Nhận biết triệu chứng và điều trị bệnh Lao

Bệnh Lao có thể chữa khỏi được, nhưng những nỗ lực hiện nay để tìm, chẩn đoán và điều trị những người bị mắc bệnh Lao là chưa đủ. Bệnh Lao phổi thường gặp ở những người có kinh tế thu nhập không ổn định, gia đình đông con, sống nơi thành thị đông đúc chật hẹp…

Triệu chứng Lao phổi

Ho, ho ra máu: Ho là triệu chứng phổ biến của mọi bệnh phổi cấp hoặc mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi,..Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi,… dùng thuốc kháng sinh không giảm ho thì có thể là do lao phổi. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp nên những người có triệu chứng ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.

Khạc đờm: Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì mọi bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do Lao phổi.

Gầy, sút cân: Gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS,..có các triệu chứng ho, khạc đờm có thể đã mắc Lao phổi.

Sốt, ra mồ hôi: Sốt là triệu chứng hay gặp ở người Lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như: chán ăn, mệt mỏi.

Các hình ảnh X-quang của Lao phổi có thể gặp:

– Thâm nhiễm là những nốt mờ ở một phân thùy, đôi khi cả một thùy phổi, thường khu trú ở các đỉnh phổi;

– Tổn thương hang;

– Dạng nốt với bờ không rõ của lao;

– Tràn dịch màng phổi;

– Phì đại các hạch rốn phổi ở một hay hai bên;

– Lao kê với các hạt đường kính 1 – 2mm ở khắp các mô của cơ thể.

Chẩn đoán Lao phổi

Chẩn đoán Lao phổi thường dựa vào 3 yếu tố:

Nguồn lây: Rất quan trọng đối với trẻ em, người lớn ít hơn.

Lâm sàng: Hội chứng nhiễm lao thường có khuynh hướng kéo dài vì bản chất của lao là mạn tính.

Cận lâm sàng:

Thử đàm tìm vi khuẩn Lao: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán Lao, nhưng thường âm tính, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh Lao, hoặc đôi khi bệnh nhân đã vô tình sử dụng các thuốc ảnh hưởng lên vi khuẩn lao nên việc tìm trực khuẩn Lao ở đàm là rất khó. Một vấn đề lớn nữa trong chẩn đoán Lao là khó khăn trong việc nuôi cấy loại vi khuẩn mọc chậm này ở phòng thí nghiệm (4 – 12 tuần cho cấy máu hay cấy mủ).

Khi đó chẩn đoán có thể dựa vào chụp X-quang phổi và thử phản ứng da với Lao tố, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn không thể kết luận một cách chắc chắn.

Phản ứng khuếch đại gien: Nhanh, nhạy và đặc hiệu để phát hiện DNA của trực khuẩn Lao, trong trường hợp không tìm thấy trực khuẩn lao ở các mẫu đàm.

Điều trị Lao phổi

Những năm gần đây nổi lên vấn đề Lao kháng nhiều thuốc. Có thể là: kháng thuốc tự nhiên, hoặc kháng thuốc ở những bệnh nhân đã được điều trị trước đó hay chưa được điều trị. Vấn đề này rất nguy hiểm, làm cho việc chữa khỏi bệnh Lao trở nên hết sức khó khăn.

Có 2 quan điểm trong điều trị bệnh Lao phổi:

Đối với thầy thuốc chuyên khoa lao: Các trường hợp lao phổi xét nghiệm trực khuẩn lao là dương tính, bệnh nhân được quản lý và điều trị theo chương trình chống Lao; còn các trường hợp xét nghiệm âm tính thì quản lý và điều trị theo một tỉ lệ quy định bởi chương trình chống Lao.

Đối với thầy thuốc không phải chuyên khoa Lao: Điều trị cho từng trường hợp lâm sàng, nếu có đủ các yếu tố chẩn đoán Lao phổi (bao gồm nguồn lây, bệnh kéo dài, tổn thương X-quang phù hợp với lao phổi) thì việc điều trị phải tuân thủ chương trình chống lao chung.

Phòng bệnh dựa vào các chương trình tầm soát và tiêm chủng:

– Tiêm chủng với vắc-xin BCG là chủ yếu.

– Lây truyền bệnh lao chỉ xảy ra từ người mắc bệnh lao hoạt động. Có thể ngăn chặn lây bệnh bằng cách ly những người này và bắt đầu điều trị lao hiệu quả (sau 2 tuần, người bị Lao hoạt động nói chung nếu không kháng thuốc sẽ hết khả năng lây nhiễm).

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *