Liệu pháp Tế bào CAR T trong điều trị Ung thư

 

 

Liệu pháp tế bào CAR T là một loại liệu pháp miễn dịch và đôi khi còn được gọi là một loại liệu pháp chuyển tế bào nuôi.

Liệu pháp tế bào CAR T là phương thức điều trị chuyên khoa sâu và phức tạp. Ở liệu pháp này, bác sỹ chuyên khoa thực hiện việc tách tế bào T từ máu của bệnh nhân, nuôi cấy và biến đổi đổi tế bào này trong phòng thí nghiệm. Sau vài tuần, tế bào T đã biến đổi được truyền lại vào mạch máu của bệnh nhân. Tế bào CAR T sẽ nhận diện và tấn công tế bào ung thư.

Liệu pháp này được sử dụng để điều trị một số trẻ em mắc bệnh bạch cầu ác tính và người lớn mắc u lympho. Việc sử dụng liệu pháp này điều trị các bệnh ung thư khác hiện đang được nghiên cứu hoặc trong giai đoạn thực nghiệm lâm sàng.

Tế bào T

Để hiểu hơn về liệu pháp tế bào CAR T, chúng ta cần hiểu vai trò của tế bào T.

Tế bào bạch cầu máu (lymphocytes) có vai trò quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng và bệnh tật (bao gồm cả ung thư). Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, trong đó có tế bào T.

Tế bào T di chuyển trong cơ thể, truy tìm và tiêu diệt các tế bào khiếm khuyết. Khi xuất hiện nhiễm trùng hoặc bệnh mới, tế bào T sẽ tiêu diệt bệnh/nhiễm trùng đó và ghi nhớ để cơ thể có thể tấn công ngay lập tức khi bị mắc lại nhiễm trùng.

Liệu pháp tế bào CAR T là gì?

Tế bào T có khả năng chống nhiễm khuẩn tốt nhưng khó phân biệt được tế bào ung thư với tế bào bình thường. Vì vậy tế bào ung thư có thể ẩn nấp và không nhận diện được. Các nhà khoa học đã nỗ lực để tìm ra cách giúp tế bào T nhận diện được tế bào ung thư, và một trong những các thức này chính là liệu pháp tế bào CAR T.

Cơ chế tác động của liệu pháp?

Nhân viên y tế sẽ tách tế bào T trong máu bệnh nhân, quá trình này được gọi là phân tách.

Tế bào T sẽ được thay đổi trong phòng thí nghiệm, còn được gọi là thay đổi cấu trúc gene tế bào T. Tế bào T sau khi thay đổi sẽ trở thành tế bào CAR T trong đó CAR là viết tắt của Chimeric Antigen Receptor (Thụ thể kháng nguyên khảm). Tế bào CAR T được thiết kế để nhận diện và nhắm tới một protein đặc thù có trên tế bào ung thư.

Các tế bào T được thay đổi gene và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, khi đạt được số lượng cần thiết sẽ được truyền trở lại vào mạch máu của bệnh nhân. Tế bào CAR T theo đó sẽ nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Tế bào CAR T được tạo ra trong phòng thí nghiệm có khả năng tồn tại lâu dài trong cơ thể bệnh nhân, nhận diện và tiêu diệt một số loại tế bào ung thư đặc thù. Các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để đánh giá khoảng thời gian tế bào CAR T có thể tồn tại trong cơ thể.

  
Sơ đồ cơ chế tác động của liệu pháp tế bào CAR T

Hiện tại có một số loại tế bào CAR T khác nhau của các hãng khác nhau, như:

  • Tisagenlecleucel (Kymriah) 

  • Axicabtagene ciloleucel (Yescarta)

  • Brexucabtagene autoleucel (Tecartus)

Bệnh nhân nào có chỉ định điều trị liệu pháp tế bào CAR T?

Theo hướng dẫn của Viện Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia (Vương quốc Anh) vào tháng 12/2018 và tháng 01/2019, liệu pháp Tế bào CAR T được dùng điều trị một số bệnh nhân nhi khoa bị bệnh bạch cầu ác tính và người lớn bị u lympho.

Trẻ em & Thanh niên

Liệu pháp tế bào CAR T được dùng điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính tế bào B (B cell ALL) cho bệnh nhân dưới 25 tuổi và cho các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân mới được chẩn đoán và không lui bệnh sau 2 chu kỳ điều trị;

  • Bệnh nhân bị tái phát sau điều trị ghép tế bào gốc;

  • Bệnh nhân bị tái phát 2 lần hoặc hơn;

  • Trẻ em và thanh niên bị bệnh bạch cầu ác tính đã điều trị lui bệnh, bị tái phát và hóa trị không có hiệu quả;

  • Bệnh nhân bị tái phát lần đầu nhưng không đủ điều kiện ghép tế bào gốc do sức khỏe yếu hoặc không có người hiến tủy.

Người lớn

Liệu pháp được chỉ định để điều trị các thể u lympho dưới đây:

  • U lympho tế bào B lớn lan toả.

  • U lympho tế bào B nguyên phát tại trung thất.

  • U lympho tế bào áo nang.

trong các trường hợp:

  • U lympho tế bào B lan tỏa hoặc nguyên phát tại trung thất tiếp tục tiến triển hoặc tái phát sau ít nhất 2 trị liệu;

  • U lympho tế bào áo nang tiến triển hoặc tái phát sau điều trị đích bằng thuốc ức chế tyrosine kinase Bruton (VD: Ibrutinib).

Nhìn chung, cho đến nay liệu pháp này chỉ được áp dụng cho số ít bệnh nhân cả người lớn & trẻ em và chỉ được thực hiện ở một số trung tâm y khoa chuyên biệt.

Quy trình thực hiện liệu pháp tế bào CAR T

Thu nhận tế bào T

Bệnh nhân được đặt đường truyền tĩnh mạch ở 2 cánh tay. Máu sẽ được rút ra từ 1 bên tay dẫn vào máy phân tách để tách các thành phần khác nhau trong máy. Đối với liệu pháp CAR T, máy sẽ chiết tách tế bào T, phần máu còn lại sẽ được truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay bên kia. Toàn bộ quy trình thu nhận tế bào T sẽ có thể lên tới 4-5 tiếng.

Tế bào T sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để làm giàu và biến đổi thành tế bào CAR T trong thời gian vài tuần. Khi đạt đủ số lượng cần thiết, tế bào CAR T được trữ đông.

Hóa trị

Bệnh nhân cần được điều trị hóa chất trước liệu pháp tế bào CAR T để làm giảm tế bào T nội thân và chuẩn bị để tiếp nhận tế bào CAR T. Quá trình này được gọi là diệt lympho. Bệnh nhân thường được hóa trị vài ngày trước khi truyền tế bào CAR T.

Truyền tế bào CAR T

Y tá (được đào tạo chuyên biệt cho liệu pháp này) rã đông tế bào CAR T tại phòng bệnh rồi truyền thuốc ức chế miễn dịch cho bệnh nhân giảm các phản ứng của cơ thể trước khi truyền tế bào CAR T vào mạch máu. Thời gian trị liệu sẽ mất gần 30 phút, bác sỹ và y tá sẽ theo dõi bệnh nhân trong và sau quá trình điều trị.

Nằm viện theo dõi

Bác sỹ và y tá theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân trong 2 tuần sau trị liệu tế bào CAR T.

Bệnh nhân có thể nằm viện, hoặc lưu trú ở khách sạn/nhà gần bệnh viện, hàng ngày đến khám tại khu điều trị trong ngày. Bác sỹ sẽ chỉ định điều trị nội trú trong trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng.

Bệnh nhân nên lưu trú gần bệnh viện (tối đa 1 tiếng lái xe) đến 28 ngày sau trị liệu CAR T.

Tác dụng phụ

Do đây là phương pháp trị liệu mới, các tác dụng phụ có thể chưa được biết đến toàn bộ. Tác dụng phụ chủ yếu gồm:

  • Phản ứng dị ứng (sốt, ớn lạnh, cảm giác yếu mệt & khó thở…). Y tá sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc giảm phản ứng trước khi điều trị. Bệnh nhân cần báo ngay cho y tá nếu thấy bất kể triệu chứng phản ứng nào để được theo dõi & xử lý kịp thời.

  • Hội chứng cytokine (sốt, chóng mặt do hạ huyết áp, khó thở…). Có thể xuất hiện sau vài tuần sau trị liệu, bác sỹ sẽ theo dõi chặt để điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể cần điều trị bằng kháng thể đơn dòng tocilizumab và điều trị hồi sức tích cực nếu bị nặng.

  • Ảnh hưởng đến não/thần kinh, còn gọi là ngộ độc thần kinh, gồm các triệu chứng như: đau đầu, thiếu tỉnh táo, cảm giác bối rối hoặc mất phương hướng, khó nói, cơn co giật…Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ, các triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi, triệu chứng nặng có thể cần điều trị.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể cần được điều trị bằng globulin miễn dịch, là những kháng thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

  • Tăng acid uric do hội chứng tiêu u. Bệnh nhân cần được xét nghiệm kiểm tra lượng acid uric để dùng thuốc giảm acid uric trong máu.

Nguồn tham khảo: Cancerresearchuk

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *