Mục lục
” Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp duy nhất đã được chứng minh để chữa khỏi cho bệnh nhân HCC, nhưng không may có tới 70% bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật. Ung thư gan dễ điều trị hơn khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, và khả năng khối u gan giai đoạn đầu có thể được loại bỏ với phẫu thuật mà không cần ghép gan” (BS Lee Chern Siang- TT Ung thư Raffles)
Ung thư gan đứng thứ ba trong các bệnh ung thư gây tử vong phổ biến nhất trên thế giới. Liệu có mối liên hệ nào giữa uống rượu và quá trình ung thư hóa tế bào gan không? Các loại viêm gan virus khác nhau lây truyền như thế nào? Những dấu hiệu nào chúng ta cần chú ý? Tốc độ phát triển từ viêm gan, xơ gan đến ung thư gan nhanh đến mức nào? Có những phương pháp điều trị nào ở các giai đoạn khác nhau?
Chúng tôi đã mời Chuyên gia về ung thư của Bệnh viện Raffles Singapore chia sẻ với bạn đọc về ung thư gan trong bài viết dưới đây.
Quá trình phát triển từ viêm gan đến ung thư gan thường gồm ba giai đoạn: viêm gan – xơ gan – ung thư gan.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) đứng thứ sáu trong các bệnh ung thư phổ biến toàn cầu và là nguyên nhân tử vong do ung thư đứng thứ ba. Tại Singapore, HCC là nguyên nhân tử vong do ung thư đứng thứ ba ở nam và thứ tư ở nữ.
Có ít nhất năm loại viêm gan do virus, gồm viêm gan A, B, C, D và E. Trong số đó, viêm gan B và C có thể dẫn đến xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
Tất cả các loại viêm gan do virus đều có thể gây bệnh về gan, nhưng khác nhau về cách lây truyền, mức độ nghiêm trọng, phân bố địa lý và biện pháp phòng ngừa. Viêm gan B và C gây bệnh mạn tính cho hàng trăm triệu người và là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xơ gan, ung thư và tử vong do viêm gan virus. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 325 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm gan B và/hoặc C.
Viêm gan mất bao lâu để phát triển thành ung thư gan? Trong thời gian này, chúng ta nên chú ý đến những dấu hiệu nào? Ai là người có nguy cơ cao? Tỷ lệ sống sót của ung thư gan là bao nhiêu? Đối với bệnh nhân ung thư gan, ghép gan có phải là cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân không?
Cách lây truyền viêm gan virus?
Viêm gan virus lây truyền qua các cách thức khác nhau. Virus viêm gan A và E lây truyền qua thực phẩm, chủ yếu lây qua đường tiêu hóa và thường gây nhiễm trùng cấp tính. Chúng có thể lây qua nước bị ô nhiễm, động vật giáp xác và thực phẩm không được rửa sạch. Virus viêm gan A được bài tiết trong phân của bệnh nhân, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm ô nhiễm tay, nước, thực phẩm và dụng cụ ăn uống. Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm sau khi ăn thực phẩm và nước bị ô nhiễm bởi virus. Ví dụ, ăn hàu lấy từ nước bị ô nhiễm virus viêm gan A cũng có thể gây nhiễm viêm gan A. Ngoài ra, tiếp xúc với thành viên trong gia đình của bệnh nhân viêm gan A hoặc đi đến những khu vực có dịch viêm gan A như châu Phi, Trung và Nam Mỹ đều có nguy cơ mắc viêm gan A.
Virus viêm gan B, C và D lây truyền qua đường máu, lây lan qua máu bị ô nhiễm, kim tiêm, dịch cơ thể và từ mẹ sang con. Những người có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B và C bao gồm nhân viên y tế, những người đang chạy thận nhân tạo, những người có quan hệ tình dục (đặc biệt là những người có nhiều bạn tình) và những người lạm dụng ma túy.
Viêm gan B và C có khả năng trở thành mạn tính cao hơn và gây hại nghiêm trọng hơn, có thể phát triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Virus viêm gan D là một loại virus phụ thuộc vào virus viêm gan B để tái tạo. Gần 5% số người bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính trên toàn thế giới cũng bị nhiễm virus viêm gan D.
Cách phòng ngừa viêm gan virus?
Chuyên gia về tiêu hóa và gan mật khuyến cáo:
- Những người chưa được tiêm vắc-xin viêm gan A trước khi đi du lịch đến châu Phi, Trung và Nam Mỹ, và các khu vực có dịch viêm gan nên tiêm vắc-xin viêm gan A.
- Vắc-xin viêm gan B đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng Trẻ em Quốc gia từ năm 1985. Người lớn chưa được tiêm vắc-xin hoặc thiếu bằng chứng miễn dịch cũng nên nhận vắc-xin viêm gan B theo lịch tiêm chủng cho người lớn.
- Những người có triệu chứng viêm gan virus nên đi khám bác sĩ.
- Hiện tại chưa có vắc-xin chống nhiễm HCV. Các chuyên gia y tế nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn ngừa nhiễm viêm gan từ những vết thương do kim tiêm.
Biến chứng của viêm gan virus là gì?
Virus viêm gan A và E thường là những bệnh tự giới hạn, có nghĩa là chúng sẽ khỏi mà không cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sau hồi phục sẽ có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, nhiễm virus viêm gan A có thể làm suy giảm đáng kể chức năng gan ở những người đã có bệnh gan.
Không giống như viêm gan A, cả virus viêm gan B và C đều có thể gây ra bệnh gan mạn tính và tiến triển thành xơ gan (bệnh gan giai đoạn cuối), ung thư gan và thậm chí tử vong,” Chuyên gia cho biết. “Những người bị xơ gan cũng có thể gặp phải các triệu chứng như nhầm lẫn, nôn ra máu, có dịch ổ bụng và khó thở.
Có những lựa chọn điều trị nào?
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho nhiễm virus viêm gan A, vì hầu hết bệnh nhân đều hồi phục tự nhiên. Đối với nhiễm virus viêm gan B, không có phương pháp chữa trị, nhưng có thể điều trị bằng thuốc kháng virus để ngăn ngừa tổn thương thêm cho gan và giảm nguy cơ mắc ung thư gan.
Ngươc lại, nhiễm HCV có thể được chữa khỏi bằng phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus. Chuyên gia cho biết, do lo ngại về tỷ lệ chữa khỏi thấp ở bệnh nhân nhiễm HCV genotype 3 (genotype phổ biến ở Singapore), Khoa Tiêu hóa và Gan mật tại Bệnh viện Đa khoa Changi đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của điều trị thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAA). Nghiên cứu này liên quan đến 779 bệnh nhân HCV và cho thấy điều trị DAA an toàn và hiệu quả, với tỷ lệ chữa khỏi lên đến 98,7%. Hiện tại, DAA đã trở thành tiêu chuẩn điều trị cho bệnh nhân HCV ở Singapore.
Các yếu tố khiến cho viêm gan tiến triển thành ung thư gan?
Mất bao lâu để viêm gan tiến triển thành ung thư gan? Cần lưu ý những dấu hiệu gì?
Tiến sĩ Lee Chern Siang, bác sĩ chuyên khoa nội ung thư tại Trung tâm Ung thư Raffles, cho biết rằng ung thư tế bào gan (HCC) là một khối u nguyên phát của gan, chiếm hơn 90% các khối u gan nguyên phát. Ngoài HCC, còn có những loại ung thư gan nguyên phát khác cũng cần lưu ý, như ung thư đường mật trong gan, u gan nguyên phát, angiosarcoma, u lympho gan và ung thư gan thứ phát, là loại ung thư bắt đầu từ các cơ quan khác và sau đó lan ra gan.
Tiến sĩ Lee Chern Siang cho biết “Tỷ lệ viêm gan tiến triển thành HCC rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Có khoảng 2 đến 4% người bị xơ gan sẽ tiến triển thành HCC mỗi năm”
Các yếu tố khác có thể bao gồm:
- Nhiễm virus viêm gan B và C lần lượt chiếm 56% và 20% số ca HCC được ghi nhận trên toàn cầu. Đối với bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính, nếu tải lượng HBV DNA trong huyết thanh tăng cao (trên 10.000 bản sao mỗi millilit), nguy cơ mắc HCC sẽ cao hơn. Nếu cùng lúc bị nhiễm virus viêm gan B, C và D, nguy cơ HCC sẽ tăng lên đáng kể. Bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường cũng bị tiểu đường, tăng huyết áp, lipid máu cao hoặc cholesterol cao, và thừa cân. Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là một trong những nguyên nhân chính gây HCC trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước phương Tây.
- Nghiện rượu. Khoảng 30% ca HCC có liên quan đến tiền sử uống rượu quá mức. Rượu có thể gián tiếp gây ra HCC gan thông qua xơ gan. Uống năm lon bia mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư gan khoảng năm lần. Không nên uống quá một lon bia mỗi ngày.
- Aflatoxin B1 là một độc tố do một số loại nấm, như Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus, sinh ra và có thể gây ra ung thư gan. Loại nấm này thường được tìm thấy ở Đông Nam Á và có thể thấy ở ngũ cốc bị mộc. Về mặt lâm sàng, aflatoxin B1 có liên quan đến nguy cơ gia tăng HCC ở những người bị viêm gan B mạn tính.
- Các bệnh tự miễn ở gan làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư tế bào gan.
- Những người có bệnh di truyền bị tích tụ quá mức đồng hoặc sắt trong cơ thể, hoặc những người bị các bệnh phổi và gan do thiếu alpha-1 antitrypsin (AAT), cũng làm tăng nguy cơ HCC.
Tại sao ung thư gan lại nguy hiểm đến vậy?
Bác sĩ Lee Chern Siang cho biết: “Kết quả lâm sàng cho thấy tỷ lệ sống sót trung bình của bệnh nhân HCC khá thấp. Chỉ khoảng 18% bệnh nhân có thể sống trong khoảng 5 năm sau khi được chẩn đoán HCC.”
Tiên lượng chính xác hoặc khả năng sống của một bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước và đặc điểm của khối u, liệu khối u đã lan ra ngoài gan hay chưa, và tình trạng sức nền cũng như độ tuổi của bệnh nhân. Phát hiện HCC càng sớm thì tiên lượng càng tốt.
Ông lưu ý rằng bệnh nhân HCC được chẩn đoán sớm, khi khối u còn nhỏ và có thể được điều trị bằng phẫu thuật, khả năng sống sót sau 5 năm là từ 60% đến 80%. Đó là lý do tại sao việc khám tầm soát định kỳ lại rất quan trọng đối với người có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư gan.
Các lựa chọn điều trị ung thư gan
Có một vài lựa chọn điều trị HCC như dưới đây:
Mục tiêu của phẫu thuật là chữa trị HCC giai đoạn sớm bằng cách loại bỏ khối u. Đối với nhóm nhỏ bệnh nhân phù hợp và khỏe mạnh, có thể thực hiện ghép gan.
Hai là, một số bệnh nhân có thể được điều trị bằng sóng radio để phá hủy khối u nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư gan.
Ba là, liệu pháp xuyên động mạch bằng cách nút mạch máu để cắt đứt nguồn máu nuôi khối u. Phương pháp này có thể được cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân HCC giai đoạn giữa, trong khi gan của họ vẫn khỏe mạnh và hoạt động bình thường.
Bốn là dùng thuốc. Trong giai đoạn muộn của ung thư gan, các loại thuốc điều trị ung thư có thể được sử dụng tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Các chuyên gia cũng sử dụng tiêm thuốc để kích hoạt hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tự chiến đấu với ung thư gan.
Bác sĩ Lee Chern Siang chỉ ra rằng ghép gan không phải là cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân. Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp duy nhất đã được chứng minh để chữa khỏi cho bệnh nhân HCC, nhưng không may có tới 70% bệnh nhân không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật này.
Ung thư gan dễ điều trị hơn khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, và khả năng khối u gan giai đoạn đầu có thể được cắt bỏ phẫu thuật mà không cần ghép gan là cao hơn. Ông nói: “Ghép tạng là một quy trình phức tạp, và ghép gan chỉ có thể được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo đặc biệt. Sau khi ghép, để ngăn ngừa cơ thể đào thải gan đã ghép, bệnh nhân cần phải uống thuốc suốt đời.”
Ung thư gan có thể phòng ngừa được. Bạn cần:
- Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B;
- Điều trị viêm gan C;
- Không, hoặc hạn chế uống rượu bia;
- Tập luyện thường xuyên, duy trì cân nặng lành mạnh
- Người bị các bệnh mạn tính hoặc bệnh gan mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn. Bạn cần khám sức khỏe tổng quát đều đặn;
- Ăn ngũ cốc được bảo quản phù hợp, không bị mốc.
Một số bệnh nhân ung thư gan lo lắng rằng bệnh của họ sẽ di truyền cho thế hệ sau. Bác sĩ Lee cho biết hầu hết các trường hợp ung thư gan không phải do di truyền. Nếu bạn có các bệnh di truyền như thiếu hụt alpha 1 antitrypsin, bệnh Wilson (còn gọi là thoái hóa gan-thận) hoặc bệnh hemochromatosis, bạn nên tư vấn chuyên môn để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa cho thế hệ tiếp theo.