Dr Shaun Ho Zhirui
Chuyên khoa Xạ trị Ung thư, Bệnh viện Raffles Singapore
Xạ trị là kỹ thuật dùng tia bức xạ, thường là tia X, để điều trị ung thư. Bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu Lympho Cấp tính (ALL) có thể được chỉ định Xạ trị kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Xạ trị thường được chỉ định để điều trị não hoặc tủy sống nếu các tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan này. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được Xạ trị toàn thân chuẩn bị cho ghép tế bào gốc.
Bệnh nhân ghép tủy có thể được chỉ định xạ trị để bổ trợ cho quá trình điều trị. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được Xạ trị Toàn thân (Total Body Irradiation or TBI).
Bệnh nhân cũng có thể cần kết hợp hóa trị. Mục đích của các liệu pháp này là để tiêu diệt hết tế bào bạch cầu bị ung thư đồng thời cũng phá hủy hệ miễn dịch của bệnh nhân, nghĩa là sau khi ghép tủy cơ thể sẽ ít kháng lại các tế bào gốc khỏe mạnh để các tế bào này có thể phát triển được.
Bệnh nhân thường được xạ trị toàn thân 2 lần mỗi ngày trong 3 đến 4 ngày, hoặc một lần duy nhất tùy theo chỉ định của bác sỹ.
1/ Phòng Xạ trị
Máy xạ trị là hệ thống máy lớn. Lồng máy sẽ xoay xung quanh bệnh nhân khi chiếu xạ điều trị nhưng không chạm vào bất kỳ điểm nào trên người bệnh nhân.
Trước khi bắt đầu điều trị, kỹ thuật viên giải thích cho bệnh nhân về hoạt động và tiếng ồn của máy khi xạ trị. Một số cơ sở xạ trị bệnh nhân có thể nghe nhạc qua tai nghe.
2/ Trước khi điều trị Xạ trị
Bệnh nhân sẽ được lập kế hoạch xạ trị vào khoảng 1-2 tuần trước khi bắt đầu điều trị và diễn ra trong khoảng 1 giờ. Đội ngũ xạ trị sẽ tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc các biện pháp che chắn cản xạ phù hợp để toàn bộ cơ thể bệnh nhân nhận được liều phóng xạ tương đương nhau.
3/ Trong khi điều trị Xạ trị
Khoảng 30 phút trước khi chiếu xạ, điều dưỡng viên sẽ cho bệnh nhân uống thuốc chống mệt mỏi.
Trong phòng xạ trị, kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân nằm lên bàn điều trị theo đúng tư thế đã được lập kế hoạch; sau đó tắt đèn trong phòng, dùng tia laser để xác định điểm chiếu xạ trên cơ thể bệnh nhân. Kỹ thuật viên sẽ trao đổi với nhau về các số đo trong khi tìm đúng vị trí & tư thế chiếu xạ. Các liều kế sẽ được gắn vào quần áo để đo liều chiếu xạ ở các điểm khác nhau trên cơ thể bệnh nhân.
Kỹ thuật viên sẽ rời phòng xạ trị trong thời gian 10-15 phút để vận hành máy xạ trị. Qua hệ thống camera từ phòng điều khiển, kỹ thuật viên sẽ quan sát và giao tiếp với bệnh nhân. Bệnh nhân nằm yên, không cử động. Sau khi kết thúc chiếu xạ lần đầu, kỹ thuật viên sẽ vào phòng máy để đổi tư thế chiếu xạ. Bệnh nhân sẽ được chiếu xạ ở nửa bên còn lại trong 10-15 phút nữa.
Sau khi Xạ trị
Bệnh nhân quay về phòng bệnh. Giữa các lần xạ trị bệnh nhân cần tránh xa những người sức khỏe yếu hoặc đang bị ốm. Bạch cầu trong máu sẽ xuống rất thấp nên bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Sau khi kết thúc toàn bộ liệu trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được ghép tế bào gốc qua đường truyền vào mạch máu. Ghép tế bào gốc là thủ thuật nội trú.
Tác dụng phụ của Xạ trị
Xạ trị toàn thân mang đến một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ có thể xảy ra ngay sau khi xạ trị hoặc vài tháng đến vài năm sau khi kết thúc xạ trị. Bác sỹ xạ trị sẽ trao đổi với bệnh nhân về các tác dụng phụ trước khi bắt đầu xạ trị. Bệnh nhân cần báo cho bác sỹ hoặc điều dưỡng viên ngay khi phát hiện thấy dấu hiệu của bất kỳ tác dụng phụ nào.
Các tác dụng phụ sớm của Xạ trị có thể gồm:
-
Thay đổi ở da: Da có thể bị đỏ, sạm và khô nóng. Nên tắm/rửa bằng xà phòng dịu nhẹ không mùi hương, thấm khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Bôi kem dưỡng ẩm 2-3 lần hàng ngày, không dùng mỹ phẩm, nước hoa…trong thời gian điều trị. Nên dùng dao cạo râu điện để tránh xước da.
-
Rụng tóc: Bệnh nhân có thể đã bị rụng tóc do hóa trị trước đó. Nếu không, tóc sẽ rụng khoảng 3 tuần sau khi bắt đầu xạ trị toàn thân và thường sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị vài tháng. Bệnh nhân nên gội đầu bằng nước ấm và dầu gội dịu nhẹ (như dầu gội trẻ em). Rụng tóc có thể làm cho bệnh nhân thấy khó chịu/không tự tin, bệnh nhân có thể đội tóc giả, hoặc đội mũ/quàng khăn che đầu.
-
Cảm giác suy yếu, nôn/buồn nôn: Bác sỹ có thể kê đơn thuốc để làm giảm triệu chứng.
-
Mệt mỏi, suy nhược: Xạ trị toàn thân thường làm cho bạn mệt mỏi với mức độ tăng dần cùng với thời gian điều trị, kéo dài trong khoảng 6-8 tuần rồi giảm dần. Một số bệnh nhân có thể suy nhược nặng trong vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt và dễ cáu kỉnh (hội chứng ngủ gật). Các triệu chứng mệt mỏi không cần điều trị và sẽ giảm dần qua thời gian trong vài tuần. Bệnh nhân nên cố gắng nghỉ ngơi, ngủ nhiều và duy trì các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ. Nhân viên điều dưỡng có thể tư vấn cho bệnh nhân về các phương pháp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng.
-
Tiêu chảy: Bệnh nhân cần cho bác sỹ biết ngay nếu bị tiêu chảy để bác sỹ kê đơn thuốc. Bệnh nhân nên uống ít nhất 2.5L nước/đồ uống để bù nước. Bệnh nhân có thể hỏi điều dưỡng viên về kem bôi hậu môn nếu bị đau rát do tiêu chảy.
-
Khô miệng: Bệnh nhân có thể bị khô miệng sau 2-3 ngày điều trị và kéo dài tới 3 tháng. Bệnh nhân nên thường xuyên xúc miệng & uống nước từng ngụm nhỏ để làm sạch miệng, điều dưỡng viên sẽ hướng dẫn bạn cách làm. Uống nhiều nước (1-2 lít mỗi ngày) bao gồm nước lọc, nước ép hoặc đồ uống nóng. Báo cho bác sỹ hoặc điều dưỡng nếu bạn quá mệt không uống đủ nước.
-
Nguy cơ nhiễm khuẩn: Xạ trị toàn thân phá hủy hệ miễn dịch làm cho bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn. Bệnh nhân sẽ nằm viện phòng đơn cho đến khi hệ miễn dịch trở lại hoạt động bình thường. Bác sỹ & nhân viên y tế sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe và điều trị ngay khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bệnh nhân nên tắm & thay quần áo hàng ngày, thường xuyên dùng nước xúc miệng để giữ vệ sinh khoang miệng. Khách đến thăm cần rửa tay trước khi vào phòng bệnh, hoặc mang găng tay – mặc quần áo bảo hộ theo yêu cầu của bác sỹ điều trị. Người đang bị ốm, cảm lạnh hoặc ho không được đến thăm bệnh nhân.
-
Loét miệng: Xạ trị toàn thân làm sưng & loét niêm mạc miệng, lưỡi & họng. Tác dụng phụ này phát sinh trong khoảng thời gian vài tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Bệnh nhân có thể bị đau rát, dẫn đến chán ăn. Bệnh nhân cần báo ngay khi mới chớm thấy đau để bác sỹ sẽ kê đơn thuốc giảm đau. Bệnh nhân nên nhấp ngụm nhỏ nước làm ẩm miệng, dùng bàn chải mềm & nước xúc miệng, giữ vệ sinh răng miệng và dùng dưỡng ẩm môi (như vaseline).
Các tác dụng phụ dài của Xạ trị có thể gồm:
Một số ít bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ dài hạn dưới đây:
-
Đục thủy tinh thể khiến thị lực suy giảm. Bệnh nhân có thể được điều trị với phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
-
Viêm phổi: Số ít bệnh nhân có thể bị viêm phổi trong thời gian từ 6 tuần đến 6 tháng sau khi kết thúc điều trị. Bệnh nhân thấy hơi thở ngắn và ho. Bệnh nhân cần báo cho bác sỹ ngay khi thấy bất kỳ triệu chứng nào.
-
Bị vô sinh.
Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: 167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087
Di động: +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)
Email: hcm@rafflesmedical.com
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI
Địa chỉ: 51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)
Điện thoại: +84-24 3676 2222
Di động: +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)
Email: hanoi@rafflesmedical.com