Những điều cần biết về Ung thư Sarcoma

Những điều cần biết về Ung thư Sarcoma

Sarcoma là một loại ung thư phát sinh từ các mô liên kết trong cơ thể, như cơ, xương, dây thần kinh, sụn, mạch máu và mỡ. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Sarcoma tương đối hiếm so với các loại ung thư khác, chiếm ít hơn 1% trong các bệnh ung thư ở người lớn và 20% trong các bệnh ung thư ở trẻ em.

Sarcoma có thể phát triển nhanh và khó điều trị, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên môn từ các bác sĩ có kinh nghiệm chuyên sâu về điều trị loại ung thư này. Chẩn đoán sớm và điều trị toàn diện là rất quan trọng để cải thiện kết quả cho những người được chẩn đoán mắc sarcoma.

Có những loại Sarcoma nào?

Có khoảng 70 tiểu loại sarcoma đã được nhận biết, được chia thành hai  phân nhóm chính:

  • Sarcoma mô mềm: Loại ung thư này phát triển trong các mô mềm như cơ, gân, mỡ, mạch máu, dây thần kinh và các mô da sâu; phổ biến gồm có sarcoma cơ trơn (leiomyosarcoma), sarcoma mỡ (liposarcoma), và sarcoma hoạt dịch (synovial sarcoma).
  • Sarcoma xương: Loại ung thư này bắt nguồn từ xương và bao gồm sarcoma xương (osteosarcoma), Ewing sarcoma (xương hoặc mô mềm), và  sarcoma sụn (chondrosarcoma).

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của Sarcoma là gì?

Chỉ có một số ít nguy cơ liên quan đến sarcoma được nhận diện và không phải bệnh nhân nào cũng có các nguy cơ này. Nguyên nhân & nguy cơ của sarcoma có thể bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Một số loại sarcoma liên quan đến các tình trạng di truyền như hội chứng Li-Fraumeni, u xơ thần kinh (neurofibromatosis) loại 1 và polyp tuyến đại tràng có yếu tố gia đình. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ phát triển một số loại sarcoma nhất định.
  • Phơi nhiễm bức xạ: Tiếp xúc trước đó với bức xạ ion hóa, như xạ trị trong quá trình điều trị ung thư hoặc tai nạn hạt nhân…, làm tăng nguy cơ phát triển sarcoma ở giai đoạn sau trong đời.
  • Đột biến gen: Những đột biến di truyền thừa kế, chẳng hạn như đột biến gen RB1 liên quan đến u nguyên bào võng mạc (retinoblastoma), có thể làm tăng nguy cơ mắc sarcoma xương.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Một số hóa chất và độc tố môi trường, chẳng hạn như vinyl chloride được sử dụng trong sản xuất nhựa, được cho là có liên quan đến nguy cơ phát triển một số loại sarcoma nhất định.
  • Độ tuổi và giới tính: Sarcoma có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng một số loại phổ biến hơn ở các nhóm tuổi cụ thể. Ví dụ, sarcoma tế bào xương và Ewing sarcoma thường gặp ở trẻ em và thanh niên, trong khi các loại khác có thể phổ biến hơn ở người trưởng thành lớn tuổi hơn. Một số loại sarcoma cũng có ít liên quan đến yếu tố nguy cơ về giới tính.
  • Chấn thương và viêm mạn tính: Mặc dù ít gặp hơn, một số sarcoma có thể phát triển ở các vị trí bị chấn thương trước đó, viêm mạn tính hoặc mô sẹo.

Dấu hiệu & triệu chứng của Sarcoma gồm những gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của sarcoma thường phụ thuộc vào loại và vị trí xuất hiện.

Sarcoma mô mềm

  • Phân đen
  • Máu trong phân hoặc nôn ra máu
  • Tổn thương trên da
  • Sưng nề
  • Các khối u hoặc cục u, thường không gây đau, là dấu hiệu ban đầu phổ biến của sarcoma. Những khối u này có xu hướng phát triển và có thể đạt kích thước lên đến 20 cm hoặc hơn

Sarcoma xương

  • Sưng ở xương
  • Gãy xương sau các chấn thương nhẹ
  • Hạn chế vận động
  • Xuất hiện khối u kèm theo đau và sưng ở giai đoạn muộn hơn.
  • Đau xương kéo dài, đặc biệt khi ở tư thế nghỉ & trong khi ngủ.
  • Cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc suy yếu do dây chèn ép dây thần kinh trong trường hợp ung thư cột sống

Nếu bạn gặp bất kỳ khối u hoặc triệu chứng nào của sarcoma, hãy đi khám sớm để được đánh giá chính xác, phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.

Sarcoma được điều trị thế nào?

Điều trị sarcoma phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại sarcoma, vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho sarcoma:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tay cho sarcoma, nhằm loại bỏ khối u cùng với một phần mô khỏe mạnh xung quanh để giảm nguy cơ tái phát. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể sử dụng các kỹ thuật bảo tồn chi để duy trì chức năng và ngoại hình cho bệnh nhân.
  • Xạ trị: Xạ trị  là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được áp dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, hoặc như một biện pháp điều trị giảm nhẹ nhằm giảm triệu chứng và thu nhỏ khối u ở bệnh nhân giai đoạn muộn.
  • Hóa trị: Hóa trị sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật và/hoặc xạ trị, đặc biệt đối với một số loại sarcoma nhạy cảm với hóa trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Các loại thuốc liệu pháp miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Mặc dù chưa được sử dụng rộng rãi trong điều trị sarcoma, nghiên cứu đang tiếp tục khám phá tiềm năng của chúng trong một số tiểu loại sarcoma.

Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những dấu hiệu tương tự của sarcoma, hãy đặt hẹn khám với bác sĩ ung thư ngay để được đánh giá chính xác và tư vấn về các triệu chứng, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị. Can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với điều trị sarcoma.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *