Liệu pháp miễn dịch điều trị Ung thư Phổi không tế bào nhỏ

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị dùng thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch của bệnh nhân tìm & tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Một công năng quan trọng của hệ miễn dịch là khả năng nhận diện để không tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Để làm được việc này, hệ miễn dịch sản sinh ra các protein “điểm kiểm soát” trên tế bào miễn dịch; các protein này giữ vai trò là công tắc bật hoặc tắt đáp ứng miễn dịch. Tế bào ung thư đôi khi sẽ sử dụng các điểm kiểm soát này để lẩn tránh không cho hệ miễn dịch tấn công.

Các thuốc nhắm tới các điểm kiểm soát (gọi là thuốc ức chế điểm kiểm soát) nay được dùng để điều trị một số bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Thuốc ức chế PD-1/PD-L1

Nivolumab (Opdivo)pembrolizumab (Keytruda), và cemiplimab (Libtayo) nhắm tới PD-1, là một protein có trên tế bào miễn dịch T (còn được gọi là tế bào T) để ngăn chặn không cho tế bào T tấn công các tế bào khác. Bằng cách chặn PD-1, các thuốc này làm gia tăng đáp ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, thu nhỏ kích thước hoặc làm giảm tốc độ phát triển của khối u.

Atezolizumab (Tecentriq) và durvalumab (Imfinzi) nhắm tới PD-L1, protein tương tự như PD-1, xuất hiện ở một số tế bào ung thư & tế bào miễn dịch. Bằng cách chặn PD-1, các thuốc này làm gia tăng đáp ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, thu nhỏ kích thước hoặc làm giảm tốc độ phát triển của khối u.

Các thuốc này được dùng để điều trị bệnh nhân ung thư phổi ở nhiều tình huống khác nhau. Trước khi dùng thuốc, bác sĩ thường sẽ chỉ định xét nghiệm tế bào khối u để khẳng định một lượng protein nhất định có trong tế bào ung thư (nghĩa là thuốc có khả năng hiệu quả hơn).

  • Pembrolizumab, atezolizumab, hoặc cemiplimab (có thể kết hợp với hóa trị) được dùng điều trị dòng đầu cho một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn. Nivolumab cũng có thể dùng điều trị dòng đầu cùng với thuốc ức chế CTLA-4 ipilimumab (Yervoy) và đôi khi cũng có thể được kết hợp với hóa trị.
  • Nivolumab, pembrolizumab, và atezolizumab điều trị bệnh nhân ung thư phổi tái phát sau hóa trị hoặc trị liệu bằng thuốc khác.
  • Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III không phù hợp với phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị có thể điều trị dòng đầu với pembrolizumab hoặc cemiplimab.
  • Durvalumab điều trị bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III không có chỉ định phẫu thuật và bệnh không tiến triển sau khi đã điều trị hóa xạ trị kết hợp. Mục tiêu điều trị là bệnh không tiến triển càng lâu càng tốt (còn gọi là điều trị củng cố).
  • Atezolizumab điều trị bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II hoặc đầu gia đoạn III sau khi đã phẫu thuật và hóa trị (điều trị bổ trợ).

Các thuốc này được bào chế dưới dạng truyền tĩnh mạch. Tùy vào loại thuốc, bệnh nhân có thể được truyền theo các chu kỳ cách nhau 2, 3, 4 hoặc 6 tuần.

Các tác dụng phụ

Tác dụng phụ của thuốc phổ biến gồm mệt mỏi, ho, buồn nôn, ngứa/đỏ da, mất vị giác, táo bón, tiêu chảy & đau khớp.

Các tác dụng phụ nặng nhưng hiếm gặp gồm:

Phản ứng sốc truyền dịch: Một số bệnh nhân có thể gặp phản ứng sốc khi truyền thuốc tương tự như phản ứng dị ứng bao gồm các triệu chứng sốt, ớn lạnh, bốc hỏa (nóng/đỏ mặt), ngứa/tấy đỏ da, chóng mặt, khò khè & khó thở. Bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế khi thấy bất kể triệu chứng nào trong khi truyền thuốc.

Phản ứng tự miễn: Cơ chế của thuốc là ngăn chặn một thành phần bảo vệ trong hệ miễn dịch của bệnh nhân. Đôi khi hệ miễn dịch tấn công ngược trở lại các bộ phận khác trong cơ thể, gây nên các vấn đề nghiêm trọng hơn ở phổi, ruột, gan, các tuyến sản sinh hormone, thận và các cơ quan nội tạng khác.

Bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế khi nhận thấy bất kể triệu chứng bất thường nào. Nếu gặp tác dụng phụ nặng, bệnh nhân có thể cần tạm dừng liệu pháp miễn dịch và dùng thuốc corticosteroid liều cao để ức chế hệ miễn dịch.

Thuốc ức chế CTLA-4

Ipilimumab (Yervoy) cũng là thuốc hỗ trợ đáp ứng miễn dịch nhưng nhắm vào protein khác. Thuốc ức chế CTLA-4, một protein trên tế bào T có chức năng kiểm soát.

Thuốc này được dùng cùng với thuốc ức chế PD-1 là nivolumab (Opdivo), kết hợp hoặc không với hóa trị để điều trị bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn. Ipilimumab không được dùng đơn lẻ.

Thuốc được bào chế dưới dạng truyền tĩnh mạch với chu kỳ thông thường là 6 tuần.

Các tác dụng phụ

Tác dụng phụ phổ biến của thuốc là mệt mỏi, tiêu chảy, ngứa & tấy đỏ/rát da.

Các tác dụng phụ nặng dưới đây hiếm gặp nhưng phổ biến hơn khi dùng thuốc ức chế PD-1 & PD-L1.

Phản ứng tự miễn:hệ miễn dịch tấn công ngược trở lại các bộ phận khác trong cơ thể, gây nên các vấn đề nghiêm trọng hơn ở phổi, ruột, gan, các tuyến sản sinh hormone, hệ thần kinh, da mắt và các cơ quan nội tạng khác. Bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế khi nhận thấy bất kể triệu chứng bất thường nào. Nếu gặp tác dụng phụ nặng, bệnh nhân có thể cần tạm dừng liệu pháp miễn dịch và dùng thuốc corticosteroid liều cao để ức chế hệ miễn dịch.

Phản ứng sốc truyền dịch: Một số bệnh nhân có thể gặp phản ứng sốc khi truyền thuốc tương tự như phản ứng dị ứng bao gồm các triệu chứng sốt, ớn lạnh, bốc hỏa (nóng/đỏ mặt), ngứa/tấy đỏ da, chóng mặt, khò khè & khó thở. Bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế khi thấy bất kể triệu chứng nào trong khi truyền thuốc.

                                                                                                                                                        Nguồn: cancer.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *