Điều trị Ung thư Vú bằng liệu pháp Xạ trị

 

 

Tổng quan

Xạ trị điều trị ung thư Vú là kỹ thuật sử dụng tia X, proton hoặc loại bức xạ năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tế bào phát triển nhanh quá mức, như tế bào ung thư, thường nhạy cảm với xạ trị hơn là tế bào bình thường.

Tia X hoặc các loại năng lượng bức xạ khác vô hình và không gây đau. Bệnh nhân không bị nhiễm xạ sau điều trị, có thể tiếp xúc với người khác kể cả trẻ em sau khi chiếu xạ.

Xạ trị điều trị ung thư vú bao gồm các phương pháp:

  • Xạ trị liều chiếu ngoài. Máy đặt bên ngoài cơ thể, chiếu tia xạ vào khối u vú. Đây là loại hình xạ trị phổ biến nhất cho ung thư vú.

  • Xạ trị liều chiếu trong (Xạ trị áp sát). Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, bác sỹ đặt một thiết bị nhỏ vào chỗ khối u bị cắt bỏ. Nguồn bức xạ có trong thiết bị sẽ chiếu xạ trong khoảng thời gian được cài đặt cho việc điều trị.

Bệnh nhân ung thư vú có thể được chỉ định xạ trị ở mọi giai đoạn điều trị. Xạ trị là liệu pháp có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú. Ngoài ra, xạ trị cũng được chỉ định để làm giảm nhẹ triệu chứng do ung thư vú di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Tại sao cần xạ trị

Xạ trị tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được chỉ định sau phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ ung thư tái phát cũng như giảm đau & giảm nhẹ các triệu chứng khác ở bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn.

1. Xạ trị sau phẫu thuật cắt bỏ u vú

Với bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ u vú và bảo tồn mô lành (còn gọi là phẫu thuật cắt bỏ u hoặc phẫu thuật bảo tồn), bác sỹ thường chỉ định xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Xạ trị sau phẫu thuật cắt u có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú tại chỗ.

Phẫu thuật cắt bỏ u kết hợp với xạ trị thường liên quan đến điều trị bảo tồn ung thư vú. Phương pháp này có hiệu quả tương đương phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú. Đối với những bệnh nhân ung thư vú có nguy cơ tái phát thấp, bác sỹ có thể cân nhắc không chỉ định xạ trị sau phẫu thuật.

Xạ trị sau phẫu thuật cắt u gồm các phương án sau:

  • Xạ trị vú toàn phần. Liệu pháp xạ trị sau phẫu thuật u vú phổ biến nhất là xạ trị liều chiếu ngoài cho toàn bộ vú (xạ trị vú toàn phần).

  • Xạ trị vú bán phần. Bác sỹ có thể chỉ định xạ trị bán phần cho những bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm, sử dụng liều chiếu ngoài hoặc xạ trị áp sát nhắm đến khu vực xung quanh khối u đã bị cắt bỏ.

2. Xạ trị sau phẫu thuật cắt bỏ vú toàn phần.

Xạ trị cũng được chỉ định cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ vú toàn phần để tiêu diệt tế bào ung thư có thể còn sót lại sau phẫu thuật và làm giảm nguy cơ tái phát ở hạch bạch huyết hoặc mô thành ngực.

Bác sỹ sẽ căn cứ vào các đặc điểm dưới đây khi cân nhắc chỉ định xạ trị sau phẫu thuật cắt vú toàn phần:

  • Dấu hiệu ác tính ở hạch bạch huyết. Xét nghiệm hạch nách (hoặc khu vực phụ cận) có tế bào ác tính, là dấu hiệu của ung thư đã di căn ra ngoài vú.

  • Khối u có kích thước lớn. Khối u vú có kích thước từ 5cm trở lên thường có nguy cơ tái phát cao hơn khối u nhỏ.

  • Diện cắt có tế bào ác tính. Sau khi cắt bỏ mô vú, mô ở mặt cắt được xét nghiệm xem có tế bào ác tính không. Vùng rìa khối u quá hẹp, hoặc có tế bào ác tính là yếu tố nguy cơ tái phát ung thư.

3. Xạ trị điều trị ung thư vú tại chỗ giai đoạn muộn.

Xạ trị cũng được chỉ định để:

  • Điều trị bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn không có chỉ định phẫu thuật

  • Điều trị bệnh nhân ung thư vú bị viêm, ung thư thể tiến triển xâm lấn mạch bạch huyết ở da vú. Bệnh nhân mắc ung thư vú thể này thường được hóa trị trước khi phẫu thuật cắt bỏ vú và xạ trị sau phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ tái phát.

4. Xạ trị điều trị ung thư vú di căn

Khi ung thư vú đã di căn đến các bộ phận khác, xạ trị thường được chỉ định để làm thu nhỏ khối u và giảm nhẹ triệu chứng (đau…).

Tác dụng phụ của xạ trị

Mức độ của tác dụng phụ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loại tế bào ung thư được điều trị. Tác dụng phụ thường có xu hướng nặng hơn ở cuối đợt điều trị và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần sau khi kết thúc điều trị.

Các tác dụng phụ thường thấy gồm:

  • Mệt mỏi ở mức độ nhẹ

  • Kích ứng da như ngứa, mẩn đỏ, phồng rộp hoặc lột da (tương tự các triệu chứng của bỏng nắng)

  • Sưng ngực

Tùy thuộc vào loại mô bị chiếu xạ, xạ trị có thể làm tăng nguy cơ của:

  • Sưng cánh tay (còn gọi là phù bạch huyết) ở bệnh nhân xạ trị hạch nách

  • Ảnh hưởng đến túi độn ngực dẫn đến phải tháo bỏ túi ở những bệnh nhân phẫu thuật tạo hình ngực sau cắt vú toàn phần.

Hiếm thấy hơn là tăng nguy cơ của:

  • Gẫy xương sườn hoặc phản ứng thành ngực

  • Viêm mô phổi hoặc tim

  • Ung thư thứ phát, như ung thư xương hoặc cơ (sarcoma) hoặc ung thư phổi

Chuẩn bị trước khi xạ trị

Trước khi điều trị, bạn sẽ được thăm khám và tư vấn bởi đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành xạ trị gồm:

– Bác sỹ xạ ung thư: Bác sỹ điều trị ung thư bằng tia xạ. Bác sỹ xạ trị ung thư là người quyết định phác đồ xạ trị cho bệnh nhân, theo dõi diễn biến và điều chỉnh kế hoạch xạ trị khi cần.

– Chuyên viên vật lý và liều bức xạ: Thực hiện việc tính toán và đo liều bức xạ điều trị của  bệnh nhân.

– Y tá xạ trị: Cung cấp thông tin, hướng dẫn cho bệnh nhân về quá trình xạ trị và các tác dụng phụ. Chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian điều trị.

– Kỹ thuật viên xạ trị: Vận hành thiết bị chiếu xạ để điều trị cho bệnh nhân.

Trước khi bắt đầu điều trị, bác sỹ sẽ khám cho bệnh nhân, đánh giá tiền sử và tình hình bệnh để quyết định xạ trị có phù hợp với tình trạng của bệnh nhân không. Bác sỹ cũng trao đổi với bệnh nhân về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của xạ trị.  

Chuẩn bị trước xạ trị liều chiếu ngoài

Trước lần chiếu xạ đầu tiên, bệnh nhân sẽ được lập kế hoạch xạ trị mô phỏng. Bác sỹ xạ trị sẽ đánh dấu những điểm cần chiếu xạ ở vú. Trong quá trình mô phỏng:

  • Kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân tìm ra tư thế tốt nhất để tia xạ nhắm trúng điểm cần điều trị mà ít tổn hại đến mô lành xung quanh. Một số trường hợp cần dụng cụ hỗ trợ/đệm để bệnh nhân có thể cố định tư thế trong khi xạ trị.

  • Bệnh nhân được chụp CT để bác sỹ định vị chính xác điểm chiếu xạ và vùng mô lành cần tránh. Máy chụp CT sẽ phát ra tiếng ồn khi quay xung quanh bệnh nhân để chụp. Bệnh nhân cần thư giãn, cố gắng nằm im trong lúc chụp để có hình ảnh chính xác giúp bác sỹ định vị khu vực điều trị.

  • Kỹ thuật viên đánh dấu trên cơ thể bệnh nhân những điểm cần chiếu xạ, sử dụng bút đánh dấu y tế hoặc xăm các điểm nhỏ, giúp cho kỹ thuật viên điều tia chính xác trong lúc xạ trị. Bệnh nhân nên lưu ý không nên lau rửa trôi các vết đánh dấu này.

  • Chuyên viên vật lý và bác sỹ xạ trị dùng phần mềm để lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân. Khi kết thúc việc lập kế hoạch, mô phỏng và kiểm tra chéo để đảm mức độ chính xác, bệnh nhân mới được điều trị.

Chuẩn bị trước xạ trị liều chiếu trong (xạ trị áp sát)

Trước khi xạ trị liều chiếu trong (xạ trị áp sát), bác sỹ sẽ đưa một thiết bị nhỏ có chứa chất phóng xạ vào bên trong cơ thể bệnh nhân nơi khối u bị cắt bỏ. Thủ thuật này có thể làm cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc vài ngày sau đó.

Tiến hành xạ trị

Xạ trị thường được tiến hành 8 tuần sau mổ nếu bệnh nhân không cần hóa trị. Với bệnh nhân hóa trị, xạ trị bắt đầu sau 4 tuần kể từ chu kỳ hóa chất cuối cùng. Xạ trị là thủ thuật điều trị ngoại trú, được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa xạ trị ngoài bệnh viện.

Liệu trình xạ trị thông thường diễn ra trong 5 – 6 tuần, 5 ngày mỗi tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu), mỗi ngày một lần. Liệu trình này thường áp dụng cho cả bệnh nhân xạ trị khối u và hạch bạch huyết.

Tuy nhiên, các bác sỹ hiện nay có xu hướng chỉ định liệu trình ngắn ngày hơn (còn gọi là Liệu trình phân đoạn thấp). Thời gian xạ trị vú toàn phần có thể rút ngắn xuống còn 1 đến 4 tuần; xạ trị vú bán phần trong thời gian 5 ngày hoặc ít hơn. Xạ trị phân đoạn có hiệu quả tương đương liệu trình dài và ít nguy cơ tác dụng phụ hơn. Bác sỹ xạ trị ung thư sẽ quyết định phương pháp nào phù hợp với bệnh nhân.

Xạ trị liều chiếu ngoài

Xạ trị liều chiếu ngoài thường được thực hiện theo quy trình dưới đây:

  • Bệnh nhân được hướng dẫn vào phòng xạ trị, thay quần áo điều trị

  • Kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân nằm trên bàn điều trị theo đúng tư thế đã mô phỏng

  • Kỹ thuật viên có thể chụp X-quang để đảm bảo bệnh nhân nằm đúng tư thế

  • Kỹ thuật viên rời phòng chiếu xạ để vận hành máy xạ trị (xạ trị tuyến tính)

  • Kỹ thuật viên theo dõi bệnh nhân từ bên ngoài phòng chiếu qua hệ thống camera & giao tiếp với bệnh nhân qua microphone- loa. Khi cảm thấy khó chịu, bệnh nhân thông báo với kỹ thuật viên để tạm dừng nếu cần.

Việc chiếu xạ diễn ra trong vài phút, tổng thời gian cho một lần điều trị thường từ 15 đến 45 phút kể cả thời gian cố định tư thế đúng để đảm bảo việc chiếu xạ được thực hiện chính xác.

Xạ trị không gây đau nhưng bệnh nhân có thể cảm thấy không thoải mái khi phải nằm cố định ở một tư thế trong thời gian ngắn.

Sau thời gian chiếu xạ, bệnh nhân có thể sinh hoạt, hoạt động bình thường. Bệnh nhân nên tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của bác sỹ hoặc nhân viên y tế như dưỡng da…

Sau khi kết thúc liệu trình xạ trị, bác sỹ có thể chỉ định cho một số bệnh nhân xạ trị bổ sung (radiation boost), tức là chiếu xạ phân đoạn vào điểm có nguy cơ cao hơn, hoặc kéo dài liệu trình thêm 4-5 ngày nữa. Ví dụ, sau khi kết thúc xạ trị vú toàn phần, bác sỹ thường chỉ định xạ trị bổ sung cho vị trí khối u đã cắt.

Xạ trị áp sát

Nguồn phóng xạ được đưa vào thiết bị cấy trong cơ thể bệnh nhân 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, mỗi lần vài phút. Xạ trị áp sát là thủ thuật ngoại trú, bệnh nhân có thể rời phòng khám giữa 2 thủ thuật.

Sau khi kết thúc liệu trình, bệnh nhân sẽ được tháo bỏ thiết bị chiếu xạ. Bác sỹ sẽ cho thuốc giảm đau khi rút thiết bị, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể bị đau tại chỗ trong vài ngày đến vài tuần sau đó.

Kết quả

Sau khi kết thúc liệu trình xạ trị, bác sỹ xạ trị ung thư, có thể kết hợp với các chuyên gia khác, sẽ đặt lịch tái khám để theo dõi tiến triển bệnh, các tác dụng phụ chậm (nếu có) và dấu hiệu ung thư tái phát. Bệnh nhân nên chuẩn bị sẵn các câu hỏi để bác sỹ có thể trả lời ngay trong buổi tái khám.

Nếu gặp các triệu chứng dưới đây, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sỹ:

  • Đau kéo dài

  • Nổi hạch, thâm tím, phát ban hoặc sưng

  • Sút cân không rõ nguyên nhân

  • Ho, hoặc sốt kéo dài; hoặc

  • Bất kỳ triệu chứng nào khác gây khó chịu

Nguồn: Mayo Clinic

 

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *