Mục lục
Mục đích của điều trị thoái hóa đĩa đệm cột sống là giảm đau và ngăn chặn bệnh diễn biến xấu đi, tránh gây đau đớn cho bệnh nhân.
Đĩa đệm cột sống có tác dụng gì?
Đĩa đệm cột sống có tác dụng giảm xóc giữa các đốt sống hoặc xương cột sống, giúp cho cột sống co giãn linh hoạt khi cúi người hoặc vặn người. Theo tuổi tác càng tăng, đĩa đệm cột sống bị hao mòn, dễ bị tổn thương hoặc thậm chí mất tác dụng.
Theo thời gian, hầu hết chúng ta đều bị thoái hóa đĩa đệm, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều bị đau. Nếu nguyên nhân đau cột sống là do thoái hóa đĩa đệm và nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân thì bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây thoái hóa đĩa đệm cột sống
Đĩa đệm có cấu trúc thành ngoài cứng và bên trong mềm. Các thay đổi về cấu trúc sau có thể gây nên bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống:
- Mất nước: Tuổi tác là yếu tố chính làm cho đĩa đệm bị mất nước, giảm khả năng chống xóc làm đau cột sống làm đau bệnh nhân.
- Rạn thành đĩa đệm: Áp lực vận động hàng ngày có thể gây nên những tổn thương nhỏ, theo thời gian dần dần hình thành các vết rạn ở thành đĩa đệm (nơi có nhiều dây thần kinh), gây đau cột sống. Nếu thành đĩa đệm bị vỡ, lõi nhân mềm bên trong bị đẩy ra ngoài, làm phồng hoặc trượt đĩa đệm, có thể chèn ép các dây thần kinh xung quanh, hiện tượng này được gọi là thoát vị đĩa đệm.
Hình minh họa: Thoái hóa đĩa đệm cột sống
Triệu chứng thoái hóa đĩa cột sống
Triệu chứng ở mỗi bệnh nhân khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ suy yếu của đĩa đệm bị thoái hóa. Các kiểu đau thường gặp như:
- Đau âm ỉ vùng thắt lưng, hông và đùi, kéo dài trong nhiều tuần.
- Đau nhiều hơn khi ngồi, thấy dễ chịu hơn khi thay đổi tư thế như đi lại, vận động nhẹ.
- Cơn đau có thể tăng khi làm các động tác cúi, nâng vác đồ vật hoặc vặn người.
- Khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng, các cơn đau ở lưng có thể lan xuống chân, gây tê liệt và mất thăng bằng khi di chuyển.
Một số chẩn đoán thoái hóa đĩa đệm cột sống
Để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám lâm sàng và chỉ định chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống để có chẩn đoán chính xác nhất.
Điều trị thoái hóa đĩa đệm cột sống bằng phương pháp nào?
Theo bác sĩ David Wong Him Choon – Chuyên gia chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Raffles Singapore chia sẻ: “Nếu như bệnh chuyển biến nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống hàng ngày thì bệnh nhân nên điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Mục đích của điều trị thoái hóa đĩa đệm cột sống là giảm đau và ngăn chặn bệnh diễn biến xấu đi, tránh gây nên những tổn thương nghiêm trọng”.
Căn cứ vào thể trạng và sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các phương án điều trị sau đây:
- Thuốc giảm đau như Paracetamol, thuốc chống viêm không Steroid, thuốc giãn cơ.
- Tập vật lý trị liệu, các động tác tăng cường sức mạnh nhóm cơ ở lưng và cổ để hỗ trợ cho cột sống.
- Tiêm steroid phong bế thần kinh.
- Phẫu thuật cắt gọt đĩa đệm (discectomy), phần đĩa đệm bị tổn thương được cắt bỏ để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Các trường hợp nặng hơn cần được thay đĩa đệm nhân tạo hoặc phẫu thuật cố định lai (hybrid fusion).
Nguồn : Bệnh viện Raffles Singapore