Hóa trị là phương pháp trị liệu dùng thuốc chống ung thư qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đường uống. Thuốc sẽ theo mạch máu đến toàn bộ cơ thể.
Khi nào cần dùng hóa trị?
Không phải toàn bộ bệnh nhân ung thư phổi đều cần hóa trị. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và các yếu tố khác, hóa trị có thể được dùng trong những trường hợp khác nhau như dưới đây:
- Trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ): Hóa trị tân bổ trợ được chỉ định (đôi khi có thể kết hợp với xạ trị) để thu nhỏ kích thước khối u làm giảm mức độ xâm lấn khi phẫu thuật.
- Sau khi phẫu thuật (hóa trị bổ trợ): Hóa trị bổ trợ được chỉ định (đôi khi có thể kết hợp với xạ trị) để tiêu diệt hết tế bào ung thư tồn dư do phẫu thuật không thể cắt bỏ hết được, hoặc đã di căn nhưng còn nhỏ không được phát hiện qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
- Điều trị ung thư tại chỗ giai đoạn muộn: Đôi khi hóa trị, có thể kết hợp với xạ trị, được chỉ định là trị liệu chính cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn đến cơ quan lân cận ở những bệnh nhân không đủ sức khỏe phẫu thuật.
- Điều trị ung thư phổi di căn (Giai đoạn IV): Hóa trị được dùng để điều trị bệnh nhân ung thư phổi đã di căn xa ngoài phổi như xương, gan hoặc tuyến thượng thận.
Hóa trị thường không được chỉ định cho bệnh nhân có tình trạng sức khỏe kém, tuy nhiên bệnh nhân cao tuổi không gặp trở ngại gì khi hóa trị.
Các thuốc hóa trị (hóa chất) điều trị ung thư phổi
Các hóa chất phổ biến điều trị ung thư phổi gồm:
- Cisplatin
- Carboplatin
- Paclitaxel (Taxol)
- Albumin-bound paclitaxel (nab-paclitaxel, Abraxane)
- Docetaxel (Taxotere)
- Gemcitabine (Gemzar)
- Vinorelbine (Navelbine)
- Etoposide (VP-16)
- Pemetrexed (Alimta)
Phác đồ hóa trị kết hợp 2 loại hóa chất thường được chỉ định để điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm và phổ biến nhất là cisplatin hoặc carboplatin kết hợp với một hóa chất khác; hoặc kết hợp các hóa chất không có trong danh mục trên như gemcitabine với vinorelbine hoặc paclitaxel.
Ung thư phổi giai đoạn muộn có thể sử dụng phác đồ hóa chất đơn lẻ đặc biệt là ở bệnh nhân kém dung nạp phác đồ kết hợp như người có sức khỏe nền kém hoặc người cao tuổi.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn có thể sử dụng hóa trị kết hợp với thuốc nhắm trúng đích hoặc miễn dịch.
Hóa trị được dùng thế nào?
Hóa chất điều trị ung thư phổi chủ yếu được đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch, tiêm trong vài phút hoặc truyền trong thời gian dài hơn. Hóa trị có thể được thực hiện tại phòng khám, phòng hóa trị ngoại trú hoặc nội trú trong bệnh viện.
Truyền hóa chất thường dùng bộ dụng cụ/dây truyền lớn & chắc bền hơn như cathether tĩnh mạch trung tâm CVC/CVAD. Các dụng cụ này được dùng để đưa thuốc, chế phẩm máu, dinh dưỡng và dịch truyền vào mạch máu hoặc để rút máu ra làm xét nghiệm.
Bác sĩ truyền hóa chất theo chu kỳ với thời gian nghỉ ngơi sau truyền để bệnh nhân hồi phục. Các chu kỳ thường cách nhau 3 hoặc 4 tuần với lịch truyền khác nhau tùy thuộc vào từng loại hóa chất. Ví dụ, một số thuốc được truyền vào ngày đầu của chu kỳ trong khi một số thuốc khác được truyền liên tiếp trong vài ngày, hoặc mỗi tuần một lần. Chu kỳ tiếp theo được lặp lại giống như chu kỳ trước.
Hóa trị bổ trợ hoặc tân bổ trợ thường được dùng trong 3-4 tháng tùy thuộc vào từng loại hóa chất. Thời gian hóa trị ung thư phổi giai đoạn muộn tùy thuộc vào hiệu quả & tác dụng phụ của mỗi phác đồ.
Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, phác đồ hóa trị kết hợp dòng đầu thường diễn ra trong 4 đến 6 chu kỳ. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định điều trị với hóa chất đơn lẻ hoặc thuốc nhắm trúng đích cho bệnh nhân đáp ứng tốt với hóa trị dòng đầu hoặc cho bệnh nhân không tiến triển. Liệu pháp này được gọi là điều trị duy trì để kiểm soát ung thư và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Nếu hóa trị dòng đầu không có hiệu quả trên bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn, bác sĩ thường sẽ chỉ định hóa trị dòng hai với phác đồ hóa chất đơn lẻ như docetaxel hoặc pemetrexed; hoặc kết hợp với thuốc nhắm trúng đích/miễn dịch.
Tác dụng phụ của hóa trị điều trị ung thư phổi
Hóa chất có thể gây tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ dưới đây tùy thuộc vào loại hóa chất, liều lượng & thời gian điều trị:
- Rụng tóc
- Nhiệt, rát miệng
- Ăn không ngon, thay đổi cân nặng
- Buồn nôn & nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
Hóa trị có thể ảnh hưởng đến các tế bào tạo máu trong tủy gây nên:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (do giảm bạch cầu)
- Dễ bị chảy máu hoặc bầm tím (do giảm tiểu cầu)
- Mệt mỏi suy nhược (do giảm hồng cầu)
Các tác dụng phụ thường sẽ chấm dứt sau khi kết thúc hóa trị & có thể được giảm nhẹ bằng nhiều biện pháp như dùng thuốc chống nôn/buồn nôn…
Một số hóa chất có thể gây tác dụng phụ đặc thù như cisplatin, vinorelbine, docetaxel, hoặc paclitaxel ảnh hưởng đến tế bào thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên) gây nên các triệu chứng (chủ yếu ở chân tay) như đau, rát, cảm giác kim châm, nhạy cảm với lạnh hoặc cảm giác suy yếu. Phần lớn bệnh nhân sẽ thấy các tác dụng phụ suy giảm hoặc chấm dứt khi kết thúc điều trị trong khi một số bệnh nhân có thể bị trong thời gian dài hơn.
Bệnh nhân cần lưu ý báo ngay cho nhân viên y tế nếu nhận thấy bất kể tác dụng phụ nào trong quá trình hóa trị để có thể được xử lý kịp thời. Một số bệnh nhân có thể cần giảm liều hóa chất hoặc trì hoãn điều trị để tránh cho các tác dụng phụ bị nặng lên.
Nguồn: cancer.org