Tầm soát sớm giúp tăng tỷ lệ sống sót, chữa khỏi ung thư phổi

Chụp X-quang, CT liều thấp, xét nghiệm máu, DNA tế bào… giúp phát hiện sớm ung thư phổi, theo bác sĩ Brendan Chia, Chuyên khoa Xạ trị ung thư bệnh viện Raffles Singapore.

Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam nằm top khá cao so với thế giới. Một phần nguyên nhân vì hầu hết các trường hợp phát hiện khá muộn, khả năng chữa khỏi không cao. Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Brendan Chia, Chuyên khoa Xạ trị ung thư bệnh viện Raffles Singapore, cho biết ung thư phổi giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì không có dấu hiệu rõ ràng. Nếu nghi ngờ bản thân có các triệu chứng liên quan, hoặc có người thân tiền sử mắc bệnh, người dân nên tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện.

Đồng thời, bác sĩ Chia cũng chia sẻ thêm về các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay tương ứng với từng giai đoạn bệnh, nên chọn phác đồ nào và điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, dinh dưỡng ra sao khi mắc bệnh…

Bác sĩ Brendan Chia, Chuyên khoa Xạ trị ung thư bệnh viện Raffles Singapore. Ảnh: Raffles Singapore

– Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ mắc ung thư phổi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

– Theo số liệu từ WHO, ung thư phổi là bệnh có tỷ lệ mắc khá cao tại Việt Nam, nằm top 3 bệnh ung thư phổ biến. Đây cũng là bệnh gây tử vong đứng thứ hai từ năm 2012. Cách đây hai năm, báo cáo cho thấy Việt Nam có 24.400 ca mắc ung thư phổi với 22.600 ca tử vong. Có thể trong 5 năm tới, dải đất chữ S sẽ có khoảng 8,4 người trên 100.000 dân được chẩn đoán mắc căn bệnh này với tỷ lệ ở nam cao hơn nữ.

Các số liệu đáng báo động này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, tình hình khí hậu, vấn nạn hút thuốc lá, ô nhiễm do quá trình công nghiệp hóa, phơi nhiễm nghề nghiệp, dân số già hóa chậm… là những nguyên nhân chính có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Dự đoán chỉ số này tại Việt Nam vẫn sẽ ở mức cao trong vài năm tới nhưng sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước. Vì tỷ lệ hút thuốc lá tại đây cũng có dấu hiệu suy giảm trong vòng 15 năm qua.

– Vậy theo ông những nguyên nhân cụ thể nào làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi?

– Có khoảng 80%-90% người mắc bệnh ung thư phổi là do ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩm thuốc lá, xì gà… Theo các nghiên cứu khoa học, bản thân khói thuốc có chứa khoảng 7.000 hóa chất khác nhau. Trong đó, có đến 70 chất có nguy cơ gây ung thư.

Những người hút thuốc có khả năng bị ung thư phổi gấp 15-30 lần so với người bình thường. Những người không hút hay chỉ hút vài điếu mỗi ngày, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, hút càng lâu, càng nhiều, nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao.

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử cũng mang đến nhiều nhầm lẫn. Một số người cho rằng nó tốt hơn thuốc lá thông thường. Nhưng trong dung dịch đó vẫn tồn tại nhiều hóa chất rủi ro ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Thực tế trên thế giới vài năm qua đã ghi nhận những trường hợp tổn thương phổi do thuốc lá điện tử.

Dù chưa thể kết luận hoàn toàn đây là một trong những nguyên do làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi, chúng tôi vẫn khuyên mọi người, nhất là bệnh nhân, không nên sử dụng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình mà còn tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp.

Tất nhiên vẫn có những tác nhân gây bệnh ngoại cảnh khác như ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí, bụi mịn hoặc hút thuốc thụ động… Thậm chí nấu ăn trong nhà cũng có thể dẫn đến phơi nhiễm do một loại khí tự nhiên như radon.

Tỷ lệ mắc bệnh cũng khá cao với những người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Việc phơi nhiễm có thể xảy ra trong quá trình khai thác hoặc sản xuất, xây dựng công trình do tiếp xúc với các chất như amiăng (asbestos), silica (silic dioxide), crom… và nhiều loại hóa chất khác.

Đặc biệt, Việt Nam còn từng chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam do chiến tranh. Đây cũng là nguy cơ gây ung thư cho người từng tiếp xúc với hóa chất và con cháu của họ. Vì vậy chế độ ăn uống và di truyền cũng là một yếu tố có thể gây ung thư, bao gồm cả ung thư phổi.

– Theo ông, tỷ lệ mắc ung thư phổi do tác nhân ngoài so với di truyền ra sao?

– Ngành y học thế giới vẫn đang cố gắng nghiên cứu và tìm hiểu thêm về tác động của gen với bệnh ung thư phổi. Hiện tại chúng ta đã biết nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ, phần lớn là do tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài.

Trên thực tế, khi thực hiện các nghiên cứu về di truyền liên quan đến bệnh nhân ung thư phổi, chúng tôi phát hiện quá trình gây ung thư giữa người hút và không hút thuốc có sự khác biệt. Môi trường vi mô bổ sung cho khối u, môi trường khối u phát triển là không giống nhau, bao gồm cả hệ thống miễn dịch ở các loại tế bào.

Với nữ giới, nhóm hầu như mắc ung thư do hút thuốc thụ động và những nguyên nhân khác, chúng tôi phát hiện họ có một đột biến gen đặc biệt ở phổi. Đồng nghĩa với việc tỷ lệ di truyền bệnh của phụ nữ sẽ cao hơn. Có khoảng 5%-10%, thậm chí lên đến 15% người mắc ung thư phổi do một đoạn gen gây bệnh đặc biệt.

Tuy nhiên đây vẫn là một phạm trù rất rộng vì có nhiều đoạn gen có thể gây ung thư. Theo đó, nếu xét về mặt rủi ro, nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ vào khoảng 1,5%-2,5%. Ngoài ra vẫn còn phải dựa vào những yếu tố ngoại cảnh khác.

Vì vậy chúng tôi luôn khuyên mọi người nên tầm soát ung thư định kỳ nếu muốn phát hiện và sàng lọc sớm. Với ung thư phổi, bạn có thể tầm soát bằng cách chụp CT scanner phổi liều thấp để có thể phát hiện sớm các tế bào hoặc đốm ung thư.

Những người có nguy cơ mắc cao như nhóm hút thuốc, hoặc có người thân từng mắc ung thư, người ngoài 60 tuổi… nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Nghiên cứu đã chứng minh việc này có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi 20%-30%.

Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng dần theo độ tuổi ở cả nam và nữ. Vì vậy, nhóm 60-65 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều, lên tới khoảng 200 trên 100.000 người. Với nhóm dưới 50 tuổi, con số này chỉ khoảng 20 trên 100.000 người.

Bác sĩ Chia khuyên nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm tế bào ung thư và có phác đồ điều trị kịp thời,

giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân.  Ảnh: Raffles Singapore

– Làm thế nào phát hiện sớm ung thư phổi?

– Ung thư phổi giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng nên thường phát hiện khi khám sức khỏe hoặc tầm soát. Ngoài chụp CT liều thấp, X-quang ngực, xét nghiệm máu cũng có thể giúp phát hiện bệnh nhưng không nhạy và chính xác bằng.

Một trong những xét nghiệm có tỷ lệ cao hơn xét nghiệm DNA khối u tuần hoàn, hay còn gọi là sinh thiết lỏng. Phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, chỉ sử dụng máy phân tích để phát hiện DNA tế bào ung thư trong máu ngoại vi của bệnh nhân. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyên nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, hoặc nếu thuộc nhóm nguy cơ cao như hút thuốc, cao tuổi, người thân có tiền sử ung thư… nên tầm soát và kiểm tra định kỳ.

– Hiện có những phương pháp điều trị ung thư phổi nào?

– Có rất nhiều phương pháp điều trị nhưng hiện tại có ba lựa chọn phổ biến là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị toàn thân. Việc chọn phương án nào phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân. Ngoài ra với những ca cá biệt hoặc nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ cùng hội chẩn để có phác đồ phù hợp.

Đối với các khối u cục bộ, chưa lan rộng ra ngoài, bệnh nhân có thể chọn phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt, loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Ngoài ra, hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc các loại thuốc nhắm mục tiêu… cũng có thể được sử dụng bổ sung để cải thiện hiệu quả của các phương pháp trên.

Trong trường hợp bệnh tiến triển nhanh, ra khỏi phạm vi có thể điều trị tại chỗ hoặc tế bào ung thư di căn, chúng tôi buộc phải chọn phương án hóa trị bằng liệu pháp miễn dịch hoặc các loại thuốc nhắm mục tiêu. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ đưa ra lựa chọn dựa trên tình trạng bệnh và loại khối u.

Những năm gần đây liệu pháp xạ trị cũng có nhiều cải tiến. Các công nghệ mới có thể giúp nhắm mục tiêu chính xác hơn, tiết kiệm nhiều mô bình thường hơn so với phổi và tim. Hiện chúng tôi đang áp dụng liệu pháp chiếu chùm tia proton, ít tác dụng phụ hơn so với điều trị bằng bức xạ.

Khối u ở mỗi vị trí của phổi sẽ cần phương pháp điều trị khác nhau. Trong trường hợp di căn, chúng có thể lan sang các khu vực khác ở trung tâm ngực, hay còn gọi là trung thất. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào đánh giá lâm sàng và tình trạng sức khỏe bệnh nhân và không có phác đồ chuẩn nào.

Với những bệnh nhân có chức năng phổi kém, ngay cả khi khối u chưa lan ra, họ đã thấy khó thở, chịu nhiều đau đớn ở ngực và không thích hợp điều trị y tế. Phương án phù hợp lúc này có thể sử dụng thuốc nhỏ để kiểm soát sự phát triển của khối u. Dù chọn phương án điều trị nào, quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân trao đổi, thảo luận kỹ càng với bác sĩ để có phác đồ phù hợp, hiệu quả nhất.

– Tỷ lệ điều trị khỏi của bệnh nhân ung thư phổi di căn là bao nhiêu và có những phương pháp điều trị nào?

– Tỷ lệ di căn khi mắc ung thư phổi hiện nay khá cao. Tại Việt Nam, có hơn 50% bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 được chẩn đoán di căn. Do đó khả năng sống sót phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh.

Nhìn chung, khi bệnh bước vào giai đoạn 4, tỷ lệ sống sót thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và ý chí của bệnh nhân, trung bình có thể ít hơn 2 năm nhưng cũng có số ít hơn 5 năm. Với ung thư phổi, khả năng sống sót phụ thuộc vào mức độ và vị trí lan rộng của tế bào khối u.

– Hiện bệnh viện Raffles Singapore đang áp dụng những phương thức điều trị ung thư phổi nào?

– Hiện Raffles đáp ứng tất cả phương án điều trị kể trên. Nếu bệnh nhân tại Việt Nam có nhu cầu điều trị, họ có thể sang Singapore hoặc chúng tôi sẽ gửi các chuyên viên, bác sĩ sang tận đây để thăm khám, chẩn đoán và hội chẩn, sau đó ra phát đồ điều trị phù hợp.

Bệnh viện Raffles Singapore cung cấp tất cả phương pháp điều trị ung thư phổi hiện hữu, đồng thời sở hữu các thiết bị,

điều kiện y tế, vật chất giúp tầm soát, phát hiện sớm tế bào ung thư. Ảnh: Raffles Singapore

– Theo bác sĩ, bệnh nhân điều trị ung thư phổi nên xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt ra sao để cải thiện sức khỏe?

– Chế độ dinh dưỡng và lối sống là điều rất quan trọng giúp hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình chữa bệnh. Tập thể dục không chỉ hỗ trợ giảm độc tính của phương pháp điều trị mà còn giúp duy trì, rèn luyện hình thể, cải thiện trạng thái hoạt động của bệnh nhân để họ tiếp nhận các liệu pháp hóa trị, xạ trị…

Bệnh nhân có thể chọn những bài tập rèn luyện theo mức độ phù hợp, có sự hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, như nâng tạ, squats, leo cầu thang… Đặc biệt, ngừng hút thuốc, uống rượu nếu có thể. Đây là cách nhanh nhất để cải thiện chế độ dinh dưỡng, sức khỏe cá nhân.

Bạn cũng nên cân bằng thực đơn, bổ sung trái cây, rau củ, protein, song song với kiểm soát căng thẳng, gia tăng chất lượng giấc ngủ… Những yếu tố này sẽ giúp bệnh nhân vượt qua hành trình điều trị ung thư dễ dàng hơn. Nếu gặp bất cứ vấn đề hoặc khó khăn gì trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên cởi mở chia sẻ với bác sĩ để họ tư vấn chính xác những gì nên và không nên làm.

                                                                                                                                                                  Nguồn : VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *