng hết liều kháng sinh theo đơn, kể cả khi hết hoặc giảm triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau & yêu cầu bệnh nhân uống nhiều nước để giảm triệu chứng. Do người cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu có tỷ lệ tử vong khá cao, người bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt. Thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đi tiểu ngay khi thấy buồn tiểu
  • Uống nhiều nước
  • Tránh thụt rửa âm đạo, hoặc xịt dung dịch vệ sinh phụ nữ
  • Tránh dùng đồ uống kích thích bàng quang

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *