Mục lục
Các chuyên gia cho rằng: vận động thường xuyên với cường độ phù hợp và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp các khớp xương bên trong hoạt động dễ dàng hơn, không bị xơ cứng và thoái hóa.
Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên (trên 50), phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 150 các bệnh về khớp (thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm cột sống dính khớp, đau dây thần kinh tọa, gút…). Trong đó, viêm khớp dạng thấp chiếm 0,3-1% dân số thế giới, còn thoái hóa khớp xuất hiện ở 9,6% nam giới và 18% phụ nữ trên 60 tuổi. Những người mắc các bệnh về khớp thường gặp khó khăn khi vận động và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Triệu chứng của bệnh xương khớp ở người cao tuổi
Bệnh thoái hóa khớp có các triệu chứng lâm sàng nổi bật như đau lưng, gối, háng và các điểm đau khớp tăng lên khi gặp thời tiết lạnh, ẩm hoặc sau các hoạt động làm tăng tại trọng lên các khớp như đi bộ nhiều, đứng lâu, mang vác nặng… Cảm giác đau có thể xuất hiện khi ấn vào khớp hoặc làm động tác gấp duỗi khớp.
Lúc bệnh mới khởi phát đau chủ yếu xảy ra khi vận động. Về sau bệnh tiến triển nặng sẽ đau cả khi nghỉ ngơi, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Nếu không được phát hiện sớm và có các phương pháp kiểm soát, điều trị, giai đoạn muộn của bệnh có thể dẫn đến cứng khớp, lỏng dây chằng, biến dạng lệch trục khớp.
Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa bệnh xương khớp
Thực đơn mỗi ngày nên có ít nhất 300gram rau các loại và hơn 200gram trái cây, để cung cấp đủ vitamin nhóm B, C, E, caroten, khoáng chất kali, magiê cho cơ thể. Đây là những chất giúp chống oxy hóa và tác dụng phòng ngừa các bệnh thoái hóa. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên bổ sung đạm từ các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò và đạm thực vật gồm tàu hủ, bột đậu nành, các loại đậu đỗ. Mỗi ngày nên ăn trung bình 50gram thịt, 50 -100gram cá, 100gram đậu hủ, 30gram đậu đỗ, trứng 3 – 4 quả một tuần, nếu cholesterol trong máu cao hoặc có sỏi mật thì chỉ ăn 1 – 2 quả một tuần.
Nến uống 2 – 3 ly sữa mỗi ngày. Nếu bạn thừa cân hoặc có cholesterol trong máu cao, có thể thay bằng sữa tách béo. Sữa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất đặc biệt giàu canxi rất cần thiết cho người bệnh xương khớp.
Chất béo chỉ nên ăn ở mức vừa phải, trung bình 20gr mỗi ngày và chọn các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu nành, dầu phộng… Nếu bạn bị thừa cân, nên tránh các món ăn chiên xào và da động vật. Còn nếu bạn thiếu cân, suy dinh dưỡng, cần tăng thêm chất béo.
Bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, thận cần tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Không dùng bia, rượu và các chất kích thích thần kinh vì các chất này thường gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc, gây bất lợi trong điều trị.
Chế độ vận động ngăn ngừa bệnh xương khớp
Vận động thường xuyên với cường độ phù hợp sẽ giúp các khớp xương bên trong hoạt động dễ dàng hơn, không bị xơ cứng và thoái hóa. Nên thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ như đi bộ, dưỡng sinh, bơi lội…và nên tập 3 – 5 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tránh vận động mạnh và làm việc nặng quá sức.
Nguồn: VnExpress