Nhờ vào các kết quả nghiên cứu về các cơ chế phát triển của tế bào ung thư, các nhà khoa học đã phát triển các loại thuốc nhắm trúng vào các cơ chế này. Cơ chế tác động của thuốc nhắm trúng đích khác biệt so với thuốc hóa trị (hóa chất). Liệu pháp nhắm trúng đích có một số hiệu quả mà hóa trị không mang lại được và thường có ít tác dụng phụ hơn hóa trị. Hiện nay, thuốc nhắm trúng đích chủ yếu được dùng để điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn, có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị.
Thuốc nhắm vào quá trình sinh mạch nuôi khối u
Khối u cần tạo các mạch máu mới để được nuôi dưỡng & phát triển. Quá trình này gọi là sinh mạch. Một số thuốc nhắm trúng đích, được gọi là ức chế sinh mạch, ngăn chặn quá trình hình thành các mạch máu mới:
- Bevacizumab (Avastin) dùng điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn. Đây là thuốc kháng thể đơn dòng (là một protein đặc thù của hệ miễn dịch được tổng hợp từ phòng thí nghiệm) nhắm đến yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu VEGF, là protein hỗ trợ hình thành các mạch máu mới. Thuốc này thường được dùng đồng thời với hóa chất. Nếu đáp ứng thuốc, bệnh nhân có thể được dừng hóa trị và chỉ sử dụng bevacizumab cho đến khi ung thư tái phát.
- Ramucirumab (Cyramza) cũng được dùng để điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn. Kháng thể đơn dòng này nhắm tới thụ thể VEGF, ngăn chặn các mạch máu mới hình thành. Thuốc thường được kết hợp với hóa chất sau khi kết thúc một trị liệu khác.
Các thuốc này cũng có thể dùng kết hợp với thuốc nhắm trúng đích khác (erlotinib) là phác đồ điều trị dòng đầu cho bệnh nhân đột biến gene EGFR.
Tác dụng phụ của thuốc ức chế sinh mạch
Các tác dụng phụ thường thấy gồm:
- Tăng huyết áp
- Mệt mỏi
- Chảy máu
- Giảm bạch cầu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Đau đầu
- Nhiệt, loét miệng
- Chán ăn
- Tiêu chảy
Các tác dụng phụ nặng hơn nhưng hiếm gặp gồm cục máu đông, xuất huyết nặng, dò ruột, các bệnh về tim và vết thương lâu lành. Ruột bị dò có thể gây nên nhiễm trùng nặng và cần phẫu thuật để điều trị.
Do có nguy cơ gây xuất huyết, các thuốc này thường không được chỉ định cho bệnh nhân bị ho ra máu hoặc đang uống thuốc chống đông. Bệnh nhân ung thư phổi tế bào vảy có nguy cơ xuất huyết ở phổi cao hơn các thể khác nên hiện tại không có hướng dẫn cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào vảy dùng bevacizumab.
Thuốc nhắm vào tế bào có đột biến gene KRAS
Khoảng 1 trong 4 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gene KRAS, làm cho protein KRAS trở nên bất thường. Các protein bất thường này thúc đẩy tế bào ung thư phát triển & lan rộng.
Khoảng 1 trong 8 (13%) bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến đặc thù ở gene KRAS là KRAS G12C. Bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gene loại này thường kháng các loại thuốc nhắm trúng đích khác như ức chế EGFR.
Sotorasib (Lumakras) là thuốc nhắm trúng đích ức chế KRAS. Cơ chế của thuốc là tấn công protein G12C, là tác nhân thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Nếu xét nghiệm máu hoặc mô cho kết quả đột biến KRAS G12C, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn có thể dùng thuốc này sau khi dùng ít nhất một trị liệu khác.
Sotorasib được bào chế dưới dạng viên uống với liều thông thường 1 viên hàng ngày.
Tác dụng phụ của thuốc ức chế KRAS
Các tác dụng phụ thường gặp gồm:
- Tiêu chảy
- Đau cơ & khớp
- Buồn nôn
- Cảm giác mệt mỏi suy nhược
- Ho
- Giảm bạch cầu hoặc hồng cầu
- Thay đổi một số giá trị xét nghiệm máu
Tác dụng phụ nặng nhưng ít gặp bao gồm các tổn thương ở gan như viêm (sưng) hoặc sẹo ở phổi gây khó thở.
Thuốc nhắm tới đột biến gene EGFR
Thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) là một protein trên bề mặt tế bào, có chức năng thúc đẩy tế bào sinh trưởng & chia đôi. Tế bào ung thư phổi có quá nhiều EGFR sẽ sinh trưởng nhanh hơn.
Thuốc ức chế EGFR ngăn chặn đường tín hiệu từ EGFR ra lệnh cho tế bào sinh trưởng. Một vài thuốc thuộc nhóm này được dùng để điều trị ung thư phổi.
Các thuốc ức chế EGFR điều trị ung thư phổi đột biến gene EGFR
- Erlotinib (Tarceva)
- Afatinib (Gilotrif)
- Gefitinib (Iressa)
- Osimertinib (Tagrisso)
- Dacomitinib (Vizimpro)
Đối với ung thư phổi giai đoạn muộn: Một trong những thuốc nêu trên thường được dùng điều trị bệnh nhân ung thư phổi đột biến EGFR giai đoạn muộn. Phần lớn các thuốc trên đều được dùng đơn lẻ, tuy nhiên erlotinib có thể được kết hợp với thuốc nhắm trúng đích ức chế sinh mạch khác.
Đối với ung thư phổi giai đoạn sớm: Osimertinib được dùng như trị liệu bổ trợ sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư phổi đột biến EGFR giai đoạn sớm.
Các thuốc trên đều được bào chế dưới dạng viên uống.
Thuốc ức chế EGFR nhắm đến tế bào đột biến T790M
Thuốc ức chế EGFR có thể thu nhỏ khối u trong vài tháng hoặc hơn. Nhưng sau cùng thuốc cũng không còn tác dụng do tế bào ung thư phát triển một kiểu đột biến mới của gene EGFR, gọi là đột biến T790M.
Osimertinib (Tagrisso) là thuốc ức chế EGFR ở bệnh nhân đột biến T790M.
Khi các thuốc ức chế EGFR khác không còn tác dụng, bác sĩ thường sẽ chỉ định sinh thiết lại để xét nghiệm xem có đột biến T790M không và có thể chỉ định thuốc Osimertinib (Tagrisso) nếu thấy có đột biến.
Thuốc ức chế EGFR nhắm tới tế bào ung thư đột biến exon 20
Các thuốc ức chế EGFR nêu trên có tác dụng trên nhiều bệnh nhân ung thư phổi đột biến gene EGFR. Tuy nhiên thuốc không có tác dụng trên toàn bộ bệnh nhân. Ví dụ thuốc hầu như không có hiệu quả với bệnh nhân ung thư phổi đột biến EGFR chèn exon 20 (exon 20 insertion mutation).
Tuy nhiên, gần đây đã có các thuốc nhắm trúng đột biến exon 20 như:
Amivantamab (Rybrevant) là kháng thể đơn dòng nhắm tới 2 protein EGFR & MET có chức năng thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Thuốc được bào chế dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch.
Mobocertinib (Exkivity) là thuốc nhắm tới EGFR protein theo phương thức khác, bào chế dưới dạng viên uống với liều thông thường mỗi ngày một viên.
Các thuốc này được dùng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn có đột biến exon 20, chủ yếu cho bệnh nhân đã điều trị hóa chất.
Thuốc ức chế EGFR điều trị ung thư phổi tế bào vảy
Necitumumab (Portrazza) là kháng thể đơn dòng nhắm tới EGFR. Thuốc được chỉ định kết hợp với hóa trị là điều trị dòng đầ cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào vảy giai đoạn muộn. Thuốc được bào chế dưới dạng truyền tĩnh mạch.
Tác dụng phụ của thuốc ức chế EGFR
Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc ức chế EGFR gồm:
- Các vấn đề trên da
- Tiêu chảy
- Nhiệt, loét miệng
- Chán ăn
Các vấn đề trên da thường xuất hiện dưới dạng mẩn đỏ giống trứng cá trên mặt & ngực, đôi khi có thể gây nhiễm trùng da.
Thuốc cũng có thể gây các tác dụng phụ nặng hơn nhưng hiếm gặp như:
- Kháng thể đơn dòng amivantamab và necitumumab có thể gây phản ứng shock trong và ngay sau khi truyền (tương tự như phản ứng dị ứng).
- Amivantamab có thể ảnh hưởng đến mắt hoặc các vấn đề ở phổi.
- Necitumumab làm suy giảm một số khoáng chất trong máu, làm ảnh hưởng đến nhịp tim đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Mobocertinib có thể gây bệnh phổi và ảnh hưởng đến cơ tim. Thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, một số trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: Cancer.org