Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) là nhiễm trùng xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào của hệ tiết niệu (hệ tiết niệu gồm: hai thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo). Hầu hết các nhiễm trùng đều liên quan đến đường tiết niệu dưới – bàng quang và niệu đạo. Nữ giới có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn nam giới. Khoảng 40% nữ giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong đời. Tình trạng này không phổ biến ở trẻ em trai và nam thanh niên.

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không có các dấu hiệu và triệu chứng, tuy nhiên khi các triệu chứng này xuất hiện thì chúng có thể bao gồm:

  • Đi tiểu mạnh và liên tục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên, lượng nước tiểu ít
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu hơi hồng – dấu hiệu có máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu nặng mùi
  • Đau vùng chậu (ở nữ giới) – đặc biệt là ở trung tâm của vùng chậu và xung quang khu vực xương mu.

Những yếu tố rủi ro của viêm đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra phổ biến ở nữ giới và nhiều phụ nữ trải qua nhiều hơn một lần trong đời. Các yếu tố rủi ro cụ thể khiến phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

  • Giải phẫu ở Nữ giới: Chiều dài niệu đạo ở nữ giới ngắn hơn của nam giới, điều này rút ngắn khoảng cách vi khuẩn phải di chuyển để đến bàng quang.
  • Hoạt động tình dục: Phụ nữ có quan hệ tình dục hoặc có bạn tình mới sẽ gia tang rủi ro nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Các biện pháp tránh thai: Phụ nữ sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng có thể có nguy cơ cao hơn.
  • Mãn kinh: Sau khi mãn kinh, suy giảm tuần hoàn estrogen gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu và giảm khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Vừa mới tiến hành một thủ thuật tiết niệu: Phẫu thuật tiết niệu hoặc khám đường tiết niệu có sử dụng dụng cụ y tế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể do những bất thường của đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi thận hoặc phì đại tiền liệt tuyến khiến nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra có sự xuất hiện của tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu. Số lượng tế bào bạch cầu và hồng cầu được tìm thấy trong nước tiểu của bạn có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm cấy nước tiểu: Đây là xét nghiệm được sử dụng để xác định loại vi khuẩn có trong nước tiểu. Đây là một xét nghiệm quan trọng vì nó giúp xác định loại kháng sinh điều trị.
  • Những trường hợp bị nhiễm trùng nhiều lần có thể cần làm thêm các xét nghiệm như siêu âm, soi bàng quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan)

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Các trường hợp nhẹ có thể thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, do nguy cơ nhiễm trùng lan đến thận nên các thuốc kháng sinh thường được khuyên dùng. Điều trị kịp thời được khuyến nghị cho người cao tuổi do tỷ lệ tử vong cao ở nhóm này.

Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

1. Vì nguồn vi khuẩn thường đến từ đường ruột của chính mình, nên khi đại tiện bạn hãy lau từ phía trước ra phía sau để tránh phân làm nhiễm trùng đường tiết niệu (đặc biệt là trong giai đoạn tiêu chảy) sau khi đi vệ sinh.

2. Tránh các chất khử mùi âm đạo và sữa tắm bồn tạo bọt, duy trì tiêu chẩn cao trong việc vệ sinh cá nhân. Điều này bao gồm việc rửa vùng sinh dục bằng nước trong khi tắm và đặc biệt là sau khi giao hợp. Đi tiểu ngay sau khi giao hợp cũng được khuyến khích.

3. Bất kỳ nhiễm trùng âm đạo/đường sinh dục dưới nào cũng cần được điều trị. Nếu không, nhiễm trùng có thể lây lan sang đường tiết niệu.

4. Với những người khỏe mạnh được khuyến cáo uống tối thiểu 2 lít chất lỏng 1 ngày (uống nhiều hơn khi tập thể dục cường độ cao hoặc những ngày nắng nóng)

5. Nên đi tiểu để làm sạch bàng quang thường xuyên để ngăn ngừa sự tích tụ nước tiểu bị nhiễm trùng trong bàng quang.

Nguồn: RafflesMedicalGroup

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *