Trượt đĩa đệm, còn gọi là thoát vị đĩa đệm, là tình trạng mô mềm bên trong bị đẩy (thoát) ra khỏi đốt sống do bị rách. Trong khi phần lớn thoát vị xảy ra ở cột sống thắt lưng, cột sống cổ cũng có thể bị thoát vị. Thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép dây thần kinh lân cận, gây đau lưng, đau hoặc tê chân, tay.
Nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm là gì?
Theo bác sĩ David Wong, chuyên khoa phẫu thuật cột sống, các nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm gồm:
Tuổi tác
Theo tuổi tác, đĩa đệm cột sống trở nên kém linh hoạt, dễ bị dò hoặc rách.
Sai tư thế
Nhấc các vật nặng không đúng tư thế có thể làm tổn thương lưng, gây thoát vị đĩa đệm.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể không gây bất kể triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi thoát vị chèn ép dây thần kinh lân cận sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu. Tùy thuộc vào mức độ & vị trí thoát vị, bạn có thể gặp những triệu chứng sau đây:
- Yếu cơ
- Đau vùng thắt lưng
- Đau tăng lên khi nằm, cúi hoặc vặn lưng
- Khó kiểm soát nhu động ruột
- Tê bì ở chi
Nếu gặp phải triệu chứng kể trên, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để được đánh giá chính xác.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình sẽ khám lâm sàng để xác định mức độ & nguyên nhân gây đau. Bạn có thể được yêu cầu nằm ngửa, chuyển động chân ở nhiều tư thế khác nhau để đánh giá vị trí đau cũng như đánh giá phản xạ & sức mạnh cơ. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thăm khám như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để bổ sung thông tin cho đánh giá & chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Để giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau:
Nghỉ ngơi
Vài ngày nghỉ ngơi cho bạn thời gian để tổn thương ở lưng tự lành. Bạn nên tránh các hoạt động hoặc bài tập gây áp lực lên lưng. Chườm lạnh hoặc nóng vào chỗ đau cũng giúp bạn thấy nhẹ nhõm hơn.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau & giãn cơ nếu cần thiết.
Vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể chuyển bệnh nhân tới chuyên khoa Vật lý trị liệu để hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập, tư thế làm giảm đau do thoát vị. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các động tác làm tăng sức mạnh cơ lưng, tăng mức độ linh hoạt của cột sống và chân để giảm nguy cơ tái phát.
Phẫu thuật
Nếu triệu chứng không được cải thiện sau khi thực hiện các liệu pháp nêu trên, hoặc nếu có dấu hiệu tổn thương thần kinh rõ rệt như yếu hoặc mất cảm giác ở chân.., bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều trị đĩa đệm bị tổn thương.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm
Phẫu thuật mở Cắt bỏ đĩa đệm
Bệnh nhân được gây mê trong khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm bị tổn thương. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nằm viện vài ngày để theo dõi trong lúc vết mổ lành dần.
Phẫu thuật nội soi Cắt bỏ đĩa đệm (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, hoặc phẫu thuật lỗ khóa)
Bác sĩ rạch một vết nhỏ ở lưng để đưa ống nội soi (là ống mềm mảnh gắn nguồn sáng & camera ở đầu ống) và dụng cụ phẫu thuật vào để cắt bỏ đĩa đệm bị tổn t thương. Phẫu thuật được thực hiện trong khoảng 1 tiếng, bệnh nhân sau hồi tỉnh sẽ được lưu viện theo dõi và có thể ra viện trong ngày.
Phẫu thuật lấy Nhân đĩa đệm
Ở phương pháp này, bác sĩ dùng ống hút chuyên dụng lấy bỏ phần nhân đĩa đệm. Kích thước đĩa đệm sẽ thu nhỏ lại, giải áp suất lên dây thần kinh. Phẫu thuật này chỉ được thực hiện cho bệnh nhân có lớp bao còn lành lặn.
Phẫu thuật Thay đĩa đệm nhân tạo
Phẫu thuật này được chỉ định cho bệnh nhân thoát vị đơn tầng và không phù hợp với thoái hóa, thoát vị đa tầng. Bệnh nhân được gây mê trước khi bác sĩ thao tác phẫu thuật qua đường bụng. Đĩa đệm bị trượt được thay bằng đĩa đệm bằng nhựa hoặc kim loại. Bệnh nhân có thể cần nằm viện vài ngày để hồi phục.
Cố định đốt sống
Phẫu thuật cố định đốt sống là phương pháp gắn vĩnh viễn 2 đốt sống hoặc nhiều hơn với nhau, ghép xương lấy từ nơi khác (như xương chậu) của bệnh nhân hoặc người hiến tặng. Bác sĩ dùng nẹp vít bằng nhựa hoặc kim loại đễ hỗ trợ các đốt sống, cố định vĩnh viễn đoạn cột sống bị ảnh hưởng.
Bệnh nhân được gây mê trước khi phẫu thuật và nằm viện vài ngài sau phẫu thuật.
Cần thời gian bao lâu để thoát vị đĩa đệm hồi phục?
Đau do thoát vị đĩa đệm sẽ giảm dần trong vài ngày. Nếu tình trạng bệnh nhân nặng, đĩa đệm có thể lành sau 4 đến 6 tuần. Bệnh nhân có thể hồi phục nhanh hơn bằng cách giảm thiểu các động tác, hoat động gây áp lực lên cột sống và uống thuốc (không kê đơn).
Phồng đĩa đệm & trượt đĩa đệm khác nhau thế nào?
Phồng đĩa đệm là hậu quả của việc mất nước trong đĩa đệm, do đĩa đệm bị yếu và phồng ra ngoài. Nguyên nhân thường do thoái hóa ở người có tuổi và có xu hướng ảnh hưởng đến các phần khác của vòng bao cứng hơn của sụn đĩa đệm thường ở ¼ đến nửa chu vi đĩa đệm.
Trượt đĩa đệm (còn gọi là thoát vị đĩa đệm) là hậu quả của nứt vỡ vòng bao ngoài của sụn đĩa đệm khiến cho lớp nhân mềm rò rỉ vào ống sống.
Phồng đĩa đệm & thoát vị đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh. Tuy nhiên thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân gây đau phổ biến hơn do thoát vị lồi ra chèn ép dây thần kinh. Thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép hoặc làm viêm rễ thần kinh.
Tôi có thể làm gì để hạn chế nguy cơ thoát vị đĩa đệm?
Bạn có thể hạn chế nguy cơ thoát vị đĩa đệm với các hành động sau:
Nâng, nhấc vật nặng đúng tư thế
Giữ cho lưng thẳng khi nâng nhấc vật nặng. Không cúi khom lưng & dùng cơ chân để hỗ trợ lực khi nâng vật nặng.
Duy trì tư thế đúng
Bạn cần tìm hiểu & duy trì các tư thế đúng khi đứng, ngồi, đi bộ, lái xe hoặc ngủ. Tư thế đúng sẽ làm giảm áp lưc lên cột dây chằng & côt sống.
Tránh đi giày cao gót
Giày cao gót làm cho toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên bóng bàn chân (phần đệm phía dưới ngón chân) khiến cho gối, hông & lưng bị lệch. Đi giày cao gót trong thời gian dài gây đau vùng thắt lưn & viêm khớp gối. Dây thần kinh cột sống có thể bị chèn ép, gây đau, tê hoặc châm chích.
Tập thể dục thường xuyên
Các bài tập làm tăng sức mạnh cơ lưng & cơ bụng sẽ hỗ trợ cho cột sống. Nếu bị đau lưng, bạn cần tư vấn chuyên gia vật lý trị liệu về các bài tập phù hợp
Nguồn: Raffles Hospital Singapore