Mục lục
Tổng quan về phương pháp chiếu xạ
Liệu pháp chiếu xạ (còn gọi là “chiếu xạ”, “liệu pháp bức xạ”, “”liệu pháp xạ trị”, “xạ trị” hay “liệu pháp tia X”) là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách dung các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường dùng tia X, nhưng cũng sử dụng một số tia bức xạ khác như proton….
Thuật ngữ “Xạ trị” thường nói đến xạ trị liều chiếu ngoài, còn gọi là “xạ trị ngoài” hay “bức xạ ngoài”. Với phương pháp này, tia bức xạ năng lượng cao được phát ra từ một thiết bị đặt bên ngoài, nhắm chính xác tới khối u bên trong cơ thể. Ngoài ra, còn có phương pháp xạ trị liều chiếu trong, còn gọi là “xạ trị trong” hay “xạ trị áp sát”, là phương pháp sử dụng nguồn chiếu xạ đặt bên trong cơ thể.
Xạ trị tác động đến tế bào bằng cách phá vỡ vật chất di truyền (ADN) có chức năng kiểm soát sự phân chia và phát triển của tế bào. Trong khi cả tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư đều bị tia xạ tiêu diệt, mục đích của xạ trị là phá hủy càng ít tế bào khỏe mạnh càng tốt. Tế bào khỏe mạnh có thể tự phục hồi sau khi bị tác động bởi tia xạ.
Tại sao cần xạ trị?
Hơn nửa số bệnh nhân ung thư sẽ cần đến xạ trị trong suốt quá trình điều trị ung thư. Bác sỹ chỉ định xạ trị cho hầu hết mọi loại bệnh ung thư. Xạ trị cũng được chỉ định để điều trị một số loại u lành tính.
Xạ trị đối với bệnh nhân ung thư
Bác sỹ có thể chỉ định xạ trị ở những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị ung thư vì những lý do sau:
– Đây là phương pháp điều trị chính.
– Trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u (liệu pháp tân bổ trợ).
– Sau khi phẫu thuật để ngăn cho các tế bào ung thư còn lại tiếp tục phát triển (liệu pháp bổ trợ).
– Kết hợp với các liệu pháp điều trị khác như hóa trị…, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
– Giảm nhẹ triệu chứng ở bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn (còn gọi là “xạ trị giảm nhẹ” hay “xạ trị triệu chứng”).
Nguy cơ của xạ trị
Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào vùng chiếu (bộ phận nào của cơ thể) và liều chiếu (mức độ mạnh yếu của tia bức xạ). Bệnh nhân có thể không gặp bất kể tác dụng phụ nào, nhưng cũng có người gặp đồng thời các tác dụng phụ khác nhau. Phần lớn tác dụng phụ của xạ trị là tạm thời, có thể kiểm soát được và sẽ tự hết khi kết thúc liệu pháp xạ trị.
Vùng chiếu |
Tác dụng phụ thường gặp |
---|---|
Theo thống kê của Viện Ung Thư Quốc Gia (National Cancer Institute) năm 2016 |
|
Bất kể vùng nào |
Rụng lông/tóc tại chỗ, đôi khi mất vĩnh viễn, kích ứng da tại chỗ, mệt mỏi |
Đầu và cổ |
Khô miệng, nước bọt đặc, khó nuốt, đau họng, thay đổi khẩu vị, buồn nôn, đau nhiệt khoang miệng, sâu răng |
Lồng ngực |
Khó nuốt, ho, thở gấp |
Ổ bụng |
Buồn nôn, nôn, tiêu chảy |
Tiểu khung (vùng chậu) |
Tiêu chảy, bàng quang kích ứng, đi tiểu nhiều lần, suy giảm chức năng tình dục |
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện muộn hàng năm sau khi quá trình xạ trị kết thúc. Thậm chí, đối với một số trường hợp hiếm, tác dụng phụ xuất hiện muộn sau vài năm xạ trị và khi bệnh nhân mắc thêm một bệnh Ung Thư khác (ung thư nguyên phát). Bệnh nhân nên trao đổi với bác sỹ về các tác dụng phụ cả ngắn hạn và dài hạn có thể xảy ra sau xạ trị.
Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì?
Trước khi điều trị bằng liều chiếu ngoài, bác sỹ và nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân về quy trình lập kế hoạch xạ trị để đảm bảo tia xạ nhắm chính xác đến khối u cần tiêu diệt. Việc lập kế hoạch xạ trị bao gồm:
-
Mô phỏng xạ trị. Trong quá trình mô phỏng, nhân viên y tế sẽ cùng làm việc với bệnh nhân để tìm ra tư thế thích hợp nhất khi chiếu xạ. Việc bệnh nhân có thể nằm im trong suốt thời gian chiếu xạ là cực kỳ quan trọng, nên cần phải tìm cho bệnh nhân tư thế nằm thoải mái. Bệnh nhân nằm trên bàn của chính chiếc máy chiếu xạ, được chèn gối & buộc đai để cố định cơ thể ở tư thế phù hợp giúp bệnh nhân có thể nằm yên. Các nhân viên sẽ đánh dấu vị trí chiếu xạ trên cơ thể bệnh nhân. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và vùng chiếu xạ, nhân viên y tế có thể đánh dấu vị trí chiếu xạ bằng bút mực có thể xóa/ không xóa được hoặc đánh dấu bằng vết xăm nhỏ.
-
Lập kế hoạch xạ trị. Nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để xác định chính xác điểm chiếu xạ. Sau khi lập kế hoạch xạ trị, căn cứ vào tình trạng của mỗi bệnh nhân (loại ung thư & giai đoạn ung thư, thể trạng, mục đích xạ trị…) bác sỹ sẽ chỉ định phương thức chiếu xạ và liều bức xạ. Liều chiếu và vị trí chiếu xạ được tính toán kỹ lưỡng để tia bức xạ được chiếu tối đa đến khối u đồng thời giảm thiểu tác hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh.
Quá trình xạ trị
Xạ trị liều chiếu ngoài thường dùng máy gia tốc tuyến tính – là thiết bị chiếu tia bức xạ năng lượng cao trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân.
Bệnh nhân nằm trên bàn, máy gia tốc tuyến tính sẽ quay vòng quanh và chiếu xạ từ những góc khác nhau. Máy chiếu xạ được điều chỉnh để tia bức xạ đạt liều chiếu chính xác theo chỉ định của bác sỹ.
Thông thường xạ trị được điều trị ngoại trú, 5 ngày mỗi tuần vào cùng thời gian và kéo dài trong vài tuần để tế bào khỏe mạnh có đủ thời gian hồi phục giữa những lần chiếu xạ.
Thời gian của mỗi lần chiếu xạ từ 10 đến 30 phút. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định liều xạ trị đơn để giảm đau, hoặc giảm nhẹ các triệu chứng khác của ung thư giai đoạn muộn.
Khi chiếu xạ, bệnh nhân nằm trên bàn theo tư thế đã được tính toán ở quá trình mô phỏng kể trên. Bệnh nhân có thể cần dùng đai để cố định tư thế nằm khi chiếu xạ.
Máy gia tốc tuyến tính sẽ quay quanh cơ thể bệnh nhân để phát tia xạ được đến đúng vị trí đích (khối u). Khi vận hành, máy sẽ phát ra những tiếng kêu vo vo.
Bệnh nhân nằm yên và thở bình thường trong suốt thời gian chiếu xạ (khoảng vài phút). Đối với bệnh nhân ung thư phổi hoặc ung thư vú, kỹ thuật viên xạ trị có thể yêu cầu bệnh nhân nín thở khi máy phát tia xạ.
Trong quá trình xạ trị, nhân viên y tế ngồi ở phòng bên cạnh theo dõi bệnh nhân qua màn hình và giao tiếp với bệnh nhân qua loa và micro. Bệnh nhân có thể báo cho nhân viên y tế khi cảm thấy không thoải mái mặc dù xạ trị thường không gây đau trong quá trình điều trị
Kết quả
Sau khi xạ trị khối u, bác sỹ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp chiếu vài lần (chụp CT hoặc MRI…) để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị.
Một số bệnh nhân có thể đáp ứng với xạ trị ngay lập tức, trong khi những bệnh nhân khác cần vài tuần đến vài tháng và không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng với xạ trị.
Nguồn: Mayo Clinic
Thông tin liên hệ (Hỗ trợ tư vấn và phiên dịch miễn phí)
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: 167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84-28 3822 6086/ +84-28 3822 6087
Di động: +84 947 815 338 (Ms.Thuến) / +84 912 175 162 (Ms. Thủy)
Email: hcm@rafflesmedical.com
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN RAFFLES TẠI HÀ NỘI
Địa chỉ: 51 Xuân Diệu, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (phía sau Fraiser Suites)
Điện thoại: +84-24 3676 2222
Di động: +84 941 978 228 (Ms. Hương) / +84 936 328 588 (Ms. Lan Anh)
Email: hanoi@rafflesmedical.com