Mục lục
Bạn có thể sống mà không có tuyến tụy?
Mặc dù con người có thể sống mà không cần tuyến tụy nhưng các bác sỹ chỉ khuyên nên cắt bỏ tuyến tụy khi một người mắc bệnh lý nghiêm trọng như viêm tụy nặng bị tái phát hoặc ung thư tuyến tụy. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị y khoa có thể thay thế tuyến tụy nhưng những người sống không có tuyến tụy đòi hỏi sự theo dõi kỹ lưỡng và chăm sóc y tế cẩn thận. Cắt bỏ tuyến tụy đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải thực hiện hàng loạt các thay đổi trong lối sống.
Tuyến Tụy nằm giữa cột sống và dạ dày
1. Tìm hiểu khái quát về tuyến tụy và phẫu thuật tuyến tụy
Tuyến tụy là một tuyến tiết ra các nội tiết tố (hoóc-môn) mà một người cần để tồn tại, trong đó có insulin. Nhiều thập kỷ trước, các vấn đề nghiêm trọng ở tuyến tụy hầu như luôn gây tử vong. Ngày nay, con người có thể sống mà không có tuyến tụy.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy có tên tiếng Anh là Pancreatectomy. Ca phẫu thuật có thể là cắt bỏ một phần (chỉ loại bỏ phần tuyến tụy bị bệnh) hoặc bác sỹ phẫu thuật có thể cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy.
Một ca phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến tụy không chỉ là cắt bỏ hết tuyến tụy mà còn đòi hỏi cắt một phần dạ dày, một phần của ruột non – phần tá tràng và đoạn cuối của ống mật. Túi mật và lá lách cũng có thể được cắt bỏ.
Ca đại phẫu có thể nguy hiểm và thay đổi cuộc sống của người bệnh. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tụy, bệnh nhân sẽ bị bệnh tiểu đường. Họ cần thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và sẽ phải dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại.
Loại bỏ tụy cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể từ thực phẩm. Nếu không tiêm insulin nhân tạo và men tiêu hóa, một người không có tụy có thể không sống sót được.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy khoảng 3/4 người không bị ung thư sống sót ít nhất 7 năm sau khi cắt bỏ tuyến tụy. Trong số những người mắc bệnh ung thư, tỷ lệ sống sót sau 7 năm dao động từ 30-64%, tùy thuộc vào loại ung thư họ mắc phải và mức độ di căn của ung thư.
2. Tìm hiểu chức năng của tuyến tụy:
Tụy nằm sâu trong bụng giữa dạ dày và cột sống, Tuyến tụy phẳng, có hình chiếc lá, là cơ quan tiết ra các chất mà cơ thể cần để hoạt động.
Tuyến tụy được chia làm 3 phần: Một đoạn rộng gọi là đầu tụy, một đoạn mỏng gọi là đuôi tụy và đoạn ở giữa gọi là thân tụy.
Tuyến tụy sản sinh ra insulin, một loại nội tiết tố (hoóc-môn)điều chỉnh đường huyết (lượng đường trong máu). Khi cơ thể không sản xuất insulin, lượng đường trong máu (blood glucose) có thể tăng cao gây nguy hiểm.
Không có insulin để giúp cơ thể hấp thụ đường huyết, cơ thể cũng không thể sử dụng đường từ thức ăn. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Tuyến tụy cũng sản xuất ra dịch tiêu hóa giúp cơ thể phân hủy và hấp thụ thức ăn. Phần tụy tạo ra dịch tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết, trong khi phần tuyến tụy chịu trách nhiệm sản xuất insulin được gọi là tuyến tụy nội tiết.
Các hoóc-môn sẽ đi vào máu, trong khi các men tiêu hóa đi qua một ống được gọi là ống tụy vào một phần của ruột non được gọi là tá tràng. Gan và túi mật cũng sản sinh ra dịch tiêu hóa và các hóa chất khác vào tá tràng, cho phép các cơ quan này hoạt động cùng nhau để giúp cơ thể hấp thụ thức ăn.
3. Tại sao cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy?
Các bác sỹ có thể thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy với các lý do dưới đây:
3.1. Ung thư tuyến tụy:
Ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh ung thư gây tử vong cao nhất. Chỉ 7% trong số người bị bệnh ung thư tuyến tụy sống hơn 5 năm sau khi bệnh được chẩn đoán. Điều này chủ yếu là vì ung thư tuyến tụy khó được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên khi phát hiện bệnh nó đã lan tới các cơ quan khác.
Có 2 loại phẫu thuật cho ung thư tuyến tụy:
– Phẫu thuật chữa lành bệnh: Ca phẫu thuật được áp dụng để cắt bỏ toàn bộ khối ung thư, có khả năng chữa khỏi cho người bệnh. Loại phẫu thuật này cần phải được thực hiện trước khi bệnh di căn.
– Phẫu thuật giảm nhẹ: Ca phẫu thuật được thực hiện với mục đích để kéo dài cuộc sống của người bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của một số triệu chứng do bệnh gây ra.
3.2. Viêm tụy mạn tính:
Viêm tụy mạn tính là tình trạng tụy bị nhiễm trùng hoặc bị viêm và bệnh bị tái phát hoặc bệnh thường xuyên tái phát. Một số dạng viêm tụy mạn tính là do di truyền.
Viêm tụy có thể gây đau đớn tột cùng và thậm chí tử vong. Khi các phương án điều trị thất bại hoặc khi tuyến tụy bị tổn thương nghiêm trọng, bác sỹ có thể tư vấn cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy.
3.3. U nhú nhầy trong ống tụy:
U nhú nhầy trong ống tụy là các khối u tiền ung thư phát triển trong các ống của tuyến tụy. Chúng có thể phát triển thành ung thư nếu nó không được điều trị. Đôi khi, bác sỹ sẽ tư vấn người bệnh cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến tụy để ngăn ngừa các khối u phát triển thành ung thư ác tính.
Tóm lại, việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy không phải là phương án điều trị duy nhất cho bất kỳ loại bệnh nào được liệt kê ở trên. Bác sỹ chuyên khoa sẽ đánh giá mức độ rủi ro và các lợi ích của ca phẫu thuật với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, đồng thời đánh giá tổng thể trạng sức khỏe của người bệnh trước khi bác sĩ quyết định lựa chọn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Nguồn: Medicalnewstoday