Điều trị Ung thư Bàng Quang hiệu quả tại Bệnh viện Raffles Singapore

 

 

Ung thư bàng quang là một loại ung thư bắt đầu trong bàng quang, một cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu và chứa nước tiểu. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang có thể bao gồm: Có máu trong nước tiểu, đi tiểu đau, thường xuyên đi tiểu, đau bụng, đau lưng.

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang sẽ căn cứ vào giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh. Dưới đây là những phương pháp điều trị ung thư bàng quang mà bác sỹ của bạn có thể tư vấn cho bạn.

1. Phẫu thuật điều trị Ung thư Bàng Quang

Phẫu thuật là cắt bỏ khối u và những tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau cho u bàng quang. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật có lợi nhất thường phụ thuộc vào giai đoạn và cấp độ của bệnh.

1.1. Cắt bỏ khối U Bàng Quang qua niệu đạo (TURBT) điều trị Ung thư Bàng Quang

Thủ thuật này được sử dụng để chẩn đoán, xác định giai đoạn cũng như là để điều trị bệnh. Trong quá trình cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo, bác sỹ phẫu thuật sẽ chèn một ống thông thông qua niệu đạo vào bàng quang. Sau đó, bác sỹ phẫu thuật sẽ cắt bỏ khối u bằng cách sử dụng một dụng cụ với 1 vòng dây nhỏ kết hợp chiếu tia laser hoặc đốt bằng tia điện (tia điện năng lượng cao). Bệnh nhân được gây mê, dùng thuốc để ngăn chặn cảm nhận cơn đau trước khi bắt đầu thực hiện thủ thuật.

Đối với những bệnh nhân mà ung thư chưa xâm lấn tới lớp cơ bàng quang thì cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo có thể loại bỏ ung thư. Tuy nhiên, bác sỹ có thể đề nghị các phương pháp điều trị bổ sung để giảm nguy cơ ung thư tái phát như hóa trị liệu hoặc miễn dịch trị liệu. Với những bệnh nhân mà ung thư đã xâm lấn tới lớp cơ bàng quang thì phương pháp điều trị bổ sung thường là phẫu thuật cắt bỏ bàng quang hay phương pháp ít phổ biến hơn là xạ trị.

1.2. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang (Radical Cystectomy) điều trị Ung thư Bàng Quang

Đây là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang (radical cystectomy) và có thể là các mô và cơ quan lân cận. Đối với nam giới, tiền liệt tuyến và niệu đạo cũng có thể được cắt bỏ. Đối với nữ giới thì tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và một phần âm đạo cũng có thể được loại bỏ. Thêm vào đó, các hạch lympho (hạch bạch huyết) ở vùng chậu cũng được cắt bỏ ở cả nam giới và nữ giới. Đây được gọi là phẫu thuật loại bỏ hạch lympho vùng chậu. Việc loại bỏ các hạch lympho ở vùng chậu mở rộng là cách chính xác nhất để tìm ra ung thư đã lan tới các hạch lympho. Đặc biệt, đối với một số bệnh ung thư cụ thể thì chỉ cần loại bỏ một phần của bàng quang, thủ thuật này được gọi là phẫu thuật cắt bỏ 1 phần bàng quang (partial cystectomy).

Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ bàng quang qua nội soi hoặc phẫu thuật bằng Robot, bác sỹ phẫu thuật rạch vài vết rạch nhỏ thay vì một vết cắt lớn như phương pháp phẫu thuật truyền thống. Sau đó, bác sỹ phẫu thuật sử dụng thiết bị telescoping có hoặc không có sự trợ giúp của Robot để loại bỏ bàng quang. Bác sỹ phẫu thuật phải thực hiện một vết rạch để cắt bỏ bàng quang và các mô xung quanh. Kiểu phẫu thuật này đòi hỏi bác sỹ phẫu thuật phải có chuyên môn sâu về phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

1.3. Phẫu thuật chuyển hướng dòng nước tiểu (Urinary Diversion) điều trị Ung thư Bàng Quang

Nếu bàng quang đã được cắt bỏ, bác sỹ sẽ tạo ra 1 đường dẫn nước tiểu mới mở ra ngoài cơ thể. Một cách để làm việc này là sử dụng một phần của ruột non hoặc đại tràng để chuyển nước tiểu đến lỗ tiểu nhân tạo (stoma) hoặc lỗ hậu môn nhân tạo (stomy) ở bên ngoài của cơ thể. Bệnh nhân sau đó cần đeo bao đính kèm với lỗ tiểu nhân tạo để thu nhận và thải nước tiểu.

Bác sỹ phẫu thuật có thể dùng 1 phần của ruột non hoặc ruột già để tạo 1 túi chứa nước tiểu, đó là 1 túi dự trữ nằm bên trong cơ thể. Với những thủ thuật này, bệnh nhân không cần đeo túi nước tiểu ở ngoài. Với một số bệnh nhân, bác sỹ phẫu thuật có thể kết nối túi đựng nước tiểu tới niệu đạo, tạo ra cái gọi là bàng quang nhân tạo mới (neobladder) vì vậy bệnh nhân có thể thải nước tiểu ra ngoài cơ thể như bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phải cấy 1 ống mỏng được gọi là ống thông nếu nước tiểu không chảy qua bàng quang mới. Bên cạnh đó, những bệnh nhân có bàng quang mới sẽ không còn nhu cầu đi tiểu nữa và họ cần phải học cách đi tiểu đúng giờ.

Đối với các bệnh nhân khác, túi chứa bên trong bụng được tạo ra từ ruột non và kết nối với da bụng hoặc rốn thông qua một lỗ tiểu nhỏ. Với phương án này, bệnh nhân không cần đeo túi chứa nước tiểu. Bệnh nhân sẽ rút nước tiểu nhiều lần trong 1 ngày bằng cách cắm 1 ống thông thông qua lỗ tiểu nhỏ và ngay lập tức tháo ống thông này ra.

Cuộc sống không còn bàng quang có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mục tiêu điều trị quan trọng là tìm phương án điều trị để giữ toàn bộ hoặc một phần bàng quang cho bệnh nhân. Một số bệnh nhân mà ung thư đã xâm lấn tới lớp cơ của bàng quang thì kế hoạch điều trị bằng hóa trị liệu và xạ trị liệu có thể được sử dụng như là một phương pháp điều trị thay thế cho việc cắt bỏ bàng quang.

2. Hóa trị điều trị Ung thư Bàng Quang

Hóa trị là sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn khả năng phát triển và phân chia của các tế bào ung thư. Một phác đồ hóa trị thường bao gồm một số chu kỳ cụ thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Một bệnh nhân có thể điều trị với 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau trong cùng một thời điểm. Có hai loại hóa trị liệu có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Sử dụng loại hóa trị liệu nào sẽ được bác sỹ tư vấn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh ung thư. Các bệnh nhân sẽ trao đổi với bác sỹ điều trị về phương án hóa trị liệu trước khi phẫu thuật.

2.1. Hóa trị trong bàng quang (Intravesical chemotherapy) hay còn gọi là hóa trị tại chỗ điều trị Ung thư Bàng Quang

Phác đồ điều trị này được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa Niệu. Trong phác đồ này, thuốc được đưa vào trong bàng quang thông qua 1 ống thông đã được cấy (chèn) qua niệu đạo. Điều trị tại chỗ chỉ phá hủy các tế bào ung thư ở bề mặt tiếp xúc với thuốc hóa trị. Nó không thể tiếp cận với các tế bào khối u trong thành bàng quang hoặc tế bào khối u đã lan tỏa tới các cơ quan khác.

2.2. Hóa trị liệu toàn thân (Systemic chemotherapy) điều trị Ung thư Bàng Quang

Phương án này thường được thực hiện bởi bác sỹ nội ung thư – nghĩa là chuyên gia điều trị ung thư bằng thuốc. Hóa trị liệu toàn thân xâm nhập vào máu để tiếp cận các tế bào ung thư khắp cơ thể. Cách thức phổ biến nhất để hóa trị liệu là 1 ống thông tĩnh mạch (intravenous IV tube) được đặt vào trong tĩnh mạch bằng kim tiêm hoặc trong một viên thuốc hoặc viên nang để uống.

Hóa trị liệu nào được lựa chọn phù thuộc vào mục tiêu điều trị và giai đoạn của ung thư bàng quang.

3. Liệu pháp Miễn dịch điều trị Ung thư Bàng quang

Liệu pháp miễn dịch còn được gọi là liệu pháp sinh học được thiết kế để thúc đẩy cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư. Nó sử dụng các yếu tố được thực hiện bởi cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm để cải thiện, nhắm trúng đích, hoặc khôi phục chức năng của hệ miễn dịch.

Loại thuốc miễn dịch chuẩn cho bệnh ung thư bàng quang là một loại vi khuẩn đã bị suy yếu gọi là Bacillus Calmette-Guerin (BCG), tương tự như vi khuẩn gây bệnh lao. BCG được bơm trực tiếp vào bàng quang qua ống thông. Đây được gọi là liệu pháp nội khoa. BCG dính (tiếp xúc) với lớp lót trong bàng quang và kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt khối u. BCG có thể gây triệu chứng giống cúm, ớn lạnh, sốt nhẹ, mệt mỏi, cảm giác nóng trong bàng quang…

Interferon (Roferon-A, Intron A, Alferon) là một dạng miễn dịch khác có thể được dùng như liệu pháp nội khoa. Đôi khi Interferon được kết hợp với BCG nếu sử dụng BCG chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

4. Xạ trị điều trị Ung thư Bàng quang

Xạ trị là sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một bác sỹ chuyên về xạ trị điều trị ung thư được gọi là bác sỹ chuyên khoa xạ trị ung thư. Cách điều trị phổ biến nhất của xạ trị được gọi là liệu pháp xạ trị ngoài, tức là xạ trị được thực hiện từ máy móc từ bên ngoài cơ thể. Khi xạ trị được sử dụng bằng việc đặt vào trong cơ thể, nó được gọi là liệu pháp xạ trị trong hoặc liệu pháp phóng xạ nội y. Liệu pháp phóng xạ thường bao gồm một số lần điều trị cụ thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Liệu pháp xạ trị thường không được sử dụng như là một phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh ung thư bàng quang nhưng nó có thể được kết hợp với hóa trị liệu. Một số bệnh nhân không thể tiếp nhận hóa trị liệu thì có thể được điều trị bằng xạ trị. Những lý do dưới đây mô tả tại sao việc kết hợp giữa liệu pháp xạ trị và hóa trị liệu có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang khi khối u còn nằm trong bàng quang:

• Để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn xót lại sau khi cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT), vì vậy tất cả hoặc một phần bàng quang không cần phải cắt bỏ.

• Để giảm các triệu chứng gây ra do khối u như đau, chảy máu, hoặc tắc nghẽn.

• Điều trị di căn nằm trong 1 khu vực, chẳng hạn như tới não hoặc xương.

Nguồn: Cancer.net

Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:       167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087

Di động:      +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)

Email:          hcm@rafflesmedical.com
 

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:         51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)

Điện thoại:   +84-24 3676 2222

Di động:       +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)

Email:            hanoi@rafflesmedical.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *