Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nam giới

Nhân ngày Tim mạch Thế giới 29/9, BS Tan Sian Tsung, Chuyên gia thuộc Trung tâm Tim mạch Raffles, đã tham gia cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí NS Man với chủ đề về sức khỏe tim mạch.

Trong bài phỏng vấn, BS Tan trao đổi về các nguyên nhân phổ biến của bệnh tim mạch cũng như các dấu hiệu cảnh báo và nhận biết sớm về nhồi máu cơ tim. Ông đồng thời chia sẻ về một số cách thông thường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

BS Tan là bác sỹ chuyên khoa tim mạch. Ông đặc biệt có kinh nghiệm phong phú về chẩn đoán & điều trị bệnh mạch vành ở Singapore, bao gồm cả nhồi máu cơ tim cấp tính và đau ngực mạn tính.

Xin mời độc giả theo dõi BS Tan trả lời một số câu hỏi thường găp liên quan đến bệnh tim mạch trong bài phỏng vấn dưới đây.

Với tình trạng nam giới có xu hướng bị bệnh tim nhiều hơn nữ giới, bài viết này nói về cách để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như cách để nhận biết triệu chứng và xử lý bệnh.

Theo Hội Tim mạch Singapore, mỗi ngày có tới 23 người tử vong do bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim & tai biến. Bệnh tim mạch được cho là nguyên nhân gây nên 31,4% ca tử vong ở Singapore trong năm 2022. Theo BS Tan Sian-Tsung, Chuyên gia Tim mạch tại Trung tâm Tim mạch Raffles, bệnh tim mạch hiển nhiên là mối nguy cơ & gây nguy hiểm cho cả 2 giới, tuy nhiên nam giới có nguy cơ cao hơn trong một số tình huống và có thể gặp các triệu chứng một cách bất ngờ với nhiều hậu quả hơn. Cũng theo BS Tan, nếu bạn quan tâm đến sức khỏe tim mạch, tốt nhất bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa tim mạch để được đánh giá & tư vấn. Mấu chốt là tập trung vào giải quyết các tác nhân nguy cơ, điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng nặng hơn của tình trạng bệnh.

Hỏi: Các bệnh tim mạch phổ biến nhất là gì?

BS Tan: Bệnh tim mạch thường gặp gồm:

  • Bệnh mạch vành: là tình trạng mạch máu của tim (mạch vành) bị hẹp hoặc tắc do các mảng xơ vữa gây nên, không cấp đủ máu mang ô xy & dưỡng chất cho tim. Quá trình này, còn được gọi là xơ vữa mạch, có thể gây cơn đau thắt ngực hoặc/và nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực là hiện tượng người bệnh cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực, cánh tay, cổ, dạ dày hoặc quai hàm khi việc cấp máu tới tim bị hạn chế. Nhồi máu cơ tim do việc cấp máu tới tim bị suy giảm hoặc dừng toàn bộ khiến cho mô cơ tim bị tổn thương.

  • Suy tim: là tình trạng tim không bơm đủ máu để duy trì chức năng cơ thể. Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân chủ yếu của suy tim.
  • Loạn nhịp tim: Cơ tim có các xung điện điều phối nhịp tim. Khi các xung điện này không bình thường, tim có thể đập quá nhanh (nhịp nhanh), quá chậm (nhịp chậm) hoặc thất thường (rung nhĩ).

Hỏi: Nguyên nhân phổ biến của bệnh tim mạch là gì?

BS Tan: Dưới đây là một số tác nhân liên quan đến lối sống & các bệnh khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Tăng huyết áp
  • Tăng mỡ máu: có 2 loại mỡ máu “xấu” (LDL) và “tốt” HDL. Mỡ xấu LDL trong máu cao có thể gây nguy hiểm do tạo ra các mảng bám bên trong động mạch dẫn tới tắc mạch.
  • Tiểu đường: Tiểu đường thường làm tổn hại lớp nội mạc của mạch máu. Người lớn bị tiểu đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao gấp 2 đến 3 lần so với bình thường.
  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch.
  • Nguyên nhân từ lối sống không lành mạnh: Hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lối sống thụ động, béo phì & chế độ ăn không lành mạnh.

Hình minh họa: Ăn quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp & bệnh tim mạch

Hỏi: Dấu hiệu cảnh báo nam giới bị bệnh tim mạch là gì?

BS Tan: Bệnh tim mạch biểu hiên qua nhiều cách, tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh, nhưng phổ biến nhất là các triệu chứng dưới đây:

  • Đau tức ngực, cảm giác nặng nề và khó chịu
  • Ngắn thở
  • Chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ
  • Đánh trống ngực
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn cương dương

Hỏi: Cách nhận biết cơn nhồi máu cơ tim?

BS Tan: Những người bị nhồi máu thường mô tả bị cơn đau ngực giống như có vật nặng đè lên. Có người nhầm cảm giác “nóng rát” ở ngực do bị trào ngược trong khi thực tế là do nhồi máu cơ tim. Cơn nhồi máu “thầm lặng” có thể xảy ra trong giấc ngủ, hoặc ở bệnh nhân tiểu đường. Dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu tim thường thấy gồm:

  • Thắt ngực, cảm giác nặng nề hoặc bị chèn ép
  • Đau tay hoặc hàm trái
  • Ngắn thở
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn/nôn

Can thiệp y khoa sớm có vai trò sống còn đối với bệnh nhân nhồi máu tim. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn nhồi máu là vô cùng quan trọng giúp bạn tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn khẩn cấp cho bản thân hoặc người thân.

Hình minh họa: Đau thắt ngực là dấu hiệu thường gặp của nhồi máu cơ tim

Hỏi: Tại sao nam giới có xu hướng bị bệnh tim mạch nhiều hơn phụ nữ?

BS Tan: Bệnh tim mạch và các tác nhân gây bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên nam giới có xu hướng mắc bệnh sớm hơn phụ nữ trung bình 10 năm. Nghiên cứu cho thấy trong cả cuộc đời nam giới có nguy cơ bị nhồi máu tim cao gấp 2 lần phụ nữ. Mặt khác, phụ nữ bị nhồi máu có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi nam giới.

Có nhiều lý thuyết về việc nam giới có xu hướng bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn. Có sự khác biệt giữa nam và nữ về phân bố mỡ trong cơ thể; như phụ nữ thường tích mỡ ở hông & đùi (mỡ dưới da) trong khi nam giới lại tích mỡ bụng (mỡ nội tạng). Ngoài ra, phụ nữ được nội tiết tố (hormone) progesterone & estrogen bảo vệ nên thường bị xơ vữa mạch sau mãn kinh. Ở nam giới, hormone testosterone có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch đặc biệt khi hormone này bắt đầu suy giảm sau tuổi 40.

Hỏi: Tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch có làm tăng nguy cơ ở nam giới?

BS Tan: Câu trả lời là “có” nếu trong gia đình trực hệ có người bị bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch có thể di truyền qua các thế hệ và gây ảnh hưởng to lớn đến cho mỗi cá nhân cũng như cả gia đình.

Vì vậy, bạn cần hiểu rõ tiền sử gia đình và chia sẻ với bác sỹ để thiết kế chương trình tầm soát, theo dõi, điều trị sớm phù hợp với bạn, giúp bạn có một cuộc sống viên mãn. Nhận diện được nguy cơ & phát hiện bệnh tim mạch sớm cho bạn cơ hội tốt nhất để xử trí bệnh.

Hỏi: Bệnh tim mạch ảnh hưởng thế nào đến chất lượng sống?

Dr Tan: Nhiều triệu chứng thể chất & tinh thần của bệnh tim mạch có thể hạn chế hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của bạn; bao gồm mệt mỏi, khó thở, phù ngoại vi (sưng chân tay), trầm cảm, mất ngủ & đau ngực.

Mặt tích cực là các thuốc hoặc thủ thuật hiện nay đã có thể giúp bệnh nhân trong nhiều bệnh tim mạch. Phần lớn bệnh tim mạch có thể được điều trị dễ dàng nếu được chẩn đoán sớm so với việc đợi cho triệu chứng nặng hơn.

Hỏi: Có cách nào để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch?

BS Tan: Giải quyết các vấn đề lối sống là tác nhân quan trọng nhất, đồng thời cũng khó khăn nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch & bảo vệ sức khỏe nói chung. Bạn có thể bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ như:

  • Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc
  • Chế độ ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa – đường và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Quản lý mức độ stress
  • Ngủ đủ giấc, ít nhất 6 tiếng mỗi đêm
  • Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát tăng huyết áp, tiểu đường và mỡ máu

Nguồn: NS Man, Raffles Hospital Singapore

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *