Chế độ ăn tăng mỡ, giảm rau, ít vận động… làm tăng tỷ lệ bệnh tiểu đường tại Việt Nam, theo bác sĩ Tng Eng Loon, chuyên khoa nội tiết, tiểu đường Bệnh viện Raffles Singapore.
Tham dự Hội nghị Khoa học về Bệnh Nội tiết – Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa tại Đà Nẵng, ngày 20/7, bác sĩ Tng Eng Loon, chuyên khoa nội tiết, tiểu đường Bệnh viện Raffles Singapore, có những phân tích chi tiết về nguyên nhân gây ra các căn bệnh trên. Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Tng Eng Loon cho biết có nhiều nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng do ảnh hưởng từ đô thị hóa, mức sống cải thiện khiến nhiều người có thói quen sống kém lành mạnh, chế độ ăn tăng mỡ, giảm rau, ít vận động…
– Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tại Việt Nam hiện nay ra sao?
– Theo dữ liệu của Liên đoàn Bệnh Đái tháo đường Quốc tế (IDF), từ 2011-2021, số người trưởng thành ở Việt Nam mắc bệnh tiểu đường đã tăng từ 1,7 triệu lên 4 triệu người. Trong đó, 51,5% không thể nhận biết bệnh qua các triệu chứng. Khảo sát nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEP) của Việt Nam năm 2021 cho thấy 7,9% nam giới và 6,1% phụ nữ Việt Nam trưởng thành mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ mắc bệnh tại thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch, lần lượt là 9% và 5,8%.
Theo WHO, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư ở Việt Nam vào năm 2021 với khoảng 57.000 ca. Năm 2011, con số này là 28.000. Ngoài ra, đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh thận cũng là những biến chứng của bệnh tiểu đường. Cả ba bệnh trên lần lượt là nguyên nhân gây tử vong cao nhất, nhì và thứ 8 tại Việt Nam vào năm 2021. Tổng chi tiêu y tế liên quan đến bệnh tiểu đường của Việt Nam năm 2021 là 1.670 triệu USD (hơn 42.300 tỷ đồng).
– Theo bác sĩ, lý do bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến ở Việt Nam là gì?
– Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua, dẫn đến tình trạng ít hoạt động của người dân, là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh tiểu đường trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, lối sống thành thị với sự tự động hóa, giảm thiểu việc vận động, lao động chân tay… cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Khảo sát của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy 70% người trưởng thành không tham gia các hoạt động thể chất mạnh. Nhân viên văn phòng chỉ đi bộ trung bình 600 bước mỗi ngày. Xu hướng này thể hiện rõ qua tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn.
Thói quen ăn uống của người Việt cũng trở nên kém lành mạnh hơn trong những năm gần đây. Chế độ ăn truyền thống của nước bạn thường ít chất béo và nhiều rau. Tuy nhiên do sự du nhập văn hóa phương Tây và nhiều lý do khác, người Việt Nam tiêu thụ nhiều chất béo và ít rau hơn trong chế độ ăn uống.
Từ năm 1985-2010, mức tiêu thụ thịt và gia cầm trung bình của người Việt tăng từ 11 lên 84 gram bình quân đầu người mỗi ngày. Ngược lại, mức tiêu thụ rau trung bình đã giảm từ 214 gram xuống còn 190 gram.
Ít hoạt động thể chất và tiêu thụ nhiều chất béo dẫn đến gia tăng các trường hợp thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Các lý do khác dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao còn có tiêu thụ nhiều muối, đường, tăng số lượng người hút thuốc, thói quen ngủ kém, ít và già hóa dân số…
– Bệnh tiểu đường giữa nam và nữ có điểm gì giống và khác nhau?
– Tiểu đường phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới. Ước tính toàn cầu có 17,7 triệu nam giới mắc bệnh tiểu đường. Điều này cũng thể hiện rõ trong khảo sát STEPs tại Việt Nam. Đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở độ tuổi trẻ hơn và có cân nặng thấp hơn phụ nữ.
Những khác biệt này có thể do tình trạng kháng insulin nhiều hơn và lượng mỡ bụng cao hơn ở nam giới. Ngoài ra, nồng độ testosterone ở nam giới cao hơn cũng là một trong những yếu tố. Với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thường đến từ bệnh tim mạch. Họ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với nam giới mắc bệnh tiểu đường.
– Theo bác sĩ, những ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
– Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thường đến từ di truyền. Những gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em tiền sử mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, tuổi càng cao hay thừa cân, béo phì cũng sẽ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Với thai phụ, người có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ sẽ có 50% tỷ lệ mắc bệnh này sau sinh. Những người mắc hội chứng chuyển hóa hay buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Cuối cùng là nhóm có lối sống không lành mạnh, ít vận động, tiêu thụ nhiều chất béo, muối và đường trong chế độ ăn uống, hút thuốc lá và thói quen ngủ kém.
– Các triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?
– Bệnh nhân có tình trạng đi tiểu thường xuyên, khát nước quá mức, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, mờ mắt, tê tay chân, vết thương chậm lành, thường xuyên bị nhiễm trùng và ngứa da.
– Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng nào?
– Bệnh tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu lớn trong cơ thể, dễ gây đột quỵ hay bệnh tim thiếu máu cục bộ và hoại tử ở chân. Bệnh này còn làm tổn thương các mạch máu nhỏ và dây thần kinh ở mắt, thận và các chi, là nguy cơ dẫn đến mù lòa, suy thận, tê tay chân… Những người mắc bệnh này cũng sẽ tăng nguy cơ bị Alzheimer và các bệnh về nướu.
– Làm thế nào để sàng lọc bệnh tiểu đường?
– Bệnh nhân có thể được sàng lọc bằng xét nghiệm máu và nên tiếp nhận chẩn đoán nếu có các dấu hiệu bất thường. Cụ thể, mức đường huyết lúc đói cao hơn 7 mmol/L (126 mg/dl) trong hai lần xét nghiệm riêng biệt. Mức đường huyết ngẫu nhiên vượt 11,1 mmol/L (200 mg/dl) ở người có triệu chứng bệnh tiểu đường.
Huyết sắc tố A1c (HbA1c) trên 6,5% trong hai lần riêng biệt và lượng đường trong máu trên 11,1 mmol/L (200 mg/dl) sau xét nghiệm dung nạp glucose đường uống cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh đái tháo đường.
– Có những cách nào giúp phát hiện sớm các biến chứng của bệnh tiểu đường?
– Biến chứng liên quan đến thị lực của bệnh tiểu đường có thể phát hiện thông qua những buổi khám mắt hoặc chụp ảnh võng mạc. Nếu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh, bạn nên thực hiện kiểm tra ít nhất mỗi năm một lần.
Biến chứng thận của bệnh tiểu đường thường phát hiện qua các xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận. Xét nghiệm nước tiểu cũng giúp phát hiện protein trong chất lỏng, cũng là một cách nhận diện tiểu đường đang dần biến chứng.
Về dấu hiệu ngoài da, bệnh nhân có thể quan sát qua bàn chân, đi khám hoặc chụp cắt lớp chân để đánh giá mức độ lưu thông máu. Với các biến chứng ở tim, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để đo điện tâm đồ hoặc chụp động mạch vành.
– Theo bác sĩ, bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa bằng những cách nào?
– Bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa bằng chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Đồng thời, bạn cũng nên tránh thêm đường tinh luyện và chất béo không lành mạnh khi nấu nướng.
Mô hình “đĩa thức ăn lành mạnh” là một gợi ý nếu bạn muốn có chế độ ăn uống cân bằng. Một nửa đĩa nên gồm rau và trái cây, một phần tư là các loại carbohydrate lành mạnh như gạo lứt, bánh mì nguyên cám hoặc mì làm từ gạo lứt. Một phần tư còn lại là các loại protein nạc từ cá, đậu phụ, trứng, hoặc thịt…
Về chế độ sinh hoạt, vận động, mỗi người nên tập thể dục cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Trong tuần nên có 1-2 ngày rèn luyện với cường độ mạnh. Chế độ này đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng, cho thấy hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Một số ví dụ về các bài tập cường độ vừa phải là đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, đi bộ đường dài và làm việc nhà.
Nếu có hút thuốc, nên cố gắng bỏ. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và tránh uống nhiều bia rượu cũng có giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
– Hiện những cách điều trị bệnh tiểu đường nào đang được áp dụng rộng rãi?
– Bệnh tiểu đường có thể điều trị đơn giản chỉ bằng việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc để giữ lượng đường trong máu ổn định ở mức an toàn. Các loại thuốc trị gồm thuốc viên và tiêm. Mỗi loại hoạt động theo cơ chế khác nhau, song đều chung mục đích giảm lượng đường trong máu.
Một số loại thuốc trị tiểu đường có thể ngăn ngừa tử vong, đau tim, suy tim, suy thận và giảm cân… Việc chọn thuốc phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường, tuổi tác, cân nặng, chức năng thận, bệnh nền và nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bệnh nhân.
Thy An
VNExpress.net
Bác sĩ Tng Eng Loon là chuyên gia về bệnh nội tiết. Bên cạnh công tác lâm sàng tại Trung tâm Nội tiết – Tiểu đường Raffles, ông là thành viên của Đại học Bác sĩ Hoàng gia Anh; Học viện Y khoa, khoa Nội tiết, Singapore; Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Singapore; Hiệp hội Nội tiết và Chuyển hóa Singapore; Hiệp hội Loãng xương.
Ông được đào tạo chuyên sâu, dày dặn kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng lipid máu, rối loạn tuyến giáp, loãng xương, các bệnh xương chuyển hóa, rối loạn tuyến thượng thận, rối loạn vùng dưới đồi – tuyến yên, rối loạn nội tiết tố nam và khối u thần kinh nội tiết…
Raffles Medical Group thành lập tại Singapore năm 1976, là một trong những tập đoàn y tế hàng đầu khu vực. Đơn vị cung cấp dịch chăm sóc sức khỏe toàn diện với Bệnh viện Raffles, hệ thống phòng khám đa khoa Raffles Medical tại 14 thành phố, thuộc 5 quốc gia châu Á gồm Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Việt Nam.
Tháng 10/2023, Raffles Medical Group tại Singapore hợp tác chiến lược cùng Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Mỹ Mỹ, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại TP HCM, cam kết thúc đẩy, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Việt và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.