U buồng trứng tế bào mầm bắt nguồn từ những tế bào buồng trứng có thể phát triển thành trứng (còn gọi là tế bào mầm), là bệnh hiếm, gặp nhiều hơn ở phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi trong đó dạng bệnh phổ biến nhất là u quái lành tính.
Bệnh thường được điều trị bằng phẫu thuật. Nếu là khối u ác tính (ung thư,) bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bổ trợ bằng hóa trị. Các phương pháp điều trị có hiệu quả khá cao và phần lớn bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.
Các loại u tế bào mầm
Có vài loại u tế bào mầm, có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư).
U buồng trứng tế bào mầm lành tính
U quái thuần thục là loại u lành tính phổ biến nhất (còn được gọi là u nang bì). U quái thuần thục thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ vị thành niên đến 40 tuổi).
U buồng trứng tế bào mầm ác tính
U buồng trứng tế bào mầm ác tính, còn gọi là ung thư buồng trứng tế bào mầm, gồm các thể dưới đây:
- U quái không thuần thục
- U nghịch mầm
- U túi noãn buồng trứng
- Ung thư nhau thai (hoặc ung thư nguyên bào nuôi)
- Ung thư biểu mô phôi
Triệu chứng
Ung thư buồng trứng tế bào mầm có thể gặp những triệu chứng dưới đây:
- Đau bụng hoặc đau bụng dưới không tự khỏi
- Đầy bụng, tăng cỡ vòng bụng
- Kinh nguyệt không đều
Chẩn đoán
Bác sĩ thực hiện các kỹ thuật thăm khám dưới đây để chẩn đoán ung thư buồng trứng tế bào mầm:
- Siêu âm
- Xét nghiệm máu – tế bào mầm thường sản sinh các chất hoặc hormone có thể đo được trong máu (các dấu ấn ung thư)
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT)
- Chụp X-quang
- Chụp PET/CT
Độ biệt hóa & giai đoạn ung thư
Mức độ biệt hóa tế bào và giai đoạn ung thư có vai trò quan trọng để bác sỹ quyết định phương án điều trị phù hợp với bệnh nhân.
Độ biệt hóa
Độ biệt hóa chỉ hình thái tế bào ung thư (soi qua kính hiển vi). Hình thái càng khác thường, độ biệt hóa càng cao, bệnh tiến triển nhanh hơn tế bào độ biệt hóa thấp.
Có 3 mức độ biệt hóa là: Độ 1, Độ 2 và Độ 3. Tế bào ung thư Độ 1 phát triển chậm nhất và ít di căn nhất.
Bác sỹ có thể mô tả chẩn đoán ung thư độ thấp (Độ 1) hoặc độ cao (Độ 2 và Độ 3).
Giai đoạn ung thư
Giai đoạn ung thư cho biết ung thư đã phát triển đến mức độ nào. Ung thư buồng trứng tế bào mầm sử dụng hệ thống đánh giá giai đoạn giống các ung thư buồng trứng khác, gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Ung thư chỉ phát triển ở buồng trứng (một hoặc hai bên)
- Giai đoạn 2: Ung thư đã lan đến vòi trứng, tử cung hoặc nơi khác trong khung chậu
- Giai đoạn 3: Ung thư đã di căn hạch bạch huyết hoặc phúc mạc
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến cơ quan khác như gan, phổi…
Điều trị
Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị căn cứ vào loại tế bào u, độ biệt hóa và giai đoạn ung thư.
Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu là khối u ác tính, bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hóa chất.
U buồng trứng tế bào mầm lành tính
Bác sĩ chuyên khoa (sản – phụ khoa) mổ cắt bỏ nang buồng trứng hoặc toàn bộ buồng trứng có u, để lại buồng trứng lành. Phần lớn phụ nữ bị u quái buồng trứng còn trẻ và có thể muốn sinh con trong tương lai nên bác sĩ chỉ cắt bỏ phần khối u & phần ít mô lành xung quanh.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn có hiệu quả, bệnh nhân thường không cần điều trị bổ trợ.
U buồng trứng tế bào mầm ác tính (Ung thư buồng trứng tế bào mầm)
Bệnh nhân được phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ yêu cầu chủ động theo dõi mà không cần điều trị tiếp.
Tùy thuộc vào loại tế bào, độ biệt hóa và giai đoạn của bệnh, bệnh nhân cũng có thể cần điều trị hóa chất sau phẫu thuật. Sau hóa trị, một số bệnh nhân cần tái phẫu thuật nếu trên phim chụp vẫn thấy có dấu hiệu của ung thư.
Trong khi phẫu thuật
Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra các cơ quan khác trong ổ bụng & nội tạng xem có dấu hiệu của ung thư di căn không. Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể sinh thiết để làm xét nghiệm tế bào. Bác sĩ cũng rửa ổ bụng & làm xét nghiệm tế bào dịch ổ bụng để tìm tế bào ung thư trong dịch. Kết quả xét nghiệm tế bào sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác ung thư đã phát triển ra ngoài buồng trứng hay chưa.
Tùy theo vị trí di căn, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tổn thương di căn. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ hết tổn thương di căn, hạn chế để lại các tế bào ung thư trong cơ thể.
Sau khi phẫu thuật
Tùy vào tình trạng bệnh và kết quả phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị hóa chất sau phẫu thuật. Bệnh nhân thuộc nhóm dưới đây có thể chỉ cần phẫu thuật:
- U nghịch mầm Giai đoạn 1A
- U quái không thuần thục Giai đoạn 1A
Nếu không cần điều trị hóa chất khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tái khám, theo dõi thường xuyên để kiểm tra ung thư có tái phát không.
Tái phẫu thuật
Một số ít bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật lần 2 nếu còn tổn thương ung thư sau hóa trị.
Bác sĩ sẽ cắt bỏ mọi tổn thương ung thư còn sót lại. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật căn cứ vào vị trí của khối u còn lại và giải thích cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Sau khi tái phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể cần điều trị hóa chất. Phác đồ kết hợp phẫu thuật và hóa trị thường có hiệu quả cao điều trị dứt điểm ung thư tế bào mầm ngay cả khi đã di căn.
Phác đồ hóa trị bổ trợ phổ biến nhất là BEP gồm: Bleomycin, Etoposide và Cisplatin. Đây là phác đồ có hiệu quả ngăn chặn tái phát ung thư tế bào mầm.